Mỹ ký thỏa thuận hạt nhân với Ấn Độ

Thứ Năm, 21/12/2006, 10:00
Giới bình luận đang theo dõi sát việc Tổng thống Mỹ Bush vừa ký đạo luật thi hành Luật Năng lượng hòa bình Mỹ - Ấn Độ (18/12) bởi đang có nhiều tranh luận xung quanh vấn đề này.

Thứ nhất, trước đây Mỹ đã nhiều lần từ chối phê chuẩn bán nhiên liệu cho Ấn Độ với lý do nước này chưa ký Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Khi đó Ấn Độ cho rằng, NPT quá thiên vị đối với các nước đã sở hữu vũ khí hạt nhân trong khi lại thành kiến với những quốc gia phi hạt nhân. Giới bình luận coi đây là một phần kế hoạch của Mỹ trong việc lập lại trật tự hạt nhân mới trên toàn cầu. Thứ hai, Ấn Độ giờ đây đã trở thành một ngoại lệ trong chính sách hạt nhân của Mỹ bởi thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Ấn Độ vừa ký giống như là một giấy phép hợp pháp để Ấn Độ tiếp cận với công nghệ hạt nhân dân sự. Điều này thực sự có ý nghĩa đối với Ấn Độ, bởi không phải quốc gia nào cũng nhận được sự phê chuẩn này. Tổng thống Bush nhấn mạnh, đạo luật này sẽ đạt được 4 mục tiêu quan trọng, trong đó có việc củng cố sự hợp tác song phương về một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21 là vấn đề năng lượng.

Được biết, Nhà Trắng đã thúc đẩy luật trên vốn được Quốc hội Mỹ thông qua với đa số áp đảo hôm 9/12 vừa qua trong một nỗ lực nhằm mở rộng các mối quan hệ với Ấn Độ và tăng cường thương mại cho các công ty Mỹ. Có một điều mà người ta quan tâm là Ấn Độ đến nay vẫn từ chối ký NPT và như vậy việc thoả thuận cung cấp công nghệ hạt nhân khác nào một ngoại lệ mà nước Mỹ dành cho Ấn Độ. Tất nhiên, Nhà Trắng vẫn có lý do để làm việc này vì như Tổng thống Bush đã nói, thỏa thuận đó sẽ đặt chương trình phát triển hạt nhân dân sự của Ấn Độ nằm trong vòng kiểm soát nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, theo thỏa thuận kể trên thì 8 cơ sở hạt nhân quân sự của Ấn Độ vẫn nằm ngoài vòng kiểm soát và như vậy khó có thể coi thoả thuận này sẽ giúp ích cho việc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại thoả thuận trên sẽ gây khó khăn cho quá trình đòi ngừng và hủy bỏ chương trình hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên, cũng như ảnh hưởng tới NPT và có thể tạo điều kiện để kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ tăng lên với quy mô lớn, dẫn tới sự cạnh tranh hạt nhân mạnh mẽ trong khu vực Nam Á vốn có nhiều bất ổn

Hương Ly
.
.