Mỹ “phóng hỏa” vào lò lửa Trung Đông

Thứ Hai, 11/12/2017, 14:43
Ngày 6-12 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu chính thức nêu quan điểm về vấn đề dời đại sứ quán đến Jerusalem. Trong bài phát biểu của mình, ông Trump không chấp nhận việc trì hoãn đối với vấn đề chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, ông tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.

Và điều này đang gây ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia Arab trong khu vực Trung Đông.

Quyết định tốt nhất cho lợi ích của nước Mỹ?

Vấn đề dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem từ lâu nay luôn là đề tài quan tâm trong giới chính trị ở Washington, cũng như là một trong những “nhiệm vụ” mà chính quyền Mỹ nào cũng phải đưa vào kế hoạch hoạt động của mình. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng vậy.

Vấn đề dời đại sứ quán đã được các trợ lý an ninh quốc gia trong Nhà Trắng quan tâm thảo luận trong một cuộc họp diễn ra hôm 27-11, vài ngày trước hạn chót để Tổng thống Mỹ ra quyết định về vấn đề này (vào ngày 6-12). Nhiều thành viên dự cuộc họp mong muốn Nhà Trắng sẽ lại trì hoãn vấn đề di dời đại sứ quán, đồng thời ra tuyên bố nói rằng Tổng thống Trump vẫn giữ lời hứa với cử tri, và việc di dời đại sứ quán chỉ là vấn đề “khi nào” chứ không phải là “có hay không”.

Nhưng khi Tổng thống Trump bước vào cuộc họp, tình hình đã xoay chuyển theo chiều hướng khác. Ông đã không chấp nhận việc trì hoãn tuyên bố đối với vấn đề chuyển đại sứ quán đến Jerusalem. Và kết quả cuộc họp là đề xuất đưa ra một tuyên bố chính thức rằng “Mỹ xem Jerusalem là thủ đô của Israel”.

Ngày 6-12, tại Phòng khánh tiết ngoại giao Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã có bài phát biểu làm dậy sóng khu vực Trung Đông và thế giới. Trong bài phát biểu của mình, ông đã chính thức tuyên bố: “Hôm nay chúng tôi chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”. Ông khẳng định thêm: “Đây chỉ là một sự thừa nhận thực tế không hơn không kém. Đây cũng là điều đúng đắn phải làm”.

Hình ảnh Tổng thống Mỹ phát biểu công nhận Jerusalem là thủ đô Israel phủ sóng trên các kênh truyền hình.

Thực hiện động thái này, ông Trump đã phá bỏ truyền thống mà nhiều đời Tổng thống Mỹ trước ông đã luôn cố gắng gìn giữ, đó là không chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, không đề cập vấn đề di chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, mặc dù trên thực tế chính quyền Mỹ luôn hành động gần như xem Jerusalem là thủ đô của Israel.

Jerusalem là một địa bàn đặc biệt nhạy cảm cả về mặt chính trị lẫn tôn giáo. Ở nơi đó có thánh địa của 3 tôn giáo lớn là Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo. Đối với Do Thái giáo, theo Kinh Thánh Hebrew, Jerusalem là nơi Vua David xây dựng thủ đô của Vương quốc Israel thống nhất và vua Solomon xây đền thờ đầu tiên. Còn theo Kitô giáo, tại Jerusalem, Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá.

Trong truyền thống Hồi giáo dòng Sunni, đây là thành phố quan trọng thứ ba sau các thánh địa Mecca và Medina bởi theo kinh Koran, Jerusalem là điểm dừng chân trong hành trình Đêm kỳ bí của nhà tiên tri Mohammed. Do đó, địa danh thiêng liêng này trở thành một thánh địa chung của cả 3 tôn giáo nói trên, lưu giữ nhiều di tích tôn giáo và là điểm hành hương hằng năm. Khu vực thành cổ của Jerusalem đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1981.

Theo ước tính độc lập của Viện Nghiên cứu Jerusalem, khoảng 850.000 người sống ở Jerusalem, trong đó 37% là người Arab và 61% là người Do Thái. Phần lớn người Palestine sống ở Đông Jerusalem. Khu Núi Đền (theo cách gọi của người Do Thái) hay Haram al-Sharif (theo cách gọi của người Hồi giáo) là địa điểm cực kỳ nhạy cảm về mặt an ninh, mọi động thái nhỏ nhất tại nơi này đều có thể dễ dàng châm ngòi cho cẳng thẳng, bất ổn. Đồng thời việc cai quản Jerusalem đã là cuộc tranh chấp quyết liệt giữa người Palestine và Israel từ nhiều năm qua.

Từ cuộc chiến lập quốc Israel năm 1948, Jerusalem đã bị phân ra thành hai phần: Tây Jerusalem do Israel kiểm soát, còn Đông Jerusalem do Jordan kiểm soát. Sau cuộc chiến năm 1967, Israel đánh chiếm luôn Đông Jerusalem, nhưng cộng đồng thế giới không công nhận quyền kiểm soát của Israel, mà xem đó là vùng đất bị chiếm đóng, địa bàn đang tranh chấp.

Hiện Israel muốn thế giới công nhận Jerusalem là thủ đô của mình, trong khi người Palestine yêu cầu Đông Jerusalem phải là thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai trong giải pháp hòa bình “Hai nhà nước”. Gần 70 năm qua, Mỹ cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đặt đại sứ quán tại thủ đô lâu đời Tel Aviv thay vì chuyển đến Jerusalem theo yêu cầu của Israel.

Người Palestine mang cờ và ảnh cố tổng thống Yasser Arafat trong cuộc biểu tình phản đối Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Hàng chục năm qua, Chính phủ Mỹ luôn giữ quan điểm rằng người Israel và người Palestine nên tự mình quyết định quy chế cuối cùng cho Jerusalem. Và việc duy trì đại sứ quán tại Tel Aviv chính là để bảo đảm nước Mỹ không bị coi là đứng về phía nào trong việc xác định quy chế cuối cùng cho Jerusalem.

Trước ông Trump, 2 người tiền nhiệm là Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush đều đã có tuyên bố “sẽ chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem”, nhưng sau đó thì cả hai đều rút lại tuyên bố, bỏ ý định thực hiện việc di dời đại sứ quán vì các vị tổng thống này lo ngại phải đối mặt với những rủi ro cao về mặt chính trị.

Hồi tháng 6 vừa qua, Nhà Trắng đã ban hành quyết định khước từ một kỳ hạn nửa năm theo đó Chính phủ Mỹ phải thi hành một đạo luật ra đời từ năm 1995 bắt buộc phải di dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem hoặc nếu không thì giải thích lý do tại sao việc đó không nằm trong lợi ích an ninh quốc gia.

Trước đây, các Tổng thống Mỹ cứ 6 tháng một lần ký văn bản khước từ thi hành luật 1995, trong đó đưa ra lập luận rằng việc di dời đại sứ quán đến Jerusalem làm phát sinh những rủi ro về an ninh và có thể gây phương hại đến thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa Israel và Palestine.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Trump cho rằng, quyết định này sẽ có lợi nhất cho lợi ích của nước Mỹ, cũng như việc tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine. Theo ông, kể từ khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật Đại sứ quán Jerusalem vào năm 1995 tới nay, các chính quyền tiền nhiệm đã trì hoãn việc thực thi đạo luật này vì quan ngại sẽ gây phương hại cho nỗ lực đàm phán thỏa thuận hòa bình tại khu vực Trung Đông.

Theo giới chức Nhà Trắng, quá trình chuẩn bị và chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem có thể sẽ được hoàn tất trong vòng 3 năm.

Trước mắt, việc chuyển đại sứ quán đến Jerusalem có thể làm hỏng “hy vọng” làm trung gian thỏa thuận hòa bình mới giữa Israel và Palestine của ông Trump. Đặc biệt là trong vài tháng sau khi nhậm chức, ông Trump đã biệt phái con rể Jared Kushner đến Trung Đông nhiều chuyến để lắng nghe ý kiến của hai bên nhằm xây dựng một kế hoạch hòa giải hiệu quả, giúp Israel và Palestine đạt thỏa thuận hòa bình lâu dài.

Sự thể hiện cụ thể lập trường đứng về phía Israel của Mỹ sẽ khiến người Palestine mất tin tưởng vào Mỹ, từ đó sẽ không chấp nhận bất cứ đề nghị đàm phán nào, có nghĩa là nỗ lực trung gian hòa giải phá sản. Việc dời Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem sẽ phát đi thông điệp tiêu cực rằng ông Trump “không có thiện chí hợp tác với người Arab”. Cho nên, để giữ lời hứa với cử tri lúc tranh cử, ông Trump đã chọn giải pháp “chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô Israel”.

Canh bạc trong chính sách đối ngoại của ông Trump

Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel đã giúp Tổng thống Trump hiện thực hóa một trong những cam kết tranh cử quan trọng. Động thái này cũng nhận được sự ủng hộ khá rộng rãi của các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, bước đi này được xem là sự đảo ngược so với chính sách mà Washington thực thi nhiều thập kỷ qua đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, đồng thời có nguy cơ gây bất ổn khu vực và cản trở “giải pháp hai nhà nước” giữa Israel và Palestine.

Tình trạng của Jerusalem là trọng tâm trong các cuộc đàm phán hòa bình Palestine - Israel. Sự thay đổi trong chính sách của Mỹ mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc vì nó sẽ được coi là động thái ủng hộ chủ quyền của Israel với thành phố, điều mà cộng đồng quốc tế không công nhận

Với tuyên bố chính thức hôm 6-12, dư luận thế giới cho rằng Tổng thống Trump đã “bước chân vào nơi mà các Tổng thống Mỹ 70 năm qua chưa ai tới”. Nhưng đó sẽ là một canh bạc trong chính sách đối ngoại của ông. Thành phố thánh địa Jerusalem vốn được xem là điểm nhạy cảm nhất trong chính sách của chính quyền Trump tại Trung Đông, nay sẽ trở thành phép thử sự thành bại của ông sau quyết định liều lĩnh này.

Tuyên bố của ông được cộng đồng Do Thái ở Israel và trên thế giới đón nhận nồng nhiệt, nhưng đồng thời cũng gây nên làn sóng phản ứng giận dữ trong cộng đồng các quốc gia Arab Hồi giáo và người Hồi giáo ở khắp nơi. Lường trước những phản ứng tiêu cực sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu tất cả đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao Mỹ ở nước ngoài tăng cường an ninh.

Một khu vực thuộc Jerusalem.

Ngay trước khi ông Trump có bài phát biểu về vấn đề Jerusalem, dư luận Arab trong khu vực Trung Đông đang gia tăng áp lực đối với Washington. Nhiều lời cảnh báo về những hậu quả khủng khiếp nếu Mỹ chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, bao gồm sự bất ổn về an ninh và cả việc chấm dứt tiến trình hòa bình chung với các nước Arab.

Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi đã gọi điện cho Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson để cảnh báo việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel có thể “châm ngòi phẫn nộ lan khắp các quốc gia Arab và Hồi giáo, căng thẳng gia tăng và phá hỏng mọi nỗ lực kiến tạo hòa bình”.

Ngoại trưởng Ai Câp Sameh Shoukry cũng với Ngoại trưởng Tillerson về những tác động tiêu cực có thể xảy ra. 22 nước thành viên Liên đoàn Arab đã họp khẩn vào chiều ngày 5-12 để thảo luận biện pháp ứng phó. Nhưng ông Trump đã bất chấp tất cả để thực hiện lời hứa với các cử tri thân Do Thái lúc tranh cử.

Người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi động thái của ông Trump là “dìm khu vực Trung Đông trong đám cháy bất tận”. Đặc phái viên Palestine gọi hành động của Tổng thống Trump là “lời tuyên chiến tại Trung Đông”. Ông Saeb Erakat, nhà đàm phán kỳ cựu của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho rằng, sự thay đổi quan điểm của Mỹ về vấn đề Jerusalem cũng đồng nghĩa với việc “Mỹ tự loại mình ra khỏi bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến việc đạt được nền hòa bình lâu dài tại Trung Đông”.

Trong khi đó, Quốc vương Jordan Abdullah- một đồng minh thân cận của Mỹ - cũng cảnh báo, động thái “hết sức nguy hiểm này của Mỹ có thể “là lỗ hổng để những kẻ khủng bố khơi gợi sự thù hằn và gieo rắc ý thức phản kháng vào đầu người dân trong khu vực để phục vụ mục đích đen tối của chúng”.

Hầu hết các lãnh đạo ở Trung Đông và những nơi khác cùng lúc ra lời cảnh báo về hậu quả thảm khốc sau khi Mỹ ra quyết định này. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại nơi sinh sống của người Palestine tị nạn ở Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ càng kéo dài thêm tình trạng bất ổn. Thật thế, từ ngày 7-12, người dân Palestine ở Bờ Tây và Đông Jerusalem đã bắt đầu biểu tình bằng cách đốt cờ, ảnh và hô khẩu hiệu chống Mỹ.

Bộ Giáo dục Palestine tuyên bố nghỉ một ngày, hối thúc các giáo viên, học sinh trung học, sinh viên tham gia các cuộc tuần hành ở Bờ Tây, Dải Gaza và khu vực người Palestine sinh sống tại Jerusalem. Hàng trăm người biểu tình ở trại tị nạn Baqaa, phía bắc Amman, đổ ra đường, lên án Tổng thống Mỹ và kêu gọi Chính phủ Jordan hủy hiệp ước hòa bình năm 1994 với Israel...

An Châu - Quang Học (tổng hợp)
.
.