Mỹ mắc kẹt giữa các đồng minh Arab

Thứ Năm, 29/03/2018, 11:21
Chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông đã có nhiều thay đổi kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Bên cạnh vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên thì Trung Đông giờ trở thành ưu tiên chính sách lớn nhất của chính quyền Washington, đặt trên cả các khu vực quan trọng khác như châu Âu hay cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định càng dấn thân, Mỹ và các đồng minh dường như càng bị đánh giá “đuối” hơn so với các lực lượng khác như trục Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Cục diện Trung Đông cũng vì thế đang thay đổi theo chiều hướng không mấy khả quan.

Tiến thoái lưỡng nan

Trong bối cảnh chuyện nhân sự Nhà Trắng chưa ngã ngũ. Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo bất ngờ được ông Donald Trump đề cử vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ thay ông Rex Tillerson bị cách chức, song lại chưa chính thức tiếp quản nhiệm sở cho đến khi “mọi sự rõ ràng” sau phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ vào tháng 4 tới nhằm thông qua việc bổ nhiệm ông. Washington lập tức phải đối mặt với những thách thức trong các vấn đề then chốt ở khu vực Trung Đông.

Chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman kể từ khi trở thành người kế vị Quốc vương Salman, đã khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh Washington - Riyadh. Tuy nhiên, với những lợi ích khác nhau, sự quan tâm khác nhau đối với các vấn đề trong khu vực như: những tham vọng của Iran ở khu vực, cuộc xung đột ở Yemen, tranh cãi giữa Saudi Arabia và Qatar, cũng như vấn đề Israel - Palestine... dường như mối quan hệ này đang bị đẩy vào thế mắc kẹt.

Giới phân tích đã nhận định rằng Riyadh chắc chắn sẽ mong đợi nhiều từ Washington trong các vấn đề Yemen và sự bành trướng của Tehran ở khu vực. Và mặc dù Nhà Trắng coi Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman, người cũng đang đảm nhiệm cả cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, là đối tác chủ chốt trong những nỗ lực của họ nhằm kiếm chế Iran, nhưng Nhà Trắng khó có khả năng “dang tay giúp đỡ” thêm cho đồng minh ở Trung Đông này để giành chiến thắng tại cuộc xung đột ở Yemen.

Theo ông Bruce Riedel, nghiên cứu sinh cao cấp thuộc Viện Brookings, cuộc chiến ở Yemen là cuộc chiến của Hoàng Thái tử Saudi Arabia và sáng kiến về chính sách mang dấu ấn đặc trưng của ông ta. Sự thất bại ở Yemen là điểm đen cơ bản về sự tín nhiệm của ông này. Giả sử buộc phải huy động thêm nguồn lực quân sự của Mỹ trên thực địa ở Yemen, không có lý do gì cho thấy Mỹ có thể đóng vai trò quyết định hơn trong cuộc chiến ở Yemen cũng như trong nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của Iran.

Tuy nhiên một điều làm người ta khó hiểu là Mỹ quyết định chấm dứt hỗ trợ chiến dịch của Saudi Arabia ở Yemen, song ông chủ Nhà Trắng lại đang thuyết phục đồng minh của mình để Riyadh tiếp tục mua vũ khí do Mỹ sản xuất với những hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD. Sau khi nói về việc bán vũ khí, ông Trump lại phát đi tín hiệu rằng Mỹ có thể sớm rút khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông.

Nước Mỹ tiến thoái lưỡng nan với những đồng minh tại Trung Đông.

Thật mâu thuẫn khi ông chủ Nhà Trắng vừa muốn “moi tiền” từ túi đồng minh giàu có này, vừa không muốn giúp cho dù đã được đề nghị. Giới phân tích cho rằng bản thân ông Trump còn phải “bó tay” khi bị Quốc hội Mỹ “tuýt còi” thì liệu rằng tân Ngoại trưởng Mỹ tương lai có thể làm được gì hơn?

Ràng buộc và lợi ích

Trong khi đang phải vật lộn để tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Qatar, chính quyền Trump cũng đang cố gắng tìm cách giảm căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh của Mỹ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời đối phó tình hình ở miền Bắc Syria. Vấn đề này liên quan quan tới hành động can thiệp của Ankara ở vùng Afrin thuộc Syria nhằm tấn công các tay súng thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - một đối tác quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Washington đã nhất trí về việc buộc YPG rời khỏi thành phố Manbij, cách Afrin khoảng 100 km về phía đông, và rút qua sông Euphrates. Nhưng Washington đã phủ nhận việc có thỏa thuận này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho hay ông không biết lập trường của ông Pompeo về vấn đề này như thế nào, trong khi các cuộc đàm phán Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ vốn được lên kế hoạch tại Washington cũng đã bị hoãn sau khi ông Tillerson bị cách chức.

Theo các chuyên gia phân tích, Mỹ đang bị “mắc kẹt” giữa việc muốn bảo vệ đồng minh YPG để phục vụ cho cuộc chiến chống IS cũng như cho những nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của Iran tại Syria trong khi lại phải duy trì quan hệ ở mức “chấp nhận được” với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và không muốn gây căng thẳng với Ankara.

Chuyên gia Andrea Taylor của Trung tâm Rafik Hariri về Trung Đông, thuộc Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, nhận định: “Một liên minh Mỹ-người Kurd lâu dài đóng vai trò then chốt đối với sự ổn định ở Đông Bắc Syria và do đó nó gắn liền với những lợi ích của Mỹ”.

Không chỉ cuộc chiến ở Syria, cuộc chiến ở Iraq và những sự kiện ở trên khắp thế giới, đặc biệt có vụ bê bối về việc Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Do Thái... Tất cả những điều mà Mỹ, Saudi Arabia đã và đang cố gắng làm ở khu vực này về chính sách đối ngoại gây ảnh hưởng xem ra đã thất bại hoàn toàn.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.