Mỹ sẽ nối lại các vụ thử hạt nhân

Thứ Tư, 10/06/2020, 17:05
Khi Mỹ đang xem xét nghiêm túc việc nối lại các vụ thử vũ khí hạt nhân sau gần 30 năm gián đoạn là lúc không chỉ Nga, Trung Quốc mà nhiều nước trên thế giới “đứng ngồi không yên” với mối lo Mỹ sẽ trở thành một “gương” để nhiều nước hạt nhân khác trỗi dậy.

Sẵn sàng, chỉ chờ Nhà Trắng

Hôm 22-5, một số cơ quan truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức cấp cao trong chính quyền Washington cho biết, các quan chức an ninh Mỹ đã thảo luận về khả năng nối lại những vụ thử hạt nhân trong một cuộc họp nội bộ được tổ chức hồi đầu tháng.

Quan chức Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ có thể thử vũ khí hạt nhân chỉ trong vài tháng nếu nhận được chỉ thị của Nhà Trắng.

“Nếu Tổng thổng ra lệnh thử nghiệm hệ thống vì tình hình kỹ thuật hoặc địa chính trị, tôi nghĩ nó sẽ diễn ra tương đối nhanh. Một cuộc thử nghiệm chớp nhoáng với thông số giới hạn có thể được tiến hành chỉ trong vài tháng”, quyền Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề hạt nhân Drew Walter nói trong hội thảo của Viện Nghiên cứu hàng không Mitchell tại Mỹ hôm 26-5.

Ông Walter nhấn mạnh rằng Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia (NNSA), đơn vị bảo đảm an toàn cho kho dự trữ vũ khí hạt nhân Mỹ, được yêu cầu “duy trì khả năng nối lại thử hạt nhân theo thời gian biểu cụ thể”.

Mỹ nên đóng góp nhiều hơn vào cơ chế giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân thay vì tiếp tục đi trên con đường làm xói mòn sự ổn định chiến lược toàn cầu.

Trước những đồn đoán về những động thái mới nêu trên từ Washington, phía Trung Quốc, Nga đã lên tiếng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu rõ: “Chúng tôi muốn bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những thông tin này”. Theo người phát ngôn trên, mặc dù Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), một trụ cột quan trọng làm nền tảng cho cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân quốc tế vẫn chưa phát sinh hiệu lực, song việc cấm thử hạt nhân đã trở thành một chuẩn mực quốc tế.

Ông Triệu Lập Kiên khẳng định: “Hiệp ước này có tầm quan trọng đặc biệt trong nỗ lực thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân, ngăn chặn phổ biến hạt nhân, bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới”.

“Chúng tôi muốn hối thúc Mỹ thực thi các nghĩa vụ phù hợp, tuân thủ những cam kết của họ theo CTBT và duy trì nghiêm túc các tôn chỉ và mục tiêu của Hiệp ước. Mỹ nên đóng góp nhiều hơn nữa vào cơ chế giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân thay vì tiếp tục đi trên con đường làm xói mòn sự ổn định chiến lược toàn cầu”, Người phát ngôn này nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga không loại trừ việc Mỹ dự định rút khỏi Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói: “Kế hoạch này là điều dễ hiểu. Mỹ đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại những nước khác để sau đó cáo buộc này trở thành cái cớ cho những bước đi cụ thể của chính quyền Mỹ”.

Các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ và Lầu Năm Góc coi vụ thử hạt nhân là một trong những biện pháp gây áp lực đối với Nga và Trung Quốc trong cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí. Kể từ năm 1945, ít nhất 8 quốc gia đã tiến hành khoảng 2.000 vụ thử hạt nhân, trong đó hơn 1.000 vụ do Mỹ thực hiện.

Kế hoạch đáng lo ngại

Hiện Mỹ chưa thông qua quyết định cuối cùng nhưng rõ ràng, họ sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị các chuyên gia, không chỉ ở Nga mà còn ở Mỹ, chỉ trích gay gắt.

Ông Daryl Kimball, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận về kiểm soát vũ khí - nhận định bước đi này có thể được coi như lời mời gửi tới các cường quốc hạt nhân khác để họ theo “gương” của Mỹ và ông dự đoán sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ khí chiến lược quy mô lớn chưa từng thấy.

Bom hạt nhân B61 không mang đầu đạn treo dưới tiêm kích F-15E Mỹ.

Theo chuyên gia quân sự Artem Kureyev thuộc Trung tâm phân tích Valdai, những vụ thử hạt nhân của Mỹ sẽ không chỉ làm trầm trọng thêm mối quan hệ Nga-Mỹ, mà còn bị châu Âu nhìn nhận rất tiêu cực. Ông nhận định: “Ngay cả hai đối tác trung thành nhất của Mỹ là Anh và Đức chắc cũng sẽ không ủng hộ điều này. Mặt khác, những vụ thử như vậy sẽ cho phép Nga và Trung Quốc cải thiện phần nào hình ảnh của họ trên trường quốc tế nếu hai nước này tự nguyện từ chối nối lại thử nghiệm hạt nhân”.

Nhà khoa học chính trị, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quân sự Nga Sergei Sudakov cho rằng ngày nay, không có gì ngăn cản Mỹ đơn phương rút khỏi CTBT. Ông Sudakov nhận định rằng hiện nay, Mỹ chỉ đơn giản không cần đến bất kỳ thỏa thuận và tổ chức quốc tế nào mà theo quan điểm của Washington đang ngăn cản sự phát triển của họ. Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START 3) vì không muốn gia hạn. Sau đó, họ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Nga sẽ phải chấp nhận việc Mỹ rút khỏi CTBT.

CTBT có hiệu lực từ năm 1996 và có 180 nước đã ký kết văn kiện này. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều phê chuẩn hiệp ước này, kể cả Mỹ. Do đó, trên thực tế, Washington có thể tự do hành động. Ông Kureyev cho biết “Trên thực tế, hiệp ước này đã chết yểu. Israel và Mỹ không phê chuẩn CTBT. 3 thành viên mới của câu lạc bộ hạt nhân gồm Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên không ký bất cứ điều gì. Vì vậy, đây không phải là hiệp ước mà chỉ là một cử chỉ thiện chí”.

Trong những năm gần đây, Mỹ bắt đầu tăng cường các lực lượng hạt nhân của nước này. Một trong những giai đoạn của chương trình này là triển khai đầu đạn hạt nhân công suất 5 kiloton trên tàu ngầm chiến lược Ohio. Mỹ lên kế hoạch triển khai 1 hoặc 2 tên lửa đạn đạo chiến thuật trên 14 tàu ngầm. Vũ khí mới được thiết kế để cân bằng tiềm năng với Nga mà theo Lầu Năm Góc, Nga sở hữu số lượng lớn vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ.

Theo các chuyên gia, Mỹ muốn tự thấy rằng đầu đạn cỡ nhỏ có thể mang lại hiệu quả cao hơn. Bom hạt nhân thế hệ mới B61-12 công suất nhỏ sẽ được dự trữ cả tại các căn cứ của Mỹ ở châu Âu. Sự khác biệt chính giữa B61-12 và các phiên bản trước là hệ thống dẫn đường đặc biệt, nghĩa là bom hạt nhân không có điều khiển đã biến thành loại đạn có độ chính xác cao và có thể điều khiển.

Mỹ sẽ giới thiệu với toàn thế giới phiên bản sửa đổi của bom hạt nhân với hệ thống dẫn đường. Hồi năm ngoái, Mỹ đã thử nhưng khi đó nó không mang theo đầu đạn hạt nhân.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.