Mỹ tiếp tục chế tạo tên lửa hạt nhân

Thứ Hai, 18/09/2006, 10:30

Theo tin từ Mỹ, chính phủ nước này hiện đã triển khai kế hoạch “Đầu tên lửa hạt nhân đáng tin cậy”. Mục đích đảm bảo an toàn quốc gia, giảm bớt gánh nặng chi phí bảo dưỡng. Kế hoạch này chủ yếu nghiên cứu, chế tạo đầu tên lửa hạt nhân mới ổn định, an toàn và hiệu quả cao hơn.

500 triệu USD là khoản tiền “phí bảo dưỡng” mà Mỹ đầu tư vào hàng nghìn vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia vũ khí hạt nhân lo lắng, nguyên liệu hạt nhân trong đầu tên lửa do thời gian bảo quản quá dài sẽ xảy ra những biến đổi hóa học, những bộ phận khác cũng có nguy cơ lão hóa.

Số vũ khí hạt nhân Mỹ lưu giữ từ thời kỳ chiến tranh lạnh đến nay đã lên tới hàng nghìn con số. Một số đầu tên lửa hạt nhân đã có mấy chục tuổi. Nguyên tố plutonium và một số chất khác bên trong đầu tên lửa vẫn không ngừng phân giải. Nghiêm trọng hơn là các nhà khoa học chưa hiểu rõ và có biện pháp nắm vững hoàn toàn quá trình phân giải này dẫn đến tình trạng vũ khí hạt nhân mất đi khả năng chiến đấu.

Tại phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos thuộc bang New Mexico, có một nhóm chuyên phụ trách xử lý vũ khí hạt nhân mất hiệu lực. Công việc xử lý này còn được gọi là phân tích mang tính phá hoại, tức là trước tiên tháo gỡ tên lửa hạt nhân, thay một số bộ phận mới, sau đó lắp ráp lại như cũ. Hình thức này lãng phí tiền của, thời gian, sức lực. Vì vậy, Chính phủ Mỹ chuyển sang áp dụng kế hoạch “Đầu tên lửa đáng tin cậy” – một biện pháp hoàn toàn mới để bảo dưỡng, làm mới kho vũ khí hạt nhân.

Cục trưởng Cục An toàn hạt nhân quốc gia Mỹ (NNSA), ông Linton Brooks nói: “Bất cứ vũ khí nào của chúng ta, sớm hay muộn cũng phải đổi thế hệ mới hoặc cần phải tu sửa. Để đi đến quyết định thực hiện kế hoạch này, cũng mất khoảng thời gian tương đối dài”.

Ông Brooks cho biết, theo kế hoạch, nước Mỹ sẽ sản xuất một loại đầu tên lửa hạt nhân mới, bảo đảm trong tương lai có một sức mạnh hạt nhân an toàn, bảo đảm, đáng tin cậy và có hiệu quả. Khả năng sát thương của vũ khí hạt nhân thế hệ mới không thua kém vũ khí hạt nhân hiện nay. Không chỉ vậy, nó có độ bền và độ ổn định cao, bảo đảm hàng chục năm vẫn an toàn, hiệu lực.

Nhằm ngăn chặn hiện tượng do sai sót dẫn đến bị nổ hoặc rơi vào tay phần tử khủng bố, tên lửa hạt nhân thế hệ mới còn đột phá về tính năng an toàn. Cho dù loại tên lửa này rơi vào tay kẻ địch, nhưng không nắm được trình tự khởi động và thao tác sử dụng, nó cũng sẽ trở thành vật vô dụng.

Trước đó, NNSA đã yêu cầu Phòng thí nghiệm Lawrence, Livermore (gần thành phố San Francisco) và phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos triển khai công việc thiết kế đầu tên lửa thế hệ mới. Sau đó, Chính phủ Mỹ sẽ xem xét và lựa chọn phương án tối ưu nhất trong hai phương án thiết kế của hai phòng thí nghiệm nói trên. Được biết, sau khi nước Mỹ dừng sản xuất vũ khí hạt nhân vào năm 1991, hai phòng thí nghiệm trên cũng hơn 10 năm không nghiên cứu về mảng này.

Tháng 3/2006, hai phòng thí nghiệm trên đã giao nộp phương án thiết kế của mình. Nhưng theo tin tức từ Nhà Trắng, Chính phủ Mỹ sẽ đưa ra quyết định lựa chọn trước tháng 11/2006. Hiện Chính phủ Mỹ và các phòng thí nghiệm liên quan với lý do can thiệp vào an toàn quốc gia đã cự tuyệt thảo luận chi tiết về hai phương án thiết kế trên.

NNSA lên kế hoạch đến năm 2007 sẽ chế tạo được 10 quả tên lửa hạt nhân thế hệ mới. Nhưng các phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ không có năng lực sản xuất quy mô lớn. Do đó, có khả năng Mỹ sẽ xây dựng một dây chuyền sản xuất mới. Địa điểm xây dựng có thể là Nhà máy công nghiệp quân sự thuộc bang Calorado. Nhà máy này từng sản xuất thiết bị gây nổ trong đầu tên lửa hạt nhân, bị đóng cửa vào năm 1989.

Chính phủ Mỹ cho rằng, thiết kế đầu tên lửa hạt nhân thế hệ mới nhằm bảo vệ lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là trong tình hình vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên hiện vẫn chưa giải quyết ổn thỏa.

Ông Brooks trả lời phỏng vấn các hãng tin tức Mỹ rằng, kế hoạch mới nhằm đảm bảo hiện tượng lão hóa vũ khí hạt nhân sẽ không gây ra những vấn đề về an toàn vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, rất nhiều người, trong đó bao gồm các chuyên gia vũ khí hạt nhân, biểu lộ sự hoài nghi của họ về tính tất yếu khởi động lại kế hoạch sản xuất tên lửa hạt nhân của Chính phủ Mỹ. Họ cho rằng, độ an toàn của tên lửa hạt nhân vẫn rất đáng tin cậy, hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng. Họ phê bình Chính phủ Mỹ lãng phí hàng trăm triệu USD vào lĩnh vực này.

Những người phản đối còn đặt nghi vấn, trong tình hình không có cách nào tiến hành thử nghiệm hạt nhân, liệu có thể sản xuất thành công loại tên lửa hạt nhân mới có độ an toàn đáng tin cậy?

Họ cũng lo lắng, khi Chính phủ Mỹ cùng các nước đồng minh đang ra sức ngăn chặn việc phát triển vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, nhưng chính bản thân lại phát minh ra thế hệ tên lửa hạt nhân mới. Sự việc này sẽ trở thành tín hiệu sai lầm truyền đi khắp thế giới, đồng thời phát động cuộc cạnh tranh vũ khí quân sự mới

Hoàng Hạnh (Theo Tân Hoa xã)
.
.