Mỹ “dàn trận” xung quanh Syria

Thứ Sáu, 28/06/2013, 15:40

Kết luận “Syria nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học chống lại phiến quân” là cái cớ mà Tổng thống Mỹ Barack Obama sử dụng làm cơ sở cho quyết định trực tiếp trang bị vũ khí chiến đấu cho phiến quân chống Chính phủ Syria nhằm duy trì khả năng thực hiện mục tiêu lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Và vũ khí hóa học cũng là lý do để Mỹ đưa quân đến Jordan âm thầm triển khai kế hoạch can thiệp quân sự nhằm đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra ở Syria.

Vài tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố gửi thêm vài trăm quân tăng cường công tác huấn luyện kỹ thuật cho an ninh Jordan tại khu vực biên giới Jordan-Syria. Quân đội Mỹ đã lập hẳn một tiền đồn tại khu vực hoang mạc đầy nắng và cát này để vạch một kế hoạch bao gồm nhiều giải pháp chọn lựa khác nhau cho các tình huống có thể xảy ra tại Syria.

Người Mỹ tuyên bố trước dư luận quốc tế rằng, mục tiêu của hoạt động quân sự này là nhằm kiểm soát, không để kho vũ khí hóa học của Syria rơi vào tay của những phần tử cực đoan trong thành phần phiến quân đối lập ở Syria, hoặc bị phát tán rộng rãi bởi các chiến binh ngoại quốc ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, ám chỉ lực lượng Hezbollah ở Liban.

Syria được xem là quốc gia có kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới hiện nay, được lưu trữ ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp đất nước. Vì thế, đảm bảo các kho vũ khí này không bị phát tán rộng rãi một khi Tổng thống Assad bị lật đổ là vấn đề hết sức phức tạp và đòi hỏi nhiều công sức.

Hải quân Mỹ trên tàu USS Stockdale chuẩn bị cho cuộc tập trận tại Jordan.

Theo các quan chức quốc phòng Mỹ (giấu tên), toán sĩ quan Mỹ ở Jordan đã nghiên cứu nhiều kịch bản can thiệp, việc hình thành một liên quân quốc tế để "bảo vệ" các kho vũ khí hóa học cho đến việc ném bom tiêu hủy các kho chứa vũ khí hóa học để ngăn chúng bị phát tán ra bên ngoài. Một phần trong kế hoạch quân sự nói trên là một chương trình trị giá 70 triệu USD nhằm huấn luyện cho các lực lượng an ninh Jordan về phương pháp tiếp cận và bảo đảm an toàn các kho vũ khí hóa học bên trong Syria.

Ngoài ra, các chuyên gia Mỹ cũng tính đến phương án giao cho những nhóm phiến quân "đáng tin cậy" bảo đảm các kho vũ khí!?

Mỹ từng là một trong những quốc gia sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới, vì thế người Mỹ tự hào mình có dồi dào kinh nghiệm trong việc xử lý và tiêu hủy vũ khí hóa học một cách an toàn. Từ khi tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hóa học vào năm 1997, nước Mỹ đã lần lượt tiêu hủy nhiều loại vũ khí hóa học như sarin, tabun, khí mù tạt,… tại các nhà máy nằm sâu trong các vùng hoang mạc miền Trung Tây.

Đến nay, 90% vũ khí hóa học của Mỹ đã bị tiêu hủy, và Mỹ chỉ còn lại 2 cơ sở vũ khí hóa học. Nhiều chuyên gia vũ khí hóa học của Mỹ đã chuyển sang lĩnh vực khác.

Để thực hiện kế hoạch kiểm soát kho vũ khí hóa học của Syria, Lầu Năm Góc quyết định xây dựng lại những đơn vị chuyên trách để thực hiện công việc rất phức tạp và chứa đựng nhiều rủi ro này. Quân đội Mỹ đã được lệnh thành lập một đơn vị chuyên về xử lý vũ khí hóa học, có tên gọi là Bộ chỉ huy Hỗ trợ số 20, đóng tại Edgewood, bang Maryland.

Đơn vị này đã được điều động phối hợp với Sư đoàn Không kị số 82, đơn vị phản ứng nhanh của quân đội Mỹ chuyên xử lý các cuộc khủng hoảng toàn cầu, thực hiện các cuộc huấn luyện trên đất Mỹ về phương pháp phát hiện và tiêu hủy vũ khí hóa học và có thể sẽ được triển khai khi có yêu cầu.

Mỹ đang triển khai kế hoạch cung cấp vũ khí cho phiến quân Syria.

Theo tướng John Nicholson, Chỉ huy trưởng Sư đoàn Không kị số 82, cuộc huấn luyện kỹ thuật này là một nỗ lực của quân đội Mỹ nhằm chuyển hướng chiến lược từ chống nổi dậy ở Iraq và Afghanistan sang kiểm soát những "mầm mống đe dọa mới" trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Syria.

Trong khi đó, hải quân 19 nước gồm Mỹ, châu Âu và các nước Arập khu vực Trung Đông cũng đang tiến hành cuộc tập trận mang tên Eager Lion kéo dài 12 ngày tại Jordan nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi cuộc nội chiến ở Syria lan tràn sang các nước khu vực. Quân đội Mỹ đã tuyên bố sẽ duy trì một phi đội từ 12 - 24 chiếc máy bay chiến đấu F-16 tại Jordan sau cuộc tập trận để sẵn sàng xuất kích thực hiện mệnh lệnh một khi Tổng thống Syria có dấu hiệu "bắt đầu suy yếu".

Khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria ở phía bắc Syria, Mỹ hiện cũng đang duy trì 6 khẩu đội tên lửa Patriot cùng các chuyên gia quân sự được triển khai tại đây từ tháng 1/2013 để đối phó với những đợt pháo kích từ phía Syria sang các thị trấn, làng mạc Thổ Nhĩ Kỳ dọc biên giới.

Sau tuyên bố của Nhà Trắng về việc trực tiếp cung cấp vũ khí cho các nhóm phiến quân đối lập "có chọn lọc", những động thái triển khai quân sự của Mỹ xung quanh Syria đang khiến cho Damascus và các nước đồng minh lo ngại. Trước mối quan ngại này, ngày 20/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nước Nga sẽ hoàn thành hợp đồng chuyển giao các tên lửa S-300 cho Syria trong thời gian tới, trong khi có thông tin các báo khu vực và quốc tế cho biết, Nga đang điều tàu chiến đến Syria để sẵn sàng ứng phó tình hình.

Trong khi đó, ngày 22/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có cuộc gặp 10 nước đồng minh trong khu vực Trung Đông để phổ biến kế hoạch cung cấp vũ khí cho phiến quân đối lập Syria của Mỹ nhằm vận động các nước này cùng tham gia

An Tôn (tổng hợp)
.
.