Mỹ áp thuế thép, nhôm nhập khẩu: Cuộc đua… né thuế

Thứ Hai, 26/03/2018, 15:07
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu mới đối với hai mặt hàng thép và nhôm được cho là động thái châm ngòi cho chiến tranh thương mại toàn cầu. Ngay trước mắt, một “cuộc đua” né thuế, xin được miễn hoặc chí ít là giảm một phần thuế suất đã bắt đầu diễn ra. Các doanh nghiệp, hội đoàn ngành thép, nhôm cả trong lẫn ngoài nước Mỹ đều “đua”...

Cuộc đua né thuế, theo cách gọi nôm na của báo giới, đã thật sự bắt đầu kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tung ra gợi ý về những “ngoại lệ”. Trong đó, ông nói rằng Canada và Mexico sẽ được miễn áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm vì hai nước này đang đàm phán lại Hiệp ước Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ. Ông dành những lời nồng ấm cho Australia vì đây là một đồng minh thân cận ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông còn nói rằng các nước khác nếu có mối quan hệ gần gũi với Mỹ cũng có thể sẽ được miễn, giảm thuế.

Nhưng vấn đề là chính quyền của Tổng thống Trump lại không làm rõ đối tác kinh tế cỡ nào thì đủ tiêu chuẩn để được miễn giảm thuế. Lý do “an ninh quốc gia” và “giảm thâm hụt mậu dịch” đang tạo ra một tình trạng không ổn định, khiến cho các công ty ngành thép, nhôm và nhiều quốc gia xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ cảm thấy bất an.

Cecilia Malmstrom, Ủy viên phụ trách thương mại của Ủy ban châu Âu, cho biết bà đã có cuộc gặp riêng với ông Robert Lighthizer, người được giao trách nhiệm xét duyệt miễn trừ cho các quốc gia, nhưng mọi chuyện vẫn chưa có gì sáng sủa, những gút mắc về tiêu chuẩn miễn trừ vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Trong sự chập chờn về áp thuế và miễn giảm, vẫn có những mặt hàng thép, nhôm được miễn áp thuế nếu những mặt hàng đó ở Mỹ không sản xuất hoặc sản xuất rất hạn chế.

Ngày 23-3-2018, lệnh áp thuế nhập khẩu thép, nhôm của Tổng thống Trump có hiệu lực. “Giờ ăn đã đến với các hội đoàn doanh nghiệp và các nhà tư vấn, vận động hành lang” - Chip Roh, một chuyên gia tư vấn doanh nghiệp ở Washington ví von. Ông Roh cho biết, các luật sư và nhà tư vấn đang vào mùa làm ăn béo bở, bởi cả hai phía trong cuộc chiến thuế nhập khẩu thép, nhôm này đều cần thuê họ.

Trong thời gian việc áp thuế chưa được triển khai rộng rãi, các luật sư và nhà vận động hành lang ở Washington đã bắt đầu khởi động chào mời dịch vụ hỗ trợ miễn, giảm thuế cho các quốc gia, công ty nước ngoài và các đối tác của họ tại Mỹ. Theo các nhà vận động hành lang, những đối tác nước ngoài có thiên hướng tìm kiếm sự hậu thuẫn từ các quan chức do dân bầu để giúp thúc đẩy việc miễn, giảm thuế, và một số nghị sĩ bắt đầu tham gia cuộc chơi.

Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ Lisa Murbowski (bang Alaska) đã giúp vận động miễn giảm thuế cho một dự án xây dựng đường ống dẫn khí lớn trị giá 43 tỉ USD ở bang Alaska, hợp tác xây dựng với Trung Quốc. Bà đưa ra dự báo, việc áp thuế nhập khẩu sẽ làm cho dự án này đội chi phí thêm 500 triệu USD.

Hogan Lovells và Covington & Burling - hai trong số những công ty chuyên về luật thương mại quốc tế và vận động hành lang - đã gửi đi các thông điệp quảng cáo, giới thiệu về năng lực vận động của họ nhằm lôi kéo các khách hàng có nhu cầu miễn giảm thuế. Hogan Lovells tung chiêu dụ dỗ khách hàng, khuyến cáo rằng các hợp đồng nhập khẩu thép, nhôm hiện hành có thể được miễn thuế.

Công ty vận động hành lang CGCN Group cho rằng, các công ty chuyên vận động hành lang như Hogan Lovells thường khuyên khách hàng khuếch trương những lợi thế của thương mại quốc tế nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng Mỹ, không nên đưa ra bức tranh tương lai u ám với những nguy cơ đóng cửa nhà máy, công nhân thất nghiệp,... để hù dọa.

Một nhà máy của công ty JFE Steel Corporation ở Chiba, Nhật Bản. Thép Nhật Bản đang được ưa chuộng tại Mỹ, vì vậy khách hàng của họ sẵn sàng giúp họ làm hồ sơ xin miễn thuế nhập khẩu.

Ngày 15-3, Viện Dầu hỏa Mỹ (API) cũng đã cử một phái đoàn 12 thành viên gồm lãnh đạo của các công ty năng lượng, trong đó có BP America, Exxon Mobil, Philips 66 và Shell trực tiếp đến gặp Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence để vận động miễn giảm thuế các mặt hàng thép, nhôm có liên quan lĩnh vực của họ. Đoàn doanh nhân này đã lập luận với Tổng thống Trump rằng tự do mậu dịch lâu nay đã tạo đà phát triển cho ngành năng lượng Mỹ, và họ nhấn mạnh tầm quan trọng của thép trong hoạt động của ngành.

Việc Tổng thống áp thuế nhập khẩu mới sẽ làm tăng chi phí đầu tư các dự án xây dựng đường ống dẫn khí và khai thác dầu khí khắp nước Mỹ. Vì vậy, họ yêu cầu Tổng thống Trump xem xét miễn giảm thuế. Đáp lại, ông Trump bảo rằng chính quyền của ông đã có tính toán làm sao bảo đảm việc áp thuế này không gây tổn thương cho ngành năng lượng.

Không chỉ ngành năng lượng, mà nhiều ngành khác ở Mỹ cũng cử đại biểu đến gặp Tổng thống Trump để yêu cầu dừng áp thuế nhập khẩu thép. Hiệp hội Đậu nành Mỹ, với thành viên bao gồm những nhà xuất khẩu nông sản lớn nhất nước Mỹ, đã đưa 120 nông dân đến gây áp lực với Tổng thống Trump, cho rằng việc áp thuế nhập khẩu thép có thể khiến các nước trả đũa làm ảnh hưởng đến lợi ích ngành nông nghiệp. Rồi đến các hiệp hội các nhà sản xuất bia, đồ uống có gas, nhà sản xuất vỏ lon bia và các hiệp hội ngành thực phẩm đóng hộp,... cũng ùn ùn kéo đến đòi bỏ thuế nhập khẩu thép.

Daniel Porter, luật sư trưởng của Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản, nói rằng ông đang tư vấn cho khách hàng của mình rằng quy trình miễn giảm thuế nhập khẩu thép có thể tương tự như các quy trình về thuế quan trước đây, đại loại là các công ty có thể nộp đơn xin miễn giảm thuế và để cho các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ có cơ hội phản bác những yêu cầu đó.

Tuy nhiên, đối với thuế quan thép và nhôm hiện nay có một sự thay đổi đáng chú ý. Đó là chỉ những công ty đặt trụ sở tại Mỹ mới được phép nộp hồ sơ xin miễn trừ thuế nhập khẩu. Có nghĩa là các công ty sản xuất thép ở Nhật Bản và châu Âu cần phải nhờ khách hàng của họ ở Mỹ đứng ra nộp hồ sơ thay họ. Đổi lại, đương nhiên họ cũng sẽ có nhiều cái lợi, lợi về giá cả, lợi về việc không bị tăng chi phí do áp thuế nhập khẩu thép.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.