Mỹ lo ngại về hoạt động tình báo của Nga

Thứ Năm, 08/06/2006, 08:00

Theo nguồn tin từ các quan chức tình báo, Moskva vẫn đang nỗ lực tiến hành các hoạt động tình báo nhằm lấy cắp các bí mật quân sự và công nghiệp của Mỹ ít nhất là trong thời điểm hiện nay. Các chuyên gia cho rằng gián điệp Nga hiện đang hoạt động dưới một "tầm phủ sóng" rộng lớn kể từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX.

Hai quốc gia không chỉ là những đối thủ cạnh tranh, họ là những đối tác của nhau trong nỗ lực giải quyết các vấn đề khủng hoảng hạt nhân ở Iran và CHDCND Triều Tiên, đồng thời cùng chia sẻ tình báo về các nhóm tội phạm chẳng hạn như Al-Qaeda. Theo nhận định của David W. Szady, Trưởng ban Phản gián của FBI từ năm 2001 đến tháng 1/2006, tuy cả hai là những nước đồng minh và là bạn hữu trên một vũ đài nhưng ở một chừng mực nào đó thì họ đang phải đối đầu trên một lĩnh vực khác.

Sự hợp tác lẫn nhau giữa Washington và Moskva không dừng lại ở mức độ các đoàn ngoại giao của hai nước mà thật ra, dường như họ cũng đang đàm thoại với nhau, cả những vấn đề gián điệp của hai bên. Các cơ quan an ninh Nga và phương Tây đã bắt đầu làm việc với nhau trên cơ sở có giới hạn sau năm 1991, đặc biệt là các nỗ lực hợp tác phát triển trở lại sau sự kiện 11-9 bao gồm việc chia sẻ thông tin về mạng lưới nghi can khủng bố.

Điều này có thể giúp giải thích vì  sao, vào tháng 1/2006 khi Nga nói rằng họ bắt quả tang 4 nhà ngoại giao Anh tìm cách lấy các bí mật quân sự bằng cách truy cập dữ liệu từ một hòn đá nhân tạo, nhà cầm quyền Nga đã không trục xuất những tên gián điệp này ra khỏi nước Nga.

Mối đe doạ chiến lược đối với tình báo Nga

Điện Kremli xem các cuộc nổi dậy và lực lượng Hồi giáo như là mối đe dọa đáng sợ nhất đối với vấn đề an ninh của nước Nga. Và theo James Casey, Trưởng ban Âu - Á của Phân ban Phản gián FBI, “trong cùng một chiều hướng ấy, họ sẽ nói về nước Mỹ. Họ vẫn xem chúng tôi là một mối đe dọa mang tầm chiến lược”. Thật vậy, trong giới tình báo Nga, Mỹ không còn được gọi là “đối thủ chủ yếu” như trước đây, “nhưng bây giờ nó là ưu tiên số 1”. Vì vậy, đối với vấn đề nhân lực và mức độ hoạt động của tình báo Nga, đã có “sự phục hồi hoàn toàn, thậm chí một sự tăng cường hơn nữa” các hoạt động gián điệp.

Hầu hết người Nga đều quan tâm thu thập các bí mật quân sự và công nghiệp, đặc biệt là những nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng hệ thống phòng vệ tên lửa đạn đạo và các vũ khí đối không. Moskva cũng đã có những thông tin định hướng về các công nghệ “lén lút” của Mỹ chẳng hạn như những công nghệ dùng để che giấu các chiến đấu cơ và tàu ngầm.

Tuy nhiên, Nga đạt được ưu thế bao nhiêu đối với thiết bị như các công cụ cảm biến hoặc laser công nghệ cao vẫn còn là một điều chưa biết được rõ ràng. John Pike, một chuyên gia vũ khí và Giám đốc GlobalSecurity.org nói rằng, việc sản xuất các thiết bị tiên tiến đòi hỏi không chỉ các linh kiện tinh vi mà còn cần có các nhà quản lý giàu kinh nghiệm, các hệ thống robot và các công nhân được đào tạo chuyên biệt. "Một điều thách thức hiện nay là tìm ra cái gì để lấy cắp và cái đó có sử dụng không khi bạn mang về nhà".

Gần đây, vào tháng 2/2006, phát biểu với Hãng thông tấn Interfax, Giám đốc Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) Nikolai Patrushev nói rằng, Moskva cũng đang “ngập sóng” các gián điệp tìm kiếm các bí mật quân sự và “các hoạt động tình báo ở Nga đang ngày càng trở nên cực kỳ mạo hiểm”. Các chuyên gia phương Tây nhận định rằng cấp độ hoạt động gián điệp phương Tây chống lại Nga có thể sụt giảm tùy theo ảnh hưởng khu vực và toàn cầu của quốc gia đó, và sự đe dọa bị sụt giảm đặt ra bởi chính lực lượng quân sự truyền thống của họ

Anh Vân (theo Mosnews)
.
.