Mỹ - Trung bắt đầu đàm phán thương mại

Thứ Sáu, 24/08/2018, 09:59
Trong hai ngày 22 và 23-8, tại Thủ đô Washington, Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán thương mại trong nỗ lực nhằm tìm lối thoát ra khỏi cuộc xung đột thương mại ngày càng sâu sắc.

Cuộc thảo luận lần này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc bắt đầu áp đặt thêm thuế với hàng nhập khẩu của nhau. Thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ, mức thuế 25% đánh vào lượng hàng hóa trị giá 16 tỉ USD của Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ 12h01 ngày 23-8. 

Các mặt hàng bị áp thuế gồm dầu mỏ, các sản phẩm thép, ôtô và thiết bị y tế. Đây được coi là nhằm trả đũa hành động của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế suất 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng giá trị tương tự và bắt đầu có hiệu lực từ 11h01 cùng ngày. 

Phát biểu trước thềm vòng đàm phán này, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ ông “không kỳ vọng quá nhiều” vào các cuộc thảo luận cấp chuyên viên này và chưa có “khung thời gian” cho việc chấm dứt chiến tranh thương mại. Nói cách khác, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố ông tin tưởng Washington sẽ chỉ phải ngồi đợi cho tới khi các biểu thuế mới gia tăng áp lực đủ mạnh để Trung Quốc nhượng bộ và khi đó ông mới đàm phán ở vị thế mạnh hơn. 

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ còn cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng Nhân dân tệ nhằm bù đắp thiệt hại do các lệnh áp thuế từ Mỹ, đồng thời cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cần đưa ra các biện pháp đối phó phù hợp.

Xét theo tình hình hiện tại, giới chuyên gia nhận định rằng, sẽ khó có đột phá đáng kể tại vòng đàm phán này vì đây là vòng đàm phán cấp thấp do đó các thành viên tham gia không có khả năng quyết định các thỏa thuận lớn cho chính phủ của mình. 

Ngoài ra, đoàn đàm phán của Mỹ do Bộ Tài chính dẫn đầu, cơ quan thường có thiện cảm đối với Trung Quốc hơn là các bộ phận khác trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Khả năng vòng đàm phán này đạt được có thể là thiết lập một số khung cho các điều khoản đàm phán mà hai bên có thể trình lên lãnh đạo ở các cấp cao hơn mà sau đó có thể được sử dụng làm nền tảng cho các cam kết và đề xuất sau này. 

Để thực sự đạt được đột phát quan trọng cần phải có sự can thiệp cá nhân của cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có gì trong lịch trình giữa hai bên cho đến tháng 11 tới. Điểm sáng của vòng đàm phán này là, sau một loạt các động thái đánh thuế trả đũa lẫn nhau thì dường như Trung Quốc đã chủ động muốn đàm phán với Mỹ. Trung Quốc có nhiều hơn để mất vì đây là nước có xuất siêu lớn nhất thế giới. 

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: WCCFTECH.

Trung Quốc cũng biết rằng tháng 11 tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ do đó họ muốn đợi xem dư luận Mỹ sẽ ra sao. Đây sẽ là một thông số để Trung Quốc cân nhắc sẽ cần cam kết như thế nào tại thời điểm đó. 

Do đó việc đàm phán có ý nghĩa rất quan trọng đối với Trung Quốc, tuy nhiên họ sẽ đợi xem vai trò của Tổng thống Donald Trump có bị yếu đi sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hay không hay những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump có tiếp tục ủng hộ các chiến lược của ông hay không.

Cũng theo giới chuyên gia, Tổng thống Donald Trump chắc chắn muốn giảm thâm hụt thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, tuy nhiên ông và các cố vấn của mình cũng hy vọng rằng nhiều doanh nghiệp và các nhà sản xuất sẽ quay lại Mỹ. Việc gây sức ép đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu Mỹ đồng thời tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc và chi phí giao thương với Trung Quốc sẽ giúp Mỹ thâu tóm lại một số doanh nghiệp. Thời gian sẽ chứng minh chính sách này có thành công hay không và người tiêu dùng Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. 

Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump lo ngại Trung Quốc là đối thủ địa chính trị đáng gờm của Mỹ trong một số vấn đề như Biển Đông và kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng do đó đã chọn kinh tế là lĩnh vực chính trong đối trọng với Trung Quốc và đây cũng là mặt quan trọng nhất trong quan hệ của chính quyền Tổng thống Mỹ.

Có nhiều người ủng hộ người đứng đầu Nhà Trắng trong vấn đề thuế quan với Trung Quốc, tuy nhiên cũng có sự phản đối và không hài lòng từ các tập đoàn và người nông dân Mỹ - những người cho rằng đây là một quyết định có ảnh hưởng lâu dài tới việc làm ăn của họ. 

Thậm chí Phòng Thương mại Mỹ và một số nhà tài trợ lớn cho đảng Cộng hòa đã có những mâu thuẫn với đảng này trong vấn đề thuế quan với Trung Quốc. Kể cả việc cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới không có một ảnh hưởng tức thời và đáng kể thì cũng sẽ có những thay đổi về lâu dài trong chính giới Mỹ bởi đảng Cộng hòa bắt đầu thay đổi trong chính sách truyền thống thân thiện với doanh nghiệp của mình.

Các biện pháp “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ còn gây nên những hậu quả lớn hơn cho hai nước, cũng như tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.