Chuyến công du của Ngoại trưởng Mike Pompeo:

Mỹ theo đuổi chính sách gì ở Trung Đông?

Thứ Ba, 15/01/2019, 11:05
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có chuyến công du 8 ngày tại 9 nước Trung Đông, trong đó có các đồng minh quan trọng là Ai Cập, Israel, Iraq và Saudi Arabia. Chuyến công du diễn ra giữa lúc các chính sách của Mỹ tại khu vực nóng bỏng này đang bị phê phán là có nhiều bất cập. Vì vậy, giới quan sát đặt câu hỏi liệu Mỹ sẽ theo đuổi chính sách gì ở Trung Đông, hòa bình hay lại là bao vây Iran?

Sau khi dừng chân “đột xuất” tại Baghdad và hội đàm chớp nhoáng với các lãnh đạo Iraq hôm 10-1, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã bay sang Ai Cập để bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này, mở màn chuyến công du Trung Đông được cho là nhằm trấn an các đồng minh trước những bất cập hiện nay trong chính sách đối ngoại của Washington tại khu vực.

Ở Cairo, ông Pompeo đã có bài phát biểu tại trường Đại học Hoa Kỳ, trong đó ông đưa ra những điều mà giới phân tích gọi là “tuyên ngôn” cho chính sách sắp tới của Mỹ tại Trung Đông trái ngược hoàn toàn với chính sách của chính quyền tổng thống tiền nhiệm Obama. Trong “tuyên ngôn” của Pompeo, nước Mỹ vẫn sẽ cam kết gắn bó với các đồng minh trong khu vực nhưng lại không tham gia trực tiếp vào các điểm nóng quân sự. Đồng thời, chính sách ưu tiên của Mỹ là “kiềm chế sức mạnh của Iran”. Trong bài phát biểu, Pompeo cam kết sẽ “quét sạch binh sĩ Iran cuối cùng” ra khỏi Syria nhưng không đưa ra kế hoạch nào để thực hiện việc này và lực lượng 2.000 binh sĩ ít ỏi của Mỹ cũng sẽ rời khỏi Syria trong vài tháng tới.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hội đàm với Tổng thống Iraq Barham Saleh hôm 10-1.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh rút quân khỏi Syria kèm theo tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo rằng “hỗn loạn sẽ xảy ra sau khi Mỹ rút quân” đang khiến các nước đồng minh trong khu vực bất an. Sự bất an này không chỉ là việc làm sao để đánh thắng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq mà còn bởi việc Mỹ rút quân là nhường “sân chơi” lại cho Iran, tạo cơ hội cho Iran mở rộng ảnh hưởng trong khu vực thì lấy gì để “kiềm chế sức mạnh Iran”? Giới phê bình đánh giá đây cũng lại là sự bất nhất giữa những lời tuyên bố hùng hồn và hành động thiếu nhiệt thành của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong các chính sách đối với Trung Đông.

Trong vấn đề hòa bình giữa Israel và Palestine, một mặt Tổng thống Trump luôn tuyên bố “cam kết thúc đẩy thỏa thuận hòa bình” nhưng mặt khác lại triển khai những bước đi khiến cho hòa bình ngày càng xa vời hơn. Sau gần 2 năm theo đuổi, cho đến nay Tổng thống Trump chưa đưa ra được một kế hoạch rõ ràng cho tiến trình tái đàm phán hòa bình giữa hai bên. Tất cả những gì Tổng thống Trump có thể đưa ra là một tuyên bố rằng kế hoạch hòa bình do con rể ông - Jared Kushner - cùng 2 cựu luật sư riêng của ông soạn thảo sẽ được công bố vào cuối tháng 1-2019. Tuy kế hoạch chưa thành hình nhưng đã có dư luận không thuận lợi sau khi ông Trump và chính quyền của ông đã thể hiện trên thực tế cho thấy một chính sách thiên vị hẳn về phía Israel.

Chính khách Palestine Hanan Ashrawi phản ứng gay gắt: “Đó thật sự là một lời nói dối” khi đề cập kế hoạch của chính quyềnTổng thống Donald Trump để đạt một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine. Quả thật, đối với người Palestine, cái gọi là “kế hoạch hòa bình” của chính quyền ông Trump chẳng qua chỉ là một màn diễn phụ họa, cái chính là Nhà Trắng đang nỗ lực để đáp ứng những đòi hỏi quá đáng của Israel được thúc đẩy bởi thành phần cực hữu cứng rắn. 

Người Palestine cho rằng thực chất chẳng có thỏa thuận hòa bình nào khác ngoài việc Mỹ o ép người Palestine theo lợi ích của Israel. Việc chính quyền Mỹ cắt viện trợ nhân đạo cho Palestine, dời Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem và đóng cửa các văn phòng lãnh sự của Palestine tại Mỹ là minh chứng rõ ràng nhất cho chính sách thiên vị chưa từng có trong lịch sử đối ngoại Mỹ ở Trung Đông.

Riêng đối với vấn đề Iran, giới bình luận đánh giá ông Trump đang cố gắng “đạt mục tiêu tối đa với mức đầu tư tối thiểu”. Vì thế, nhiệm vụ của ông Pompeo trong chuyến công du Trung Đông là “giải thích và trấn an” các đồng minh rằng Mỹ vẫn cam kết đối đầu và kiềm chế sức mạnh Iran. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã lật ngược các chính sách đã được người tiền nhiệm Obama triển khai. Đó là rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Việc áp đặt lại lệnh cấm vận có vẻ như đang khiến Iran gặp một số khó khăn nhưng đối với các đồng minh thì bấy nhiêu vẫn chưa đủ để ngăn chặn Iran mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Chung quy, điều mà ông Pompeo đang cố “giải thích” với các đồng minh chính là chính sách của Tổng thống Trump đối với khu vực Trung Đông cũng nằm trong chính sách chung là “giải thoát nước Mỹ khỏi các cuộc xung đột ở nước ngoài”, cũng như rút khỏi những cam kết quốc tế mà Mỹ cho rằng không phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ và chính sách này đi theo học thuyết “Nước Mỹ trên hết” của ông.

Sự thoái thác này làm đảo lộn mọi chính sách của nước Mỹ đã có từ hơn 70 năm qua tại Trung Đông và nó đang khiến cho nước Mỹ đánh mất địa vị độc tôn trong khu vực. Thực tế, kể từ khi ông Trump triển khai chính sách thoái lui, tại khu vực Trung Đông người ta không còn nhắc nhiều đến nước Mỹ hay Tổng thống Trump trong các vấn đề nóng bỏng như Syria, Iran, Iraq mà thay vào đó là Tổng thống Vladimir Putin của nước Nga, hay Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới bình luận cho rằng Mỹ đang phát đi “thông điệp sai” cho các nước đồng minh rằng Iran và Nga đang được lợi từ chính sách thoái lui của Mỹ. Và với chính sách thoái lui, nước Mỹ cũng đang ngày càng trở thành một “cường quốc cô độc” trên trường quốc tế hơn là làm cho nước Mỹ mạnh hơn.

An Châu (tổng hợp)
.
.