Mỹ cảnh báo ngòi nổ chiến tranh Trung - Nhật

Thứ Năm, 31/01/2013, 14:30

Căng thẳng Trung Quốc - Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang chuyển biến từ đấu khẩu sang đối đầu quân sự. Việc tàu thuyền Trung Quốc ra vào hải phận quần đảo hiện do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền đã leo thang sang lĩnh vực không quân.

Sự gia tăng tình trạng xâm phạm không phận Nhật Bản từ phía Trung Quốc đã khiến Mỹ lo ngại và cảnh báo rằng chiến tranh Trung - Nhật sẽ bùng phát nếu Nhật bắn cảnh cáo máy bay xâm nhập không phận.

Tính từ lần đầu tiên máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư xảy ra hồi giữa tháng 12/2012 khi căng thẳng chủ quyền biển đảo giữa hai nước bùng phát, từ đó đến nay tổng cộng đã có tới 3 lần tương tự như vậy, chưa kể những lần Nhật phái máy bay chiến đấu lên chặn đầu máy bay Trung Quốc đang sắp sửa vào không phận Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng diễn biến hôm 10/1/2013 rất đáng lo ngại bởi lẽ lần đầu tiên các máy bay chiến đấu của Nhật Bản và Trung Quốc cùng xuất hiện trên bầu trời Senkaku/Điếu Ngư.

Cụ thể, Tân Hoa xã cho biết ngày 10/1, Trung Quốc đã điều hai chiếc máy bay tiêm kích J-10 để ngăn chặn hai máy bay tiêm kích của Nhật, lúc đó đang đuổi theo một máy bay tuần tra của Trung Quốc bay vào không phận của Nhật trên vùng biển Hoa Đông.

Các máy bay tiêm kích J-10 Trung Quốc và F-15 Nhật Bản lần đầu tiên đối đầu nhau ở Senkaku/ Điếu Ngư ngày 10/1.

Các báo cáo từ phía Nhật Bản cho hay số lượt máy bay Trung Quốc bao gồm cả máy bay quân sự, máy bay vận tải, máy bay trinh sát thu thập tin tức tình báo và máy bay công vụ xâm nhập "khu vực nhận dạng phòng không" Nhật Bản đã tăng lên đáng kể từ tháng 9/2012, khi nội các Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku.

Sự gia tăng cường độ của các máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật đã khiến Tokyo dường như mất khả năng kiềm chế. Ngày 11/1, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, họ xem xét cho phép chiến đấu cơ phản lực của Không quân Nhật Bản bắn cảnh cáo khi các máy bay Trung Quốc xâm nhập không phận chủ quyền Nhật Bản. Dẫn nguồn tin thân cận với chính phủ Nhật Bản, tờ Sankei (ra ngày 11/1) cho hay, Nội các Tokyo đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng tập trung tăng cường các biện pháp cảnh cáo máy bay quân sự và máy bay công vụ của Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản.

Chính điều này đang khiến Mỹ lo ngại. Trang web Japan Today cho biết, mới đây, Chính phủ Mỹ đã phát đi tín hiệu cảnh cáo đối với Chính phủ Nhật Bản, yêu cầu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không được bắn pháo hiệu nhằm vào các máy bay Trung Quốc bay ở vùng trời gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Liên quan tới việc này, nguồn tin từ Washington cho trang tin Đa chiều (Hongkong) ngày 17/1 biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ý thức được rằng, nguy cơ bùng nổ xung đột Nhật - Trung do căng thẳng leo thang ở Senkaku/Điếu Ngư đã tăng cao. Nếu Chính phủ Nhật Bản áp dụng các biện pháp, trong đó có việc bắn pháo hiệu, xung đột Nhật - Trung có thể xảy ra và đó không phải là tai nạn ngoài ý muốn, mà là sai lầm trong quyết sách. Đồng thời, Mỹ cũng lo lắng bị Nhật Bản cuốn vào xung đột này.

Trang Japan Today dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, yêu cầu nêu trên đã được Chính phủ Mỹ truyền đạt cho giới quan chức cao cấp của Chính phủ Nhật Bản sang thăm Mỹ vào thượng tuần tháng 1/2013. Do vào thượng tuần tháng 1-2013, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai sang thăm Mỹ, cho nên, rất có thể quan chức này chính là người đã nhận được yêu cầu của phía Mỹ.

Đối với việc "bắn cảnh cáo", phía Nhật Bản cho rằng, bất cứ nước nào cũng có hành động tương tự đối với các phương tiện xâm phạm không phận, coi thường cảnh cáo bằng vô tuyến điện, tiếp tục xâm phạm không phận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích của Trung Quốc, không có khái niệm về cái gọi là "bắn cảnh cáo", một khi đạn bắn ra có nghĩa là xung đột sẽ bắt đầu. Giới học giả Mỹ cũng lo lắng nếu Tokyo bắn pháo hiệu cảnh cáo máy bay Trung Quốc, có thể Bắc Kinh cho rằng đó không phải là pháo hiệu mà là một viên đạn.

Máy bay Trung Quốc loại Y-12 xâm phạm không phận Nhật Bản hôm 13/12/2012.

Hiện nay, Chính phủ Mỹ đã ý thức được về khả năng bùng nổ xung đột ở Senkaku/Điếu Ngư đã vượt qua rủi ro "súng bị cướp cò". Nhằm ngăn chặn căng thẳng tiếp tục leo thang, giới chức Washington kêu gọi Trung - Nhật bình tĩnh trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư. Đồng thời, Mỹ cũng thể hiện sự kiềm chế trong phát ngôn của mình. Khi trả lời phỏng vấn của trang tin Đa chiều, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: Mỹ nhiều lần kêu gọi các nước tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Điều quan trọng hiện nay là các bên cần có hành động tránh để cho căng thẳng leo thang và an ninh, kinh tế khu vực bị phá hoại bởi phán đoán sai lầm.

Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu được Mỹ đưa ra bàn thảo với Nhật Bản trong chuyến thăm Nhật Bản của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell vào tuần này. Phía Mỹ đồng thời sẽ yêu cầu Nhật Bản phải thận trọng trong hành động liên quan tới Senkaku/Điếu Ngư. Điều đáng chú ý là trong phần trả lời câu hỏi của trang tin Đa chiều, ông Campbell cố ý không đề cập tới Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật.

Chính quyền Mỹ cho rằng vào thời điểm này, dù có nhấn mạnh tới Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật thì cũng không có ích lợi gì đối với tình hình căng thẳng ở Senkaku/Điếu Ngư.

Ngoài ra, theo nghiên cứu viên cao cấp Bonie Glaser của Trung tâm Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), khả năng xảy ra xung đột ở biển Hoa Đông ngày một lớn. Tình hình căng thẳng hiện nay ở Senkaku/Điếu Ngư không chỉ tồn tại rủi ro "súng bị cướp cò", mà còn đối mặt với rủi ro "cố tình đối kháng". Trung Quốc và Nhật Bản đang thách thức giới hạn đỏ của nhau. Nếu Trung Quốc tiếp tục cử máy bay tới Senkaku/Điếu Ngư và Nhật Bản bắn pháo hiệu cảnh cáo, Bắc Kinh sẽ có hành động tiếp theo. Trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Senkaku/Điếu Ngư leo thang, ông Glaser cho rằng khả năng Mỹ bị cuốn vào xung đột Nhật - Trung sẽ trở thành sự thật.

Trong một động thái xoa dịu căng thẳng mới, hôm 21/1, Chủ tịch đảng Komei của Nhật Natsu Tamaguchi kiến nghị cả Trung Quốc và Nhật không đưa máy bay chiến đấu tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuyên bố được đưa ra trước thềm chuyến thăm của ông Tamaguchi đến Trung Quốc ngày 23/1 nhằm trao thư của Thủ tướng Nhật Abe tận tay lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tamaguchi cho biết, hai nước cần giảm nhiệt căng thẳng để tránh các tình huống không thể lường trước được

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.