Mỹ đẩy nhanh tiến Độ rút quân khỏi Iraq

Thứ Tư, 18/03/2009, 08:40
Những đơn vị quân Mỹ đầu tiên khoảng 12 ngàn người sẽ rút quân khỏi Iraq vào tháng 9/2009 sắp tới - đó là nội dung chính của một số thỏa thuận cắt giảm quân Mỹ tại Iraq vừa mới đạt được giữa Washington và Baghdad theo tuyên bố của phát ngôn viên Chính phủ Iraq hôm 8/3.

Đây là bước quan trọng đầu tiên theo lộ trình rút quân chung của Tổng thống Barack Obama, theo đó phần lớn các binh sĩ Mỹ sẽ rút khỏi Iraq vào thời điểm cuối cùng là tháng 8/2010. Một phần không nhỏ trong số này theo dự kiến sẽ được tái bố trí tại Afghanistan...

Trong vòng 6 tháng tới, lực lượng quân đội Mỹ tại Iraq sẽ giảm xuống 12 ngàn người, đó là nội dung được các quan chức đại diện của cả Mỹ và Iraq đồng loạt tuyên bố vào cuối tuần qua. "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về thời hạn rút quân đầu tiên vào tháng 9 - phát ngôn viên Ali Dabbagh của Chính phủ Iraq cho biết thêm - Ngoài ra, cũng sẽ có khoảng 4.000 binh sĩ Anh cũng sẽ rời khỏi Iraq".

Với thỏa thuận quan trọng này, đây là bước đi đáng kể đầu tiên trong lộ trình rút quân khỏi Iraq mà ông Barack Obama đã cam kết ngay từ trước khi trở thành Tổng thống Mỹ.

Trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Obama đã không ít lần tuyên bố rằng, nếu thắng cử sẽ rút hết các binh sĩ Mỹ khỏi Iraq trong vòng 16 tháng đầu tiên kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng.

Cần nhắc lại rằng, nội dung thỏa thuận an ninh được Iraq ký kết với chính quyền tiền nhiệm của ông Bush hồi tháng 11/2008, theo đó tất cả 140 ngàn quân Mỹ sẽ chỉ rút hết khỏi Iraq cho tới thời điểm cuối năm 2011.

Trong một tuyên bố của Tổng thống Obama vào tuần trước, bước tiếp theo của kế hoạch rút quân toàn bộ của Mỹ sẽ được ấn định vào thời điểm tháng 8/2010, khi quân Mỹ sẽ chấm dứt hoàn toàn các sứ mạng chiến đấu tại Iraq, chỉ để lại khoảng 50 ngàn quân nhân tham gia huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh của nước chủ nhà. Giai đoạn cuối sẽ tương tự như thỏa thuận chính quyền Bush đã ký trước đó, khi toàn bộ các đơn vị của Mỹ sẽ rút khỏi Iraq vào cuối năm 2011.

Quân Mỹ sẽ bắt đầu rút quân khỏi Iraq vào tháng 9/2009.

Song song với kế hoạch này cùng với phía Mỹ, khoảng 4.100 binh sĩ Anh sẽ triển khai việc rút quân bắt đầu từ tháng 3/2009. Dự kiến tới cuối hè năm nay, Anh sẽ chỉ còn lại khoảng 400 quân tại Iraq, trước khi số còn lại này sẽ rút hoàn toàn khỏi đây vào cuối năm 2009.

Còn nhớ là chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq đã được chính quyền Bush khởi động từ tháng 3/2003 với một đội quân đông đảo với binh sĩ từ tổng cộng 26 quốc gia trong thành phần lực lượng liên minh do Mỹ đứng đầu.

Lý do Washington đưa ra để khơi mào cuộc chiến chính là thông tin cho rằng, chính quyền Saddam Hussein khi đó đang sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, điều cho tới giờ vẫn chưa tìm ra bằng chứng xác đáng nào.

Theo dự kiến đến cuối năm nay, tiếp sau Mỹ và Anh, sẽ có 13 quốc gia khác sẽ rút quân của mình khỏi Iraq, trong số này có cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Moldavia.

Với việc Mỹ sẽ nhanh chóng rút quân khỏi Iraq, vấn đề an ninh tại quốc gia này vẫn đang là một câu hỏi lớn. Dù tình hình đã có nhiều dấu hiệu cải thiện, nhưng nhiều nhà quan sát vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng tự đảm bảo an ninh của quân đội Iraq.

"Chúng tôi biết là Al-Qaeda, mặc dù đã bị suy giảm đáng kể cả về khả năng và số lượng, nhưng chúng vẫn liều mạng duy trì sự hiện diện đáng kể của mình tại Iraq" - Phát ngôn viên của quân đội Mỹ tại Iraq, Thiếu tướng Perkins thừa nhận.

Thậm chí các băng nhóm cực đoan bắt đầu có xu hướng chủ yếu tấn công vào các lực lượng an ninh và quân đội Iraq, tức là những người sẽ trực tiếp đảm trách việc bảo vệ an ninh đất nước sau khi Mỹ rút quân.

Điển hình là ngay trong ngày cả Mỹ và Iraq cùng tuyên bố về kế hoạch rút quân (chủ nhật 8/3/2009), tại Baghdad đã liên tục xảy ra 2 vụ khủng bố đẫm máu. Tại khu vực phía đông thủ đô, một tên khủng bố cảm tử đã lao chiếc môtô của mình vào một đám đông (phần lớn là nhân viên cảnh sát mới được tuyển mộ) ngay tại lối vào một học viện đào tạo cảnh sát ở Baghdad, cho nổ tung một quả bom mang trên người khiến 32 người thiệt mạng (trong đó có 9 cảnh sát, 19 học viên cảnh sát mới được tuyển mộ và 4 cảnh sát giao thông) cùng 60 người khác bị thương.

Vụ thứ hai xảy ra tại khu vực Al-Alawi nằm ngay sát "Vùng xanh" được bảo vệ kỹ lưỡng, khi một chiếc xe hơi gắn bom phát nổ làm 2 dân thường thiệt mạng.

Những vụ khủng bố trên đã cho thấy, dù bạo lực đã giảm bớt đáng kể, nhưng Iraq vẫn là một quốc gia đầy bất ổn và nguy hiểm. Theo các số liệu thống kê của chính phủ, chỉ riêng trong tháng 2/2009 đã có 258 người Iraq bị sát hại trong các vụ bạo lực, tăng 35% so với con số 191 người thiệt mạng hồi tháng 1/2009.

Trong một bài trả lời phỏng vấn hôm 8/3, Thủ tướng Nouri al-Maliki của Iraq đã đánh giá kế hoạch rút quân trên của phía Mỹ là một quyết định "có trách nhiệm", dù quân đội và cảnh sát Iraq vẫn cần được hỗ trợ thêm về vũ khí để đảm bảo được an ninh trong nước.

"Chúng tôi, Chính phủ Iraq, cảm thấy rằng các lực lượng an ninh Iraq có khả năng lấp đầy bất kỳ chỗ trống nào được tạo ra khi các đơn vị Mỹ rút quân" - ông Maliki đã khẳng định như vậy trên kênh truyền hình của chính phủ.

Còn theo các nhà phân tích, tình hình bất ổn tại Iraq còn có nguy cơ tồi tệ trở lại, không chỉ vì vấn đề an ninh, mà còn do các yếu tố chính trị.

Thời điểm cuộc bầu cử vào tháng 12 càng tới gần, người ta càng nhìn nhận có nhiều yếu tố chia rẽ sâu sắc hơn giữa phe của Thủ tướng Nouri al-Maliki với các chính trị gia đối lập. Đó là chưa kể những mâu thuẫn sắc tộc có xu hướng gia tăng giữa các cộng đồng người Shiite và Sunni.

Theo đó, việc Mỹ rút quân khỏi Iraq cùng với cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ được nhìn nhận như một "liều thuốc thử" cho biết, liệu người dân Iraq đã có thể bỏ lại sau lưng hoàn toàn quá khứ đẫm máu, cũng như biết cách giải quyết những bất đồng bằng lá phiếu bầu cử thay vì các hành động bạo lực?

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.