Mỹ - Trung Quốc đại chiến truyền thông
Ngày 18-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu các công dân Mỹ làm việc cho ba tờ báo New York Times, Wall Street Journal, Washington Post ở Trung Quốc và những ký giả nào thẻ hành nghề hết hạn trong năm nay phải trả thẻ trong vòng 10 ngày và sẽ không được phép hành nghề ở Hoa lục, Hong Kong hay Macau.
Trung Quốc cũng thông báo rằng ban Hoa ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, tờ New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, tạp chí Time phải “khai báo thông tin về nhân viên, tài chính, hoạt động và bất động sản ở Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng dọa sẽ có thêm biện pháp trả đũa nhắm vào các ký giả Mỹ.
Theo AFP, tổng cộng có hơn 10 nhà báo làm việc cho nhiều nhật báo nổi tiếng Mỹ nhận được yêu cầu nộp lại chứng nhận cho phép hành nghề tại Trung Quốc - tương đương với quyết định trục xuất.
Mỹ buộc 4 trong 5 cơ quan truyền thông của Trung Quốc giảm số lượng phóng viên thường trú tại Mỹ. |
Theo Câu lạc bộ Các nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC), ít nhất 13 nhà báo của New York Times, Wall Street Journal, The Washington Post đã nhận được thông báo nộp lại giấy phép hành nghề trong thời hạn 10 ngày. Quyết định của chính quyền Bắc Kinh gây chấn động các cơ quan báo chí nước ngoài ở Trung Quốc. Bắc Kinh biện minh rằng việc trục xuất này không hề liên quan đến tự do báo chí.
Theo cơ quan ngoại giao Trung Quốc, các biện pháp này chỉ là nhằm trả đũa sau khi Washington ra quyết định giới hạn tối đa 100 người làm việc cho các cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngay lập tức kêu gọi Bắc Kinh hủy bỏ quyết định trục xuất nói trên. Ông khẳng định Washington chỉ ‘‘giảm mạnh số lượng nhân viên của bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc’’ tại Mỹ chứ không tấn công vào các nhà báo Trung Quốc. Ông Pompeo nói hành động của Trung Quốc có thể khiến người dân nước này và nhân dân trên thế giới bị thiếu thông tin trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Tờ Washington Post lên án việc Trung Quốc tống xuất ký giả Mỹ và nói rằng hành động này là đáng tiếc trong khi thông tin rõ ràng, trung thực về cách đáp ứng của quốc tế với đại dịch hiện nay là hết sức cần thiết. Theo AFP, những phóng viên Mỹ bị trục xuất khỏi Trung Quốc là những người thuộc loại xuất sắc nhất. Họ là những người nói tiếng Hoa thành thạo, nhiều người trong số họ là người Mỹ gốc Hoa... Chính các nhà báo có nhiều phẩm chất cần thiết này là những người có khả năng giúp công luận hiểu rõ được những vấn đề tại Trung Quốc.
AFP nhận xét đây là đòn trừng phạt chưa từng thấy nhắm vào các nhà báo nước ngoài làm việc tại Trung Quốc. Các đòn ăn miếng trả miếng này giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu vào cuối tháng 2 sau khi 3 nhà báo của Wall Street Journal bị Bắc Kinh trục xuất vì tựa đề của một bài trên mục Ý kiến, gọi Trung Quốc là “Người bệnh thực sự của châu Á”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. |
Theo Bắc Kinh, tựa đề này “mang dấu ấn phân biệt chủng tộc” và Wall Street Journal không chịu xin lỗi theo yêu cầu của Trung Quốc. Đến ngày 2-3, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo kể từ ngày 13-3, số nhà báo của 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc đóng tại Mỹ sẽ bị giảm từ 160 xuống còn 100 người.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc có liên quan là Tân Hoa Xã, Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc CGTN, Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc, Trung Hoa nhật báo và Nhân dân nhật báo. Hình thức giảm bớt không phải là trục xuất mà Washington sẽ không tiếp tục gia hạn visa cho 60 nhà báo làm việc tại 5 cơ quan trên ở Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay sau đó lên tiếng phản đối quyết định của Mỹ. Quan chức Ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng chính Washington đã “phá vỡ nguyên tắc cuộc chơi trước” nên Bắc Kinh buộc phải “tiếp bước”.
5 cơ quan báo chí chính thức của Trung Quốc từ lâu đã là đích ngắm của Mỹ. Hồi tháng 9-2018, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Tân Hoa Xã và CGTN phải đăng ký là cơ quan nước ngoài. Việc này đồng nghĩa với việc hạn chế các hoạt động thu thập thông tin tại Washington. Mỹ cũng từng đã buộc kênh truyền hình RT (Russia Today) và trang Sputnik của Nga phải đăng ký theo luật Foreign Agents Registration Act (FARA).
Tác động của quyết định này rất lớn: RT và Sputnik không còn được cấp thẻ để tiếp xúc với các nghị sĩ và viên chức quan trọng của Mỹ vì bị coi là cơ quan tuyên truyền chứ không phải cơ quan báo chí. Trước đó nữa vào ngày 17-2, Mỹ bắt đầu áp dụng quy chế mới tương tự như với ngành ngoại giao đối với 5 cơ quan báo chí chính thức của Trung Quốc, trước tình trạng Bắc Kinh ngày càng gia tăng tuyên truyền thông qua các công cụ này.
Với quy chế mới, các cơ quan báo chí Trung Quốc hoạt động tại Mỹ muốn mua nhà ở Mỹ phải được sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đồng thời phải khai báo danh sách tất cả nhân viên, kể cả nhân viên người Mỹ.
Cùng lúc với cuộc chiến truyền thông trên, ngày 18-3, tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump bảo vệ cách gọi SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”, bất chấp chỉ trích ngày càng tăng rằng cách gọi này là phân biệt chủng tộc và chống Trung Quốc, mà ông đưa ra trước đó một ngày.
Ông Trump nói với các phóng viên rằng ông gắn “Trung Quốc” vào tên virus để chống lại chiến dịch đánh lạc hướng thông tin được quan chức Bắc Kinh thúc đẩy rằng quân đội Mỹ là nguồn phát tán virus.
Tuy nhiên, cách gọi này đã chọc giận quan chức Trung Quốc và loạt nhà phê bình, trong khi các chuyên gia Trung Quốc cũng nói rằng việc định danh virus theo cách đó sẽ chỉ càng gia tăng căng thẳng giữa hai nước, dẫn đến sự bài ngoại mà lẽ ra giới lãnh đạo Mỹ nên ngăn chặn. Cộng đồng người Mỹ gốc Á trước đó đã báo cáo các sự cố về chỉ trích chủng tộc và ngược đãi thể chất vì nhận thức sai lầm rằng Trung Quốc là nguyên nhân gây ra virus.
Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, ông Trump và các quan chức chính quyền cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm khi để virus lây lan, và Bắc Kinh đã đáp trả. Việc đổ lỗi lẫn nhau, bên này cho rằng bên kia làm ít hơn để ngăn chặn dịch bệnh, gây ra căng thẳng gần như hàng ngày giữa hai quốc gia.