Mỹ-châu Âu tìm giải pháp cứu Thỏa thuận hạt nhân Iran

Thứ Năm, 08/03/2018, 13:53
Theo các quan chức châu Âu Thỏa thuận bị phá vỡ đồng nghĩa với việc Iran được tự do tiếp tục chế tạo vũ khí hạt nhân.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần dọa bác bỏ Thỏa thuận hạt nhân với Iran đã khiến cho không chỉ châu Âu - một trong các bên tham gia ký kết Thỏa thuận - mà ngay cả một số quan chức trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng phải khẩn trương tìm giải pháp chỉnh sửa các điều khoản của Thỏa thuận theo hướng siết chặt các quy định đối với Iran nhằm kiểm soát chặt chẽ việc nước này phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, đồng thời hạn chế vĩnh viễn năng lực sản xuất nhiên liệu hạt nhân của nước này.

Cuộc họp tháng ba

Theo kế hoạch, đại diện các nước châu Âu (gồm Anh, Pháp và Đức) sẽ họp cùng các quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ vào tháng 3 này để thảo luận các điều chỉnh trong Thỏa thuận hạt nhân. Hạn chót của việc chỉnh sửa này đã được Tổng thống Trump ấn định là 12-5-2018, nếu không đáp ứng ông sẽ rút nước Mỹ ra khỏi Thỏa thuận.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra 3 điều quan trọng phải sửa đổi trong Thỏa thuận hạt nhân 2015.

Cuộc họp tháng 3 có ý nghĩa quan trọng bởi cả Mỹ và châu Âu đều đang nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp dung hòa lợi ích của cả hai bên, vừa thỏa mãn yêu sách của Tổng thống Trump vừa không phá hỏng Thỏa thuận đã ký kết.

Cho đến nay, phía Mỹ đã đưa ra một số yêu cầu sửa đổi Thỏa thuận, trong đó bao gồm 3 điều chỉnh quan trọng là cam kết điều chỉnh lại các giới hạn đối với việc thử tên lửa của Iran; bảo đảm rằng các thanh sát viên quốc tế được tiếp cận không hạn chế các căn cứ quân sự của Iran; và kéo dài thời gian hiệu lực của Thỏa thuận, có thể lâu hơn năm 2030, nhằm ngăn ngừa Iran tái khởi động việc sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Bộ trưởng Ngoại Mỹ, ông Rex Tillerson đã đặt điều kiện nếu không đáp ứng 3 yêu cầu quan trọng này, Mỹ sẽ không tiếp tục hoãn cấm vận Iran để tham gia Thỏa thuận.

Các quan chức châu Âu cho rằng, trong 3 điều kiện nêu trên, chỉ có thể thương lượng ở mức độ nào đó đối với vấn đề tên lửa và thanh sát viên, riêng về thời hạn hiệu lực của Thỏa thuận thì tạm thời chưa thể được. Họ lập luận rằng việc viết lại các điều khoản đó sẽ phá vỡ thỏa thuận đã đạt được không chỉ với Iran mà cả với Nga và Trung Quốc, hai nước cùng tham gia ký kết.

Theo các quan chức châu Âu Thỏa thuận bị phá vỡ đồng nghĩa với việc Iran được tự do tiếp tục chế tạo vũ khí hạt nhân. Để tránh việc viết lại Thỏa thuận có thể gây ra nhiều khó khăn, các quan chức châu Âu đề xuất thảo luận, ký kết một phụ lục Thỏa thuận để bổ sung các điều khoản cho Thỏa thuận đã ký kết. Châu Âu tin rằng, phụ lục với các điều khoản bổ sung nhằm hạn chế việc chế tạo tên lửa của Iran là một bước đi có thể đáp ứng được đòi hỏi của Mỹ.

Mặc dù trong Thỏa thuận hạt nhân 2015 không có điều khoản nào cấm việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân để chạy tàu thủy và tàu ngầm, nhưng Iran vẫn thận trọng triển khai dự án này sau khi thời hạn hiệu lực của Thỏa thuận chấm dứt vào năm 2030 để tránh gây nên tranh cãi. Iran từng lên tiếng bác bỏ các đề xuất của Bộ Ngoại giao Mỹ về các điều khoản mới áp dụng đối với Iran, xem đó như một mánh khóe để quay trở lại với các hạn chế gắt gao trước đây khiến cho đàm phán nhiều lần đổ vỡ.

Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra luận điểm rằng Mỹ xác định chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran là không thể tách làm hai, vì vậy việc Iran phát triển và thử tên lửa cũng phải đưa vào kiểm soát.

Thương lượng khó khăn

Tuy nhiên, việc thương lượng các điều khoản bổ sung này sẽ gặp không ít khó khăn. Trước hết, các nhà ngoại giao châu Âu lo lắng vì Tổng thống Trump phản bác Thỏa thuận quá nặng nề, cho nên rất có thể ông sẽ lại tìm lý do khác để rút khỏi Thỏa thuận.

Vì vậy, họ muốn phía Mỹ bảo đảm rằng Tổng thống Trump phải tuân thủ thỏa thuận bổ sung sau khi nó được thông qua chứ không được “tùy hứng” đòi hủy bỏ nó.

Kế tiếp, giới phân tích cho rằng dù Mỹ có bảo đảm Tổng thống Trump tuân thủ bản Thỏa thuận đã sửa đổi, vẫn còn trở ngại nữa là chưa biết Nga và Trung Quốc có đồng ý ký tên vào đó hay không, đó là chưa kể Iran. Việc đưa ra các điều kiện mới trong Thỏa thuận đụng chạm đến lợi ích và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến một dự án mới của Iran là xây dựng một đội tàu mới chạy bằng nhiên liệu hạt nhân do chính họ sản xuất.

Trở ngại lớn nhất luôn là Tổng thống Trump. Làm thế nào để Tổng thống Trump tin rằng đã có “sửa đổi” Thỏa thuận trong khi trên thực tế chẳng sửa gì cả? Nếu không thể thuyết phục được ông Trump, chuyện tái áp dụng các biện pháp trừng phạt Iran là khó tránh khỏi.

Theo luật, cứ 4 tháng một lần ông Trump phải xem xét quyết định có tiếp tục hay không chính sách tạm “treo” cấm vận đối với Iran. Đây là cam kết của Mỹ khi tham gia Thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015. Nếu ông Trump quyết định tái áp dụng các biện pháp cấm vận, đồng nghĩa với việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận.

Bộ ba An ninh quốc gia Mỹ gồm Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Cố vấn An ninh quốc gia Trung tướng H.R. McMaster đã ít nhất 3 lần ngăn chặn ông Trump phá bỏ Thỏa thuận, và sau mỗi lần như thế nhiệm vụ càng trở nên khó khăn hơn.

Iran tố cáo, mỗi lần ông Trump lên tiếng dọa rút khỏi Thỏa thuận và tái áp dụng lệnh trừng phạt đã khiến các ngân hàng châu Âu e ngại đầu tư vào các dự án lớn của nước này, khiến Iran không thể thụ hưởng các lợi ích từ việc từ bỏ chương trình hạt nhân.

Một điểm đáng chú ý, ngay cả sau khi phụ lục Thỏa thuận được thông qua và Mỹ tiếp tục hoãn cấm vận Iran, Tổng thống Trump vẫn có thể dùng quyền của mình để áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số cá nhân, tổ chức đơn lẻ, chẳng hạn như Ngân hàng Trung ương Iran, với lý do hỗ trợ hoạt động cho tổ chức Vệ binh Cộng hòa Hồi giáo (IRGC) bị Mỹ cáo buộc tài trợ khủng bố.

An Châu (tổng hợp)
.
.