Mỹ lần lữa việc rút quân khỏi Afghanistan?

Thứ Hai, 11/07/2016, 15:15
Ngày 6-7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo sẽ lui thời hạn rút quân khỏi Afghanistan. Đây là lần thứ n, ông Obama thông báo như thế này. Vì sao Mỹ cứ lần lữa việc triệt thoái khỏi mảnh đất họ đã tiến hành chiến tranh từ 15 năm qua?

Hãng Reuters ngày 6-7 dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo rằng, do tình hình an ninh tại Afghanistan vẫn rất bất ổn, nên ông sẽ duy trì số lượng binh sỹ Mỹ tại quốc gia Nam Á này ở mức 8.400 cho đến cuối nhiệm kỳ của mình (tháng 1-2017) thay vì giảm xuống 5.500 binh sỹ như kế hoạch trước đó.

Trong tuyên bố, ông Obama cũng nói rằng vai trò của lực lượng Mỹ tại Afghanistan không có gì thay đổi, đó là huấn luyện và cố vấn lực lượng cảnh sát, binh sỹ Afghanistan cũng như hỗ trợ các nhiệm vụ chống khủng bố nhằm vào Taliban và các nhóm khác.

Kế hoạch của Nhà Trắng là nhằm đảm bảo cho lợi ích của Mỹ, đặc biệt là sau khi chúng ta đã tổn hao rất nhiều máu và tiền ở Afghanistan trong những năm qua. Đồng thời, chúng ta cũng cung cấp sự hỗ trợ tốt nhất cho chính quyền Afghanistan để tiến tới những kế hoạch mới, ổn định lại đất nước” - ông Obama nhấn mạnh.

Tổng thống Obama thông báo giữ lại 8.400 quân ở Afghanistan cho tới tháng 1-2017.

Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Obama đã đi ngược lại với những cam kết trước đó của nhà lãnh đạo này. Khi nhậm chức tổng thống vào năm 2009, ông Obama tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, tuy nhiên trên thực tế quân đội Mỹ hiện vẫn tiếp tục tham gia vào các cuộc xung đột tại 2 nước này và sa lầy vào những cuộc chiến mới ở Syria và Libya.

Năm 2014, Tổng thống Obama cam kết đưa toàn bộ lực lượng Mỹ ra khỏi Afghanistan trước cuối năm 2016, ngoại trừ một đơn vị gồm 1.000 binh sĩ tại sứ quán Mỹ ở Kabul. Khi đó ông Obama nói đã tới lúc nước Mỹ “lật sang một trang mới” của cuộc chiến tranh bắt đầu năm 2001 để đáp lại những vụ tấn công khủng bố ở nước Mỹ ngày 11-9-2001.

Tuy nhiên, sự hồi sinh của Taliban và việc quân đội Afghanistan liên tục tiến hành các hoạt động quân sự trong thời gian gần đây buộc Nhà Trắng phải cân nhắc lại kế hoạch rút quân. Các chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ ban đầu muốn Nhà Trắng tiếp tục duy trì khoảng 9.800 quân tại Afghanistan khi ông Obama rời nhiệm sở.

Trong tháng 6-2016, một nhóm cựu đại sứ và chỉ huy quân sự ở Afghanistan đã kêu gọi ông Obama tạm dừng kế hoạch rút quân ở Afghanistan và mọi sự điều chỉnh sẽ do tổng thống mới quyết định.

Trong thông báo hôm 6-7, Mỹ còn diễn giải rằng để đi đến quyết định trên, Nhà Trắng, các lãnh đạo quân sự tại Bộ Quốc phòng và các viên chỉ huy ở chiến trường cộng với các giới chức Afghanistan đã phải bàn thảo mất nhiều tháng! Một viên chức Lầu Năm Góc cho biết thêm các tướng lĩnh “không muốn tình trạng xáo trộn xảy ra ở Iraq được lập lại ở Afghanistan”, ý muốn nói hồi 2011 Mỹ đã quá vội vã khi rút hết quân khỏi Iraq, dẫn đến kết quả Iraq trở thành một trong những cứ điểm của bọn khủng bố IS “và không ai muốn thấy điều này xảy ra ở Afghanistan”, tức không muốn quân Taliban “có cơ hội thao túng, bành trướng” sau ngày Mỹ và các nước đồng minh rút quân.

Theo lịch trình thỏa thuận giữa Mỹ, đồng minh NATO và Afghanistan, người lính ngoại quốc cuối cùng sẽ rời Afghanistan vào ngày 31-12-2015, nhưng một chương trình mang ý nghĩa “cố vấn quân sự và huấn luyện quân sự” sẽ được thực hiện với chừng 1.000 binh sĩ Mỹ. Tuy nhiên, trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ gần đây, Ðại tướng Tư lệnh Chiến trường John Campbell nói rằng “binh sĩ Afghanistan chưa đủ khả năng để có thể đảm trách nhiệm vụ họ phải nhận lãnh”.

Trong buổi điều trần này, Ðại tướng Campbell còn tiết lộ ông đã đệ trình “một số kế hoạch hành động” đến Bộ Quốc phòng và Hội đồng An ninh Quốc gia, từ đề nghị “chỉ giữ một lực lượng nhỏ để bảo vệ an ninh cho Ðại sứ Mỹ tại Kabul”, cho đến một lực lượng “nhiều nghìn binh sĩ”.

Trước khi Tổng thống Obama báo tin đến đầu năm 2017 vẫn còn 5.500 binh sĩ Mỹ có mặt ở Afghanistan, một số viên chức Hội đồng An ninh Quốc gia cho rằng Mỹ có thể - và luôn luôn sẵn sàng - giúp huấn luyện quân sự cho quân đội Afghanistan “nhưng chúng ta không thể nào huấn luyện ý chí chiến đấu cho binh sĩ nước bạn” để họ chống trả những cuộc tấn công của Taliban.

Ðiều này cũng được Tổng thống Obama trình bày trong cuộc họp báo hồi cuối tháng 9 năm ngoái, khi ông nói “Mỹ không hề buông Afghanistan, vẫn yểm trợ mạnh mẽ cho Kabul bằng 10.000 binh sĩ Mỹ đang có mặt trên chiến trường và nhiều tỷ USD viện trợ kinh tế”, nhưng, ông nói tiếp với vẻ mặt không vui, “vẫn không đạt được kết quả như mong đợi”.

Quân đội Mỹ tại Afghanistan.

Trở ngại này, vẫn theo lời các cố vấn quân sự và chính trị của Tổng thống Obama “một phần vì binh sĩ Afghanistan không thể hiện cho chúng ta thấy họ có tinh thần chiến đấu” dẫn chứng từ thời Tổng thống Hamid Karzai “Taliban đã mở nhiều cuộc tấn công tiến về Kabul, binh sĩ Afghanistan buông súng bỏ chạy thay vì phải chống trả”, hoặc “tin tức chúng tôi (Mỹ) ghi nhận được cho thấy một số binh sĩ Afghanistan bỏ ngũ, đem súng, đạn dược, nộp cho Taliban để chúng cho họ sống yên ổn với gia đình”.

Quyết định giữ 8.400 binh sĩ tại Afghanistan đến năm 2017 mà Tổng thống Obama mới đưa ra được sự ủng hộ lẫn chống đối từ Quốc hội. Dân biểu Dân chủ Gerry Connolly, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, gọi đó là một quyết định sáng suốt nhưng cũng dè dặt bảo “không thể biết để lại bao nhiêu quân mới đủ” đáp ứng với tình hình chiến trường.

Ngược lại, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain cho rằng con số 8.400 binh sĩ “không đủ để giải quyết vấn đề” vì quân Taliban có khả năng chiếm đất giành dân tựa như bọn khủng bố IS đang làm sau ngày Mỹ rút quân khỏi Iraq. Vẫn theo ông McCain, “sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ thấy chuyện xảy ra ở Iraq tái diễn ở Afghanistan”, gọi đó là “hậu quả của những tính toán sai lầm mà Tổng thống Obama đã làm” khi vội vã rút quân khỏi chiến trường, dù đã được các tướng lĩnh cảnh báo “tình hình chưa thật sự ổn định”.

Ðầu năm nay, trong một buổi nói chuyện với báo chí, ông McCain cho rằng Tổng thống Obama nhất quyết rút quân “chỉ vì muốn làm đúng lời hứa với cử tri” là sẽ chấm dứt 2 cuộc chiến Iraq và Afghanistan, “không đếm xỉa gì tới tình hình thực tế”. Hồi 2012 khi tái tranh cử, một trong những quảng cáo vận động của ông Obama nói rằng “Tổng thống Obama đã chấm dứt cuộc chiến Iraq và sẽ kết thúc cuộc chiến Afghanistan”.

Tháng 1-2003, trong bản thông điệp nhậm chức nhiệm kỳ 2, Tổng thống Obama nói rằng “một thập niên chiến tranh đang sửa soạn kết thúc”, báo trước người lính Mỹ cuối cùng sẽ rời Afghanistan trước ngày ông rời Nhà Trắng.

Rất tiếc, những gì Tổng thống Obama nói đều không diễn ra như ông mong chờ. Ngoài con số 8.400 binh sĩ ông vừa báo sẽ ở lại Afghanistan cho tới năm 2017, Mỹ đang sử dụng khoảng 3.000 binh sĩ trong chiến dịch không kích giúp Iraq chống khủng bố IS, và như ông mới nói rằng, người thật sự quyết định chấm dứt 2 cuộc chiến này chính là người sẽ kế nhiệm ông, chứ không phải là ông.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.