Mỹ công bố chiến lược quốc phòng: Ưu tiên sẵn sàng cho chiến tranh

Thứ Năm, 25/01/2018, 16:16
Quân đội Mỹ công khai muốn vượt trội trước Nga và Trung Quốc, bằng việc giành được lợi thế chiến lược và ưu tiên việc sẵn sàng cho chiến tranh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra quan điểm trên trong bài phát biểu về Chiến lược Quốc phòng Mỹ năm 2018.

Thế chân vạc Mỹ-Nga-Trung Quốc lung lay khiến thế giới có thể rơi vào một vòng xoáy mới khi mỗi bên đều tính toán tăng sức mạnh quốc phòng lên tối đa.

Lợi thế quân sự gia tăng đối đầu

Cuộc đua “tam mã” Mỹ-Nga-Trung ngày càng khốc liệt và nguy hiểm cho thế giới. Trước đó chỉ ít ngày, trong Báo cáo chiến lược an ninh dài 68 trang, Tổng thống Donald Trump đã gọi đích danh Nga và Trung Quốc là hai “đối thủ chính trị” đang thách thức vai trò lãnh đạo, an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ.

Nước Mỹ muốn gì khi tuyên bố tăng cường sức mạnh quốc phòng? Tại sao họ coi Nga và Trung Quốc là những “đối thủ”? Không khó để tìm câu trả lời. Trong bài phát biểu ngày 19-1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis nhấn mạnh chiến lược này xác lập mục tiêu hướng tới thay đổi khẩn cấp ở quy mô lớn của quân đội Mỹ. Ông Mattis nói, để ngăn ngừa chiến tranh thì cách tốt nhất là chuẩn bị để giành chiến thắng. Điều này đòi hỏi cách tiếp cận ganh đua để phát triển sức mạnh và đầu tư lâu dài để khôi phục khả năng sẵn sàng ứng phó và chặn đứng thế lực nguy hiểm.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Elbridge Colby, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách phát triển chiến lược và lực lượng, nhận định, chiến lược quốc phòng mới của Mỹ nhằm giải quyết tình trạng suy yếu về lợi thế quân sự của Mỹ hiện nay so với Nga và Trung Quốc. Chiến lược quốc phòng mới này được đưa ra phản ánh những ưu tiên trong chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, đó là bảo vệ nước Mỹ và các đường biên giới, tái thiết quân đội, triển khai sức mạnh ra bên ngoài theo hướng có lợi cho Mỹ.

Phản ứng trước động thái này, Nga tuyên bố không thể chấp nhận chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ, trong khi Trung Quốc cho rằng nhận định trên của Washington thể hiện “tâm lý Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời”. Một phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington phát biểu với Tân Hoa Xã rằng, nếu ai đó nhìn thế giới bằng tư duy Chiến tranh Lạnh và trò chơi “được-mất” thì họ chắc chắn sẽ chỉ thấy xung đột và đối đầu”.

Đồng quan điểm với Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại cuộc họp báo ở Liên Hiệp Quốc rằng, Mỹ đang sử dụng cách tiếp cận đối đầu.

Sĩ quan Mỹ và quân nhân Ba Lan tại Ba Lan. Ảnh: Army.mil.

Cuộc đua vũ khí hạt nhân với nước Nga

Theo các chuyên gia, việc Mỹ công bố chiến lược quốc phòng mới chính là việc Mỹ đang thể hiện sự lo lắng trước sự lớn mạnh và sức mạnh quốc phòng của Nga, Trung Quốc.

Mỹ đang trong giai đoạn đầu của chương trình hiện đại hóa kho vũ khí của mình trị giá nghìn tỷ USD, bao gồm các tàu ngầm và tên lửa mặt đất mới cũng như máy bay ném bom tàng hình mới được trang bị tên lửa hành trình tầm xa tàng hình. Đáp lại, nước Nga cũng đang trong quá trình xây dựng lại gần như toàn bộ kho vũ khí chiến lược của Liên bang Xôviết, bao gồm các tên lửa đạn đạo tầm trung di động và một hạm đội các tàu ngầm được trang bị tên lửa.

Cuộc chạy đua vũ khí đang tiếp diễn này làm dấy lên động lực nguy hiểm mới mà có thể đe dọa an ninh của Nga và Mỹ và thế giới theo 2 cách nghiêm trọng. Bóng dáng cuộc đua vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc quân sự đang hiện hữu trở lại ngày càng mạnh. 

Tháng 1-2017, khi bắt đầu chính thức bước vào nhiệm sở, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis chuẩn bị soạn thảo bản Đánh giá chung về tình trạng hạt nhân (NPR) để vạch ra chiến lược hạt nhân của chính quyền Trump. Theo bản dự thảo NPR, Mỹ sẽ đưa thêm vũ khí hạt nhân vào kho vũ khí của mình cũng như hạ “ngưỡng giới hạn” cho việc sử dụng hạt nhân.

Tài liệu trên hiện chưa được chính thức công bố, nhưng dự thảo NPR đã bị rò rỉ tuần trước cho thấy phần lớn nội dung tài liệu này tập trung vào việc tăng cường răn đe với Nga và thể hiện rõ với Moskva.

“Mập mờ” quan hệ Mỹ - Trung

Câu hỏi thật sự là Mỹ không chỉ đối phó với Nga mà nước Mỹ sẽ như thế nào trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung? Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc và châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS), mới đây có bài phân tích về quan hệ Mỹ-Trung được đăng trên báo Straits Times, cho rằng, quan hệ Mỹ-Trung vẫn bấp bênh.

Mặc dù có 2 cuộc gặp thượng đỉnh hồi năm ngoái, trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành cho Tổng thống Mỹ Donald Trump sự đón tiếp chưa từng có tiền lệ hồi tháng 11-2017 và 9 cuộc điện đàm giữa 2 nguyên thủ này, song quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn luôn biến động và không thể dự đoán. Tại sao không thể dự đoán? Giới phân tích dự báo sẽ có thêm nhiều thay đổi khi cấu trúc của mối quan hệ Mỹ-Trung đang thay đổi.

Elizabeth Economy, Giám đốc mảng Nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nói với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng: “Phương pháp hoạch định chính sách của ông Trump, không chỉ với Trung Quốc mà trong tất cả các vấn đề trên thế giới, đều rất khó để xác định rõ trong các giai đoạn khác nhau”. 

Trong khi đó, Tara Josehp, Chủ tịch Amcham Hong Kong, nhận xét: “Chúng tôi không rõ chính xác về những chính sách mà Washington có thể đưa ra. Chính quyền này rất khác biệt, cho nên không có hình mẫu nào có thể áp dụng để dự đoán về nó cả”. Không có một chiến lược toàn diện, lại thêm quan điểm thường xuyên thay đổi của tổng thống, cũng như sự mâu thuẫn về quan điểm trong số các cố vấn cấp cao của ông, Washington dường như không làm sáng tỏ được kiểu quan hệ mà nước này tìm cách xây dựng với Trung Quốc.

Hoa Huyền
.
.