Mỹ chuẩn bị rút bớt quân khỏi Afghanistan

Thứ Hai, 07/01/2019, 13:53
Sau quyết định rút quân khỏi Syria, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị kế hoạch cho việc rút bớt quân khỏi Afghanistan - một trong những điểm nóng tiêu tốn nhiều tài lực nhất của Mỹ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Liệu Washington có dễ dàng “buông” một trong những địa bàn quan trọng trong chiến lược an ninh toàn cầu?

Thông tin về việc Tổng thống Trump quyết định rút một nửa quân số đóng tại Afghanistan đã được truyền thông Mỹ và quốc tế đưa rầm rộ trong những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới 2019. CNBC cho biết, Nhà Trắng có kế hoạch rút khoảng 7.000 trong tổng số 14.000 quân nhân đang triển khai tại Afghanistan.

Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump chưa ra lệnh cho Lầu Năm Góc triển khai kế hoạch này nhưng cũng không bác bỏ khả năng sẽ thực hiện. Afghanistan là một trong hai địa bàn thu hút nguồn lực quân sự Mỹ nhiều nhất kể từ sau sự kiện khủng bố 11-9-2001.

Lúc cao điểm, quân Mỹ triển khai tại Afghanistan đến 130.000 người kèm theo khí tài và khoản chi phí lên đến hàng tỉ USD mỗi năm. Nhưng sau hơn 10 năm, việc triển khai quân đội tại đây không mang lại hiệu quả cụ thể nào, mà ngược lại chỉ càng làm cho tình hình an ninh Afghanistan và khu vực Nam Á nói chung thêm rối rắm, không thể tiêu diệt được mạng lưới khủng bố Al-Qaeda cũng như dập tắt hoàn toàn lực lượng phiến quân Taliban.

Bên cạnh đó, càng lún sâu vào Afghanistan, Mỹ lại càng có nguy cơ đẩy đồng minh trong khu vực về phía các “đối thủ” trên bàn cờ địa chính trị, cụ thể nhất là sự “lăm le” của Trung Quốc. Chính vì vậy, năm 2014, Tổng thống Barack Obama quyết định xoay chuyển chính sách an ninh - đối ngoại, rút gần như toàn bộ quân Mỹ về nước, đồng thời ký thỏa thuận an ninh mới với Afghanistan, theo đó Mỹ chỉ duy trì một lực lượng nhỏ 14.000 quân nhân.

Đến thời Tổng thống Trump, với quan điểm “nước Mỹ sẽ không tiếp tục làm sen đầm quốc tế”, Nhà Trắng đang bắt đầu khiến các quốc gia từng phụ thuộc mình để đảm bảo an ninh đối mặt chọn lựa phải chịu chi phí cho việc Mỹ đóng quân, hoặc là phải tự tính toán một phương án thay thế. Kabul sẽ buộc phải gồng gánh khoản chi phí được đánh giá là vượt quá khả năng chi tiêu quốc gia, hoặc là phải đàm phán hòa bình với Taliban.

Afghanistan hiện vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn hỗ trợ của nước ngoài để đảm bảo an ninh trong nước, vì thế sẽ gặp khó khăn lớn nếu Mỹ rút quân. Trong khi đó, khả năng đàm phán hòa bình với Taliban hiện cũng đang mong manh hơn bao giờ hết.

Lãnh đạo chính trị của Taliban, Sher Mohammad Abbas Stanakzai.

Taliban đã bắt đầu mạnh lên trong những năm gần đây sau một loạt điều chỉnh chiến lược và củng cố, nâng hiệu quả hoạt động của hệ thống huy động tài chính. Nhiều vụ tấn công lớn, đầy uy lực nhắm vào các lực lượng quân Mỹ và chính quyền Kabul đã khiến cho Taliban trở thành một thế lực mới có thể quay trở lại nắm quyền tại Afghanistan. Điều này càng được minh chứng bằng những tuyên bố gần đây của thành phần lãnh đạo Taliban rằng Taliban vẫn tiếp tục trung thành với chính sách tôn giáo hà khắc hơn cả giai đoạn 1996-2001.

Nhiều người bắt đầu lo ngại một khi Mỹ rút quân mà không chuẩn bị kỹ càng cho lực lượng thay thế của quân đội Afghanistan thì khả năng Taliban trỗi dậy mạnh mẽ để lật đổ chính quyền Kabul là tình huống hiện hữu.

Trong bối cảnh đó, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cũng sẽ khiến cho một số quốc gia láng giềng đề cao cảnh giác, tính toán lại chính sách an ninh, đối ngoại trong tình huống mới. Đối với Ấn Độ, mọi biến động, thay đổi chính sách của Mỹ tại Afghanistan đều có tác động không lớn thì nhỏ đến an ninh vùng biên giới nước này, nhất là vùng Kashmir. Một khi Taliban có cơ hội vùng lên kiểm soát Afghanistan, Kashmir của Ấn Độ sẽ được đặt trong tình trạng báo động cao.

Thùng thuốc súng dưới chân dãy Hymalaya này luôn sôi sục không chỉ bởi phong trào ly khai của các nhóm Hồi giáo cực đoan mà còn là cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài dai dẳng giữa hai quốc gia láng giềng Ấn Độ và Pakistan. Ảnh hưởng và sự cổ vũ về mặt tôn giáo từ Taliban sẽ giống như nguồn nhiên liệu mới châm vào ngòi nổ, có thể làm bùng phát một cuộc nổi dậy mới gây bất ổn cho Kashmir.

Đối với Pakistan, việc Mỹ rút bớt quân sẽ “có lợi” hơn là “có hại”. Vì Taliban không hẳn là “kẻ thù” đối với Pakistan. Thậm chí trong 17 năm cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Afghanistan, Pakistan còn được xem là thế lực hậu thuẫn cho Taliban để chống phá quân đội Mỹ và chính quyền Afghanistan. Mục tiêu của Pakistan là tạo ảnh hưởng lên Afghanistan vì lợi ích an ninh quốc gia. Chính vì vậy mà chính sách an ninh của Pakistan tại các vùng biên giới với Afghanistan luôn được xem là rất lỏng lẻo.

Liên tục các đời Tổng thống Afghanistan, từ ông Hamid Karzai cho đến tổng thống hiện tại là Ashraf Ghani đều cáo buộc Pakistan là “cái nôi” của Taliban để chống phá Afghanistan. Và trên thực tế, Pakistan có cả một vùng được gọi là “thiên đường an toàn” cho các lực lượng phiến quân Taliban trú ẩn.

Ở một khía cạnh khác, Taliban cũng cho thấy họ đang đổi mới rất nhiều so với cách đây 20 năm, không chỉ biết đánh bom và khủng bố, mà còn đang trình diện một bộ mặt ngoại giao - hòa bình một cách tích cực. Trong vòng 3 tháng qua, các đại diện Taliban đã có nhiều cuộc họp với đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan là Zalmay Khalilzad để thảo luận về đàm phán hòa bình.

Lần gần đây nhất là tháng 11-2018, đại diện Taliban đã có cuộc họp với ông Khalilzad để thảo luận về một đề xuất ngừng bắn và tương lai của quân đội Mỹ tại Afghanistan, có nghĩa là việc rút quân đã được Mỹ đưa ra gợi ý trước với Taliban. Song song đó, các đại diện của Taliban cũng liên tục có các cuộc gặp với phía Iran để tìm kiếm sự ủng hộ và khả năng Tehran sẽ đứng ra đăng cai các vòng đàm phán.

Taliban đang muốn thể hiện một hình ảnh mới ít chiến tranh hơn, thiên về chính trị, “hòa bình” nhiều hơn, để thu phục người dân Afghanistan cũng như sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc cạnh tranh quyền lực tại Afghanistan.

An Châu (tổng hợp)
.
.