Mỹ thông qua dự luật cải cách thuế

Thứ Năm, 07/12/2017, 10:06
Dự luật có tên Đạo luật Việc làm và Cắt giảm thuế vào ngày 1-12 vừa qua đã đạt được bước cải cách lịch sử: từ mức 35% sẽ giảm xuống còn 20% đối với thuế doanh nghiệp. Về thuế thu nhập cá nhân, thuế của những người có thu nhập cao nhất cũng sẽ được giảm nhẹ. Trong khi đó, lợi nhuận ở nước ngoài của các công ty có trụ sở ở Mỹ sẽ được miễn giảm.

Đây là dự luật cải cách thuế lớn nhất kể từ những năm của thập niên 80, được thông qua với tỷ lệ sít sao: 51 phiếu thuận - 49 phiếu chống. Các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ là lực lượng chống đối dự luật mạnh nhất vì họ cho rằng, dự luật cải cách thuế này chỉ đem lại lợi ích cho các công ty và tập đoàn lớn.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Nhà Trắng đã ra tuyên bố ca ngợi “đây là một bước tiến lớn nhằm hiện thực hóa cam kết cắt giảm thuế lịch sử cho người dân Mỹ”.

Thượng viện Mỹ sẽ phải hợp pháp hóa đạo luật vừa thông qua này với đạo luật được thông qua hồi tháng trước bởi Hạ viện, trước khi được tổng thống ký thông qua chính thức. Bản thân Tổng thống Trump muốn đạo luật cải cách sẽ được ban hành trước cuối năm nay và chiến thắng này được xem như một chiến thắng ý nghĩa nhất vì từ khi ông chính thức nhậm chức vào đầu năm, ông đã khá chật vật để tạo thay đổi quan trọng về mặt lập pháp trong Quốc hội, bao gồm việc thực hiện lời hứa bãi bỏ và thay thế đạo luật Obamacare trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Tổng thống Trump và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell.

Hồi tháng 9, Tổng thống Trump đã công bố đề xuất cải cách thuế quy mô nhất trong vòng 3 thập kỷ tại Mỹ. Theo đề xuất này, Mỹ sẽ hạ thuế thu nhập cá nhân cho những người thu nhập cao từ 39,6% xuống còn 35%; tăng gấp đôi mức khấu trừ thuế tiêu chuẩn; đưa ra quy định về một khoản thu nhập nhất định không phải đóng thuế cho tất cả người dân.

Đối với đề nghị của ông Trump về giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 20%, cả Thượng viện và Hạ viện đều nhất trí. Nhưng dự thảo của Thượng viện muốn giảm thuế từ năm 2019, muộn hơn 1 năm so với ý kiến của Hạ viện. Một điểm khác biệt nữa là dự thảo của Thượng viện chỉ giảm thuế thu nhập cá nhân đến năm 2026 chứ không phải vĩnh viễn.

Trước đó, Thượng viện Mỹ đề xuất xóa bỏ hoàn toàn mức chiết khấu thuế. Một thay đổi khác đó là thuế tối thiểu thay thế (AMT - alternative minimum tax) - một loại thuế thu nhập - cho cả cá nhân và công ty sẽ không được xóa bỏ hoàn toàn. Với kế hoạch cải cách này, các nghị sĩ đảng Cộng hòa muốn trong 10 năm tới nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, nợ công hiện đã lên tới 20.000 tỷ USD sẽ phải tăng thêm 1.400 tỷ USD.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện, phấn khởi đánh giá dự luật vừa được thông qua có ý nghĩa quan trọng khi việc cắt giảm thuế sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp tái đầu tư trong nước và qua đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang nắm trong tay cơ hội để biến nước Mỹ trở nên cạnh tranh hơn, giữ lại việc làm trong nước và hỗ trợ tầng lớp trung lưu”.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm khi cả hạ viện và thượng viện Mỹ thông qua dự luật cải cách thuế.

Các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, chương trình cải cách thuế của Tổng thống Trump nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách giảm chi phí từ các công ty và cá nhân. Trong số đó, các sáng kiến then chốt gồm: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, bãi bỏ thuế thừa kế bất động sản, mở rộng trợ cấp thuế cho các gia đình có trẻ em và lập biểu thuế đặc biệt cho lợi nhuận của các công ty quốc tế.

Những sáng kiến này có nguy cơ làm tăng thâm hụt ngân sách lên tới khoảng 90 tỷ USD. Trong 10 năm tới, kho bạc Mỹ có thể sẽ mất tới 3,1 nghìn tỷ USD. Các nghiên cứu còn cho thấy, đề xuất giảm thuế của ông Trump sẽ giúp ích cho nhiều người giàu ở Mỹ.

Theo báo cáo của Trung tâm Chính sách thuế thuộc Viện Brooklyn thì với chính sách thuế mới này, 1% dân số giàu nhất có thể sẽ tăng thu nhập của họ lên 8,5%, trong khi thu nhập của 95% dân số không thuộc tầng lớp giàu có sẽ chỉ tăng khoảng 0,5-1,2%.

Được lợi nhất trong chương trình cải cách thuế này có lẽ là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ, xây dựng và dịch vụ, vốn từ trước tới nay không được lợi thế theo chính sách thuế hiện tại. Thế nhưng, các doanh nghiệp công nghệ, vật tư, dược và đặc biệt là sản xuất xăng dầu nội địa lại không ủng hộ vì họ bị mất lợi thế từ chính sách mới. Họ vốn tận dụng được lỗ hổng trong chính sách thuế hiện tại để giảm trừ mức thanh toán lãi suất, chi phí thiết bị và nghiên cứu, cũng như chuyển lợi nhuận cho các thực thể ở nước ngoài, nơi có thuế suất thấp hơn.

Một trong những đối tượng phản đối kế hoạch giảm thuế mạnh mẽ nhất chính là Hiệp hội Bất động sản Mỹ. Từ khi dự luật được trình lên Hạ viện, Hiệp hội này đã chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch giảm thuế bởi lo ngại về những tác động của nó lên giá nhà đất Mỹ.

Chủ tịch Hiệp hội Elizabeth Mendenhall lý giải rằng, bản kế hoạch giảm thuế mới sẽ chỉ khiến cho giá nhà giảm trong khi phần lớn doanh nghiệp lại được lợi với khoản thuế được giảm. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm mới. Nhưng cũng có nhiều ý kiến khác lại không đồng tình với thái độ lạc quan này.

Quang Học (tổng hợp)
.
.