Mỹ đe dọa sẽ mạnh tay hơn với Triều Tiên
- Các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên đã đạt đến giới hạn
- Triều Tiên có thể phóng tiếp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa
Triều Tiên đang tạo áp lực để Trung Quốc đứng ra thuyết phục Mỹ đàm phán?
Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, hôm 3-9-2017, Bình Nhưỡng đã thử thành công bom nhiệt hạch, còn gọi là bom H và vũ khí này được thu nhỏ để có thể lắp đặt trên tên lửa tầm xa (Bom nhiệt hạch với thành phần chính là uranium có thể gây ra thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với bom nguyên tử sử dụng nhiên liệu plutonium).
Thông báo của Bình Nhưỡng được đưa ra vài giờ sau khi các cơ quan địa chấn quốc tế ghi nhận một trận động đất do con người gây ra ở Punggye Ri, nơi Triều Tiên thường xuyên tiến hành các thử nghiệm hạt nhân.
Truyền thông Triều Tiên ngày 3-9 đăng ảnh Chủ tịch Kim Jong Un đứng bên cạnh một quả bom nguyên tử. |
Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ước tính: vụ thử hạt nhân lần thứ 6 này của Triều Tiên có đương lượng nổ 50 kiloton, mạnh nhất trong các lần thử vũ khí hạt nhân từ trước tới nay của Bình Nhưỡng. Vụ nổ mới nhất cho thấy khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên ngày càng khả tín.
Vụ thử trên là một thách thức trực tiếp đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vài giờ trước đó đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe để thảo luận về sự “leo thang” cuộc khủng hoảng hạt nhân trong khu vực, và trước đó, từng thề sẽ ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có thể đe dọa tới Mỹ.
Tháng trước, Bình Nhưỡng đã có những động thái chuẩn bị tấn công Guam, một lãnh thổ thuộc Mỹ ở Thái Bình Dương, đã làm leo thang căng thẳng tại khu vực, và khiến Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng quân đội Mỹ đã trong tư thế sẵn sàng, nếu Bình Nhưỡng hành động thiếu khôn ngoan. Chính quyền Triều Tiên sau đó đã hoãn triển khai kế hoạch này.
Ngay sau vụ Triều Tiên thử bom nhiệt hạch ngày 3-9, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã họp với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng. Phát biểu với báo chí, ông Mattis cảnh cáo Triều Tiên rằng, Mỹ có nhiều giải pháp quân sự và Tổng thống Trump muốn được thông báo về những giải pháp này.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis (trái) cảnh báo dùng mọi phương tiện, kể cả nguyên tử, bảo vệ lãnh thổ và đồng minh. |
Sau đó vài giờ, Nhà Trắng ra thông cáo về nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, theo đó, nguyên thủ Mỹ tái khẳng định cam kết bảo vệ đất nước, lãnh thổ và các đồng minh bằng cách sử dụng toàn bộ các khả năng ngoại giao, phương tiện quân sự truyền thống và cả nguyên tử.
Ông Trump sau đó viết trên Twitter rằng, chính quyền của ông “cân nhắc cắt đứt quan hệ thương mại với bất kỳ nước nào làm ăn với Triều Tiên”. Ông đồng thời gọi “Triều Tiên là một mối đe dọa lớn và là nỗi xấu hổ đối với Trung Quốc, nước đang có nhiều nỗ lực nhưng đạt được rất ít thành công”.
Hãng tin Reuters sau đó dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết, ông sẽ tập hợp một loạt các biện pháp trừng phạt mới mà nhiều khả năng sẽ cắt đứt mọi hoạt động thương mại với Triều Tiên trên toàn thế giới. “Nếu các nước muốn làm ăn với Mỹ, họ rõ ràng sẽ phải hợp tác với các đồng minh của chúng tôi và các nước khác nhằm cắt đứt Triều Tiên về mặt kinh tế”, ông Mnuchin nói.
Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng thảo luận việc mở rộng hợp tác quân sự với Hàn Quốc, quyết định cho phép Mỹ triển khai đầy đủ các tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ nước này, đồng thời tiến hành cuộc tập trận ném bom thật vào mục tiêu giả định là cơ sở thử nghiệm hạt nhân Triều Tiên. Những việc này, cả Nga và Trung Quốc đều kịch liệt phản đối.
Ngày 4-9, Nga lên án phản ứng của Mỹ và đồng minh trước vụ thử hạt nhân mới và mạnh nhất của Triều Tiên, và cảnh báo rằng bất kỳ bước đi sai lầm nào cũng hết sức nguy hiểm. Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với các phóng viên tại một hội nghị thượng đỉnh của nhóm 5 cường quốc mới nổi (gọi tắt là BRICS) ở Trung Quốc: “Thật rõ rằng trong tình thế hiện nay, bất kỳ bước đi vụng về nào cũng có thể dẫn tới sự bùng nổ về mặt chính trị, quân sự, và không chỉ dẫn tới một vụ nổ hạt nhân”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. |
Ông Ryabkov nói: “Không nên để cho tình hình leo thang. Những ai thông minh và mạnh hơn nên kiềm chế”. Ông Ryabkov cho rằng, việc Washington tính tới chuyện trừng phạt là điều đáng tiếc, và rằng không nước nào có quyền có hành động đơn phương. Sự trừng phạt Triều Tiên trước đây đã tới giới hạn tác động, và rằng những biện pháp mới chỉ làm tổn hại tới nền kinh tế của Bình Nhưỡng chứ không thể ảnh hưởng tới khả năng quân sự của nước này.
Nga và Trung Quốc nằm trong số ít các quốc gia có quan hệ kinh tế với quốc gia bị cô lập, từng nhiều lần kêu gọi bình tĩnh xử lý cuộc khủng hoảng. Cả hai đều bày tỏ quan ngại về việc triển khai THAAD. Theo Reuters, ông Ryabkov nói rằng “Moskva không coi Triều Tiên là một mối đe dọa, ít nhất là đối với Nga”.
Các nhà phân tích cho rằng, Triều Tiên cố ý chọn thời điểm tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 trùng đúng ngày Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, khai mạc tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc, là một cách để giới lãnh đạo Triều Tiên dò xem phản ứng của Trung Quốc. Washington đã nhiều lần thúc giục và gây sức ép buộc Bắc Kinh cắt đứt nguồn cung lương thực và nhiên liệu cho Triều Tiên.
Dù Trung Quốc ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn trước hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa mà quốc gia láng giềng tiến hành trong thời gian gần đây, nước này vẫn không mạnh tay áp dụng các biện pháp trừng phạt vì lo ngại có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng khác đem lại những những hậu quả khó lường.
Tuy Trung Quốc đã gửi công hàm “phản đối nghiêm khắc” đến đại diện ngoại giao Triều Tiên, yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế, không làm leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, cùng với Nga, nước này quay sang chỉ trích phản ứng Mỹ cùng đồng minh với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là “không công bằng” và “không thể chấp nhận được”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý “xử lý phù hợp” cuộc thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Triều Tiên. Tân Hoa Xã viết rằng “hai nhà lãnh đạo đã đồng ý duy trì mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và giữ liên lạc cũng như phối hợp chặt chẽ để xử lý tình hình mới”.
Trong khi “Mục đích của vụ thử này nhắm vào ông Tập nhiều hơn là ông Trump”, Peter Hayes, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nautilus chuyên về các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, nhận định Triều Tiên đang tạo áp lực để Trung Quốc đứng ra thuyết phục Mỹ đàm phán với Triều Tiên. Peter Hayes đánh giá: “Kim Jong-un không có lợi thế đòn bẩy để khiến Washington ngồi xuống đàm phán. Nhưng ông Tập có sức mạnh thực sự ảnh hưởng tới những tính toán của Washington”.
Triều Tiên đang tiếp tục chuẩn bị cho một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa?
Mùa hè vừa qua, khi thể hiện thái độ cứng rắn, ông Donald Trump đã hy vọng kìm hãm được Triều Tiên phát triển vũ khí nguyên tử. Thế nhưng, Bình Nhưỡng vẫn cứ tiếp tục, do vậy, Tổng thống Mỹ bị rơi vào tình thế khó xử bởi chính những lời đe dọa của ông. Vậy Tổng thống Mỹ còn có những giải pháp nào nữa? Do các biện pháp trừng phạt tỏ ra không hiệu quả, liệu Tổng thống Trump có sẵn sàng lao vào một cuộc xung đột quân sự đối đầu với một nước mà từ nay dường như là một cường quốc nguyên tử hay không?
Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis không bác bỏ giả thuyết này. Ông nói: “Mọi mối đe dọa nhắm vào Mỹ và lãnh thổ Mỹ, kể cả Guam hoặc nhắm vào các đồng minh của Mỹ sẽ phải hứng chịu phản ứng quân sự ồ ạt, hiệu quả và áp đảo. Ông Kim Jong-un phải để ý tới lập trường đồng nhất của toàn bộ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi không tìm cách tiêu diệt một quốc gia, cụ thể là Triều Tiên, nhưng chúng tôi có rất nhiều giải pháp để làm việc này”.
Vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên đã bị nhiều nước và các tổ chức quốc tế lên án. Tổng Giám đốc IAEA, Cơ quan kiểm soát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc nói rằng, đó là “hành động hết sức đáng tiếc”, “bất chấp các yêu cầu liên tục của cộng đồng quốc tế”. Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae In lập tức lên tiếng đòi cộng đồng quốc tế “mạnh tay hơn trong việc trừng phạt” Triều Tiên.
Trong cuộc họp khẩn cấp sáng 3-9, lãnh đạo Hàn Quốc yêu cầu “khởi động tất cả các biện pháp ngoại giao nhằm mục đích cô lập toàn diện” chính quyền Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ cũng đang bàn thảo phương án triển khai thêm một cụm tàu sân bay chiến đấu và nhiều oanh tạc cơ chiến lược tới gần Bán đảo Triều Tiên.
Còn tại Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 này của Triều Tiên là một hành vi “tuyệt đối không thể chấp nhận được”, khi đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.
Người Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ thử hạt nhân trên truyền hình hôm 3-9. |
Ngày 4-9, quyền Cục trưởng Cục Hoạch định chính sách thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Chang Kyung-soo đã thông tin với các nghị sĩ nước này rằng, Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa ngay sau khi thử thành công bom nhiệt hạch. Viện dẫn cho thông báo của mình, ông Chang cho biết, quân đội Hàn Quốc phát hiện các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang tiếp tục chuẩn bị cho một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), Tuy nhiên, ông không đưa ra dự đoán về khung thời gian cho vụ phóng này.
Trong ngày này, hãng tin AFP dẫn thông báo từ Nhà Trắng cho biết: Tổng thống Donald Trump “thể hiện ý định sẵn sàng duyệt việc bán các vũ khí và thiết bị quân sự tổng trị giá hàng tỷ USD cho Hàn Quốc” trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc. Hai nhà lãnh đạo “nhấn mạnh mối đe dọa nghiêm trọng từ sự khiêu khích gần đây nhất của Triều Tiên với toàn bộ thế giới” và “nhất trí tối đa hóa áp lực lên Triều Tiên bằng cách sử dụng mọi biện pháp có thể”.
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ đã bán các vũ khí tổng trị giá 5 tỷ USD cho Hàn Quốc trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2016. Hàn Quốc là nhà nhập khẩu vũ khí từ Mỹ lớn thứ 4 trong giai đoạn trên, sau Arab Saudi, Australia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Thông báo còn xác nhận Mỹ sẽ xóa bỏ hạn chế đối với năng lực tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc. Theo thỏa thuận với Washington năm 2001, Seoul chỉ được sở hữu tên lửa đạn đạo có tầm bắn tối đa 800 km và đầu đạn nặng 500 kg. Hàn Quốc muốn trang bị đầu đạn lớn hơn để tăng khả năng răn đe.
Tại Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trương cộng đồng quốc tế cần phản ứng một cách “cứng rắn nhất” trước một hành vi đe dọa an ninh và hòa bình của nhân loại. Pháp đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an “phản ứng nhanh chóng” và mong muốn Liên minh châu Âu “có chung một tiếng nói” trên hồ sơ này.
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard tuyên bố: “Tôi nghĩ bây giờ là thời gian dành cho đối thoại. Chúng tôi sẵn sàng đóng vai trò trung gian”. Theo bà Leuthard, một phần nhiệm vụ sẽ là tìm địa điểm phù hợp để các quan chức, có thể là ngoại trưởng các nước, gặp mặt.
Bà Leuthard cho biết, binh sĩ Thụy Sĩ đã được triển khai đến vùng phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Thụy Sĩ, cùng với Thụy Điển, từ lâu đã tham gia các hoạt động ngoại giao trung lập và kín đáo.
Một ngày sau khi Triều Tiên thử bom H, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp khẩn cấp để thảo luận về vấn đề này. Hành động của Bình Nhưỡng đương nhiên bị lên án. Trong cùng ngày, đại diện của Mỹ thông báo: Mỹ bắt đầu một nỗ lực ở Hội đồng Bảo an để nhanh chóng áp đặt “những biện pháp mạnh mẽ nhất có thể” lên Triều Tiên. Kể từ nay, cộng đồng quốc tế cũng cần phải thể hiện lập trường trước những tuyên bố quyết chiến của Mỹ.