Mỹ bí mật đàm phán với Taliban

Thứ Hai, 28/02/2011, 20:25
Mỹ đang tiến hành những cuộc đàm phán trực tiếp, bí mật với các thủ lĩnh của phong trào Taliban với hy vọng có thể mở ra một tiến trình hòa giải mới tại Afghanistan, đó là nội dung mới được tiết lộ trên một số tờ báo tại Mỹ. Tuy nhiên, những cuộc tiếp xúc trên mới chỉ mang tính chất sơ bộ và thăm dò.

Mục đích chính của Washington là nhằm xác định rõ, những ai trong số các thủ lĩnh của Taliban sẵn sàng tham gia đối thoại và kèm theo đó là những điều kiện nào.

Ngoài ra, theo lời một số quan chức cao cấp NATO, các chiến dịch của lực lượng liên minh quốc tế tại Afghanistan trong thời gian ngắn sắp tới sẽ tập trung vào việc tiêu diệt các phần tử Hồi giáo cực đoan và bắt số còn lại phải thỏa hiệp với chính quyền nước này...

Theo khẳng định của các phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ, những cuộc tiếp xúc ban đầu trên trong tương lai sẽ được hy vọng là cơ sở để bắt đầu những cuộc đàm phán hòa bình đúng nghĩa. Khi đó, giới lãnh đạo Afghanistan đứng đầu là Tổng thống Hamid Karzai sẽ trực tiếp đứng ra đàm phán, còn Mỹ chỉ tham gia với vai trò hỗ trợ. Washington hiện sẵn sàng bàn bạc về số phận của các tù binh Taliban mà họ đang giam giữ, cũng như về tương lai của lực lượng quốc tế tại Afghanistan.

Mục đích của những cuộc tiếp xúc ban đầu trên là để thuyết phục (cho dù chỉ là một phần) các tay súng Taliban đoạn tuyệt với Al-Qaeda, ngừng các hành động chiến sự và tham gia vào tiến trình chính trị chung. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mới đây cũng đã công khai tuyên bố, giới lãnh đạo Taliban trong thời gian tới sẽ phải lựa chọn giữa thỏa hiệp hay bị cô lập với cộng đồng quốc tế.

Bước ngoặt mới trên trong chính sách của Mỹ, theo như giải thích của tờ The New Yorker, là do Washington đã rút ra được kết luận cho rằng, tiến trình hòa bình tại Afghanistan trên thực tế sẽ rất lâu dài và phức tạp. Nguyên nhân quan trọng là do nó còn phải chịu tác động rất lớn từ các quốc gia láng giềng - không chỉ có Pakistan mà còn cả Iran, Ấn Độ, Uzbekistan và Trung Quốc. Những tác động đa chiều phức tạp trên cùng với những mối liên hệ khăng khít có bề dày lịch sử của Taliban khiến cho khả năng tiêu diệt hoàn toàn lực lượng này là gần như không thể.

Một bằng chứng mới nhất là thủ lĩnh chiến trường nổi tiếng của Taliban là Sarzameen Khan mới đây đã bị bắt giữ khi đang thản nhiên điều trị vết thương tại một bệnh viện ở thành phố Karachi (Pakistan). Trước đó, trên báo chí phương Tây đã không ít lần xuất hiện những thông tin khẳng định, các chỉ huy của Taliban vẫn thường xuyên vào chữa trị tại các bệnh viện Pakistan.

Cụ thể như ngay mới tháng 1 vừa rồi, tờ Washington Post dựa trên nguồn tin từ Hãng tư nhân Eclipse Group (là nơi làm việc của nhiều cựu nhân viên mật vụ Mỹ) đã khẳng định thủ lĩnh hàng đầu của Taliban là Mullah Omar vào ngày 7/1/2011 đã bị một cơn đau tim và phải vào điều trị vài ngày tại một bệnh viện ở ngoại ô Karachi. Cần biết là tay thủ lĩnh số 1 của Taliban này đã bị các cơ quan mật vụ phương Tây truy lùng suốt từ năm 2001.

Trong tình cảnh trên, thất bại trong đàm phán rất có thể dẫn tới một cuộc nội chiến mới giữa nhiều phe nhóm sắc tộc khác nhau tại Afghanistan, do Taliban thường dựa vào cộng đồng người Pashtun, còn các đối thủ của họ lại dựa vào cộng đồng người Uzbek, Tadjik và Hazara. Dù sao đối với chính quyền Barack Obama, các nỗ lực hòa giải cho dù chỉ là một phần vẫn mang một ý nghĩa không nhỏ, do nó có thể cho phép Washington bắt đầu giảm bớt số lượng quân tại đây như họ đã hứa và sau cùng có thể kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài và đẫm máu này.

Trong khi đó, tình hình chiến sự tại Afghanistan vẫn đang lâm vào tình cảnh bế tắc. Các lực lượng quốc tế cùng với quân đội Chính phủ Afghanistan ít nhiều cũng đã kiểm soát được các thành phố, kể cả các thành trì trước đây của quân Taliban như Kandahar và Gelmend. Tuy nhiên, các tay súng của lực lượng này vẫn tiếp tục kiểm soát nhiều vùng nông thôn, khủng bố dân thường và ngăn cản quá trình khôi phục đất nước.

Hy vọng thành công của đàm phán còn có thể được củng cố bởi một thực tế cho thấy, bản thân lực lượng Taliban hiện bắt đầu đã có tình trạng chia rẽ. Một phần của lực lượng này với xu hướng nghiêng về thỏa hiệp hơn đang ẩn náu chủ yếu tại Pakistan. Còn các đơn vị của Haqqani tại khu vực Bắc Waziristan lại có quan hệ chặt chẽ với Cơ quan Tình báo Pakistan nên luôn có xu hướng nghe theo Islamabad. Cuối cùng ngay trên đất Afghanistan vẫn tồn tại một lực lượng các thủ lĩnh trẻ hành động cực đoan hơn và không muốn thỏa hiệp.

Theo lời các sĩ quan cao cấp NATO, những biến động tích cực hơn trong tình hình tại Afghanistan có thể sẽ xuất hiện vào mùa xuân tới. Các chiến dịch hiện nay của quân đội Mỹ và đồng minh đang tập trung vào việc tiêu diệt những phần tử Taliban có tư tưởng cực đoan nhất, đồng thời gây sức ép cho số còn lại buộc phải đàm phán với Kabul. Mỹ và các đồng minh trong NATO đang đặt nhiều hy vọng vào việc tăng cường tuyên truyền trong dân chúng địa phương để thuyết phục các binh sĩ Taliban quay trở về hợp tác với chính quyền.

Tuy nhiên trong một kịch bản khác, lực lượng Taliban lại đang có xu hướng tăng cường hoạt động nhằm "biểu dương lực lượng", thực chất là một cách nhằm gây sức ép với Hamid Karzai, khiến ông ta phải chấp nhận nhượng bộ nhiều hơn trong các cuộc đàm phán tương lai

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.