Mỹ tiếp tục khẳng định chính sách xoay trục về châu Á

Thứ Ba, 01/11/2016, 11:30
Bất chấp việc thời gian gần đây đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Đông Nam Á là Philippines có phần ngả sang Trung Quốc, Washington vẫn kiên định chính sách xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương, vốn được hoạch định từ 5 năm trước.

“Chia tay với Mỹ”, “Mỹ có 2 năm để rút người của mình khỏi Philippines”, “Chỉ có Trung Quốc mới giúp được Philippines”... Đó là những tuyên bố gần đây nhất của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte liên quan tới quan hệ đồng minh lâu đời giữa Mỹ và Philippines.

Tuần trước, trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Duterte đã gây bất ngờ khi tuyên bố muốn chia tay với đồng minh Mỹ. Tuy nhiên sau đó ông đã phải lên tiếng giải thích rằng phát biểu đó không có nghĩa là cắt đứt hẳn quan hệ với Mỹ mà chỉ muốn tách khỏi sự phụ thuộc vào Washington.

Ngày 26-10, khi đang ở thăm Nhật Bản, Tổng thống Philippines tuyên bố muốn Mỹ rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi Philippines trong vòng 2 năm tới, đồng thời, ông cũng cho biết sẵn sàng xem xét lại hiệp ước quốc phòng với Mỹ, nếu thấy cần thiết.

Giới quan sát cho rằng, phát biểu của ông Duterte như muốn trấn an chính giới Nhật về quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh. Dưới thời Tổng thống Benigno Aquino, Nhật Bản và Philippines vẫn có quan hệ khăng khít. Tokyo đã cung cấp cho Manila các tàu tuần duyên, ủng hộ Philippines trong các tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Những tuyên bố như trên của tân Tổng thống Philippines phải chăng đang báo hiệu một sự thay đổi hoàn toàn ván bài địa chính trị ở châu Á? Đầu thế kỷ XXI được đánh dấu bằng một cuộc đọ sức của hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ nhằm kiểm soát vùng Thái Bình Dương. Qua những diễn biến gần đây trong khu vực, có thể nói lúc này “Washington chưa thua cả trận đấu nhưng họ vừa thua một hiệp đấu quan trọng” - theo Le Figaro (báo Pháp ra ngày 24-10).

Từng một thời gian dài (từ 1898 đến 1946) là thuộc địa của Mỹ rồi sau đó trở thành đồng minh của nhau trong cuộc đối đầu với Liên Xô và hiện tại là trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, cho đến giờ Philippines hầu như nằm hoàn toàn trong sự bảo hộ của Mỹ. Tổng thống George W.Bush, hồi năm 2003, từng xếp Philippines vào danh sách “các đồng minh chủ chốt ngoài NATO”.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Tokyo, ngày 26-10.

Đến năm 2012, Tổng thống Barack Obama đánh giá Philippines là trọng tâm của chính sách “xoay trục về châu Á”, một ưu tiên chiến lược của chính quyền Obama. Chiến lược xoay trục nhằm chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc này thực hiện được phải dựa vào mối quan hệ đồng minh thì mới có thể tái bố trí các lực lượng hải quân Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Le Figaro, chính giới cánh tả Philippines mà ông Duterte là lãnh đạo, từ lâu nay vẫn thù ghét Mỹ, gán cho nước Mỹ cái danh chủ nghĩa đế quốc hậu thuẫn cho chế độ gia đình trị ở Philippines.

Riêng trong quan hệ với Trung Quốc, theo Le Figaro, có hai sự việc chính khiến Tổng thống Duterte ngả nhanh về Bắc Kinh. Trung Quốc hứa đổ tiền ồ ạt đầu tư vào Philippines, chính quyền Trung Quốc khẳng định ủng hộ cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte và sẵn sàng hợp tác với Manila trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Washington công khai chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy của chính quyền Duterte là cuộc chiến đẫm máu, là vi phạm nhân quyền.

Theo tờ báo Pháp, “chỉ trích của Mỹ đã không làm suy chuyển một ly vấn đề nhà nước pháp quyền ở Philippines mà chỉ làm cho Mỹ mất đi một trong những đồng minh lâu đời nhất”. Đây có thể sẽ là một trong những bài học đạo đức đắt giá cho Mỹ. Nhất là khi vào lúc này, hoàn cảnh của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương trở lên phức tạp hơn bởi sự xuất hiện liên minh Nga - Trung, mà bằng chứng là những cuộc tập trận chung gần đây của hải quân hai nước.

Bên cạnh đó, Thái Lan cũng là một đồng minh lịch sử của Mỹ, nay cũng đang xích lại gần với Bắc Kinh. Lý do cũng bắt nguồn từ việc Washington lên án cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra ngày 22-5-2014. Sự kiện Thái Lan dự kiến đặt mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc, khiến Lầu Năm Góc hết sức thất vọng.

Từ những sự việc trên, Le Figaro kết luận: “Để trở lại cuộc chơi châu Á, đối ngoại Mỹ giờ đây phải đi kèm với ngoại giao kinh tế, dựa trên cơ sở phát triển chung và đầu tư... Người Mỹ sẽ phải bỏ đi những bài học đạo đức để tập trung vào những điều cốt lõi trong quan hệ ngoại giao: Tương quan lực lượng, lợi ích và kết quả”.

Đó là cái nhìn từ phía hai nước đồng minh của Mỹ tại châu Á. Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn nhiều đồng minh vững chắc khác ở châu lục này như Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự quay lưng (có thể) của Philippines và Thái Lan không khiến Washington vì thế mà hủy bỏ kế hoạch xoay trục về châu Á của mình.

Bằng chứng mới nhất là tuần trước, Mỹ điều một khu trục hạm di chuyển gần các đảo mà Trung Quốc cho là của họ ở Biển Ðông. Chuyến đi này được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Hạm đội 3, đặt tại San Diego. Đây là một thay đổi mới nhằm tăng cường khả năng hoạt động của hải quân Mỹ trong khu vực châu Á.

Bản tin của hãng Reuters nói rằng khu trục hạm USS Decatur hôm 21-10 đã thách đố “các khẳng định chủ quyền quá lố” của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với các quốc gia láng giềng. Ðây là lần đầu tiên hoạt động xác định quyền tự do hải hành của chiến hạm Mỹ được thực hiện mà không đặt dưới quyền chỉ huy của Hạm đội 7, đặt bộ chỉ huy ở Nhật, và cũng là một thử nghiệm nhằm cho phép hải quân Mỹ có thể cùng lúc đối phó với hai mặt trận ở châu Á.

Việc để cho Hạm đội 3 thường xuyên chỉ huy chiến hạm hoạt động ở châu Á, một điều chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến 2 tới nay, có nghĩa là hải quân Mỹ sẽ dễ dàng hơn để cùng lúc hành quân ở nhiều nơi, như ở bán đảo Triều Tiên và ở Philippines.

Trước đây, khi chiến hạm của Hạm đội 3 vượt qua lằn ranh giới phân chia khu vực hoạt động của 2 hạm đội thì sẽ chịu quyền kiểm soát của Hạm đội 7. Hạm đội 3 gồm hơn 100 chiến hạm, kể cả 4 hàng không mẫu hạm. Trong khi đó, Hạm đội 7, đặt bộ chỉ huy tại cảng Yokosuka, gần Tokyo, có 80 chiến hạm bao gồm cả chiếc hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan.

Việc tái tổ chức, cho Hạm đội 3 vai trò tiền tuyến lớn hơn, diễn ra trong khi chính sách "xoay trục" của Mỹ về châu Á đang suy yếu và trong khi Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán ở Biển Đông khiến căng thẳng gia tăng. Một quan chức Mỹ nói với Reuters hôm 24-10 rằng năm nay sẽ có thêm những tàu thuộc Hạm đội 3 được điều đến khu vực Đông Á.

Phát biểu trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng không chính thức Mỹ - Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hawaii ngày 30-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định chính quyền sắp tới của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục chính sách xoay trục sang châu Á. Trước đó một ngày, ông Carter cho biết Mỹ sẽ mang các vũ khí tối tân nhất đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương để duy trì thế thượng phong khi thấy Trung Quốc tiếp tục đe dọa sự ổn định và hòa bình ở khu vực.

Đây là giai đoạn thứ hai trong kế hoạch của quân đội Mỹ xoay trục về châu Á, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Nói chuyện với quân đội trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ở San Diego, California, ông Carter nói rằng khi “tái cân bằng” lực lượng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ biết chắc rằng lực lượng của mình “vẫn là lực lượng quân sự mạnh nhất ở khu vực và cũng là đối tác an ninh được lựa chọn”.

Lời thông báo của ông Carter hàm ý bắn tiếng cho Trung Quốc biết là họ đang làm cho các nước nhỏ ở khu vực thấy bất an khi ngang nhiên bồi đắp các bãi đá ngầm thành những căn cứ quân sự khổng lồ trên biển Trường Sa cho cả không quân và hải quân nhằm khống chế cả khu vực.

Theo nhận định của ông Carter, khu vực này là “khu vực có nhiều hệ quả nhất đối với tương lai của Mỹ”. Cho nên sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ là “sự quan trọng chiến lược căn bản đối với quốc gia chúng ta”.

Trở lại chuyến tuần tra lần đầu tiên của Hạm đội 3 tới Biển Đông, hôm 25-10, Bắc Kinh tuyên bố sẽ hành động nếu Mỹ gây tổn hại tới các quyền lợi an ninh cũng như chủ quyền của Trung Quốc. Ngoài ra, từ ngày 27-10, Hải quân Trung Quốc bất ngờ mở cuộc tập trận quân sự ngay tại nơi chiến hạm Mỹ USS Decatur tuần tra hồi tuần trước.

Thời gian qua, hải quân Mỹ đã thực hiện 4 chuyến thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, để thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Và lần nào, Trung Quốc cũng phản ứng mạnh. Bắc Kinh xem sự hiện diện của chiến hạm Mỹ trong vùng Biển Đông là một sự “xâm phạm nghiêm trọng” chủ quyền “tự vẽ ra” của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, Cara Abercrombie, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Nam và Đông Nam Á, nói rằng Washington sẽ không thay đổi việc thực hiện chiến lược “tái cân bằng”, và những cam kết của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục được triển khai.

Philippines “đi dây” trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc?

Như trên đã đề cập, khi đang thăm Nhật Bản, Tổng thống Duterte tuyên bố ông muốn binh sĩ Mỹ rời khỏi Philippines trong vòng 2 năm nữa, đồng thời cho biết ông sẵn sàng hủy bỏ những thỏa thuận để đạt được điều này. Đây là phát ngôn có thể ám chỉ đến Hiệp ước Quốc phòng ký năm 1951 giữa Washington và Manila.

Theo hãng tin Kyodo, phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 26-10, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, tháp tùng ông Duterte trong chuyến công du Nhật Bản lần này tuyên bố (kiểu nói lại cho rõ): “Không có lý do gì vào thời điểm này để chấm dứt các thỏa thuận của chúng tôi vì chúng tôi có chung các lợi ích quốc gia. Chúng tôi sẽ tiếp tục tôn trọng nghĩa vụ trong các thỏa thuận song phương”.

Cùng ngày, các nguồn tin quốc phòng Philippines cho biết, giới chức quân sự nước này và Mỹ sẽ nhóm họp vào cuối tháng 11 và quyết định tương lai các cuộc tập trận chung kéo dài nhiều thập kỷ qua. Một tướng quân đội Philippines giấu tên nói: “Cuộc gặp được cho là sẽ diễn ra vào ngày 24-10, nhưng phải chuyển sang ngày 24-11 vì quân đội Philippines muốn sự kiện này diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ”.

Cuộc gặp này là một sự kiện thường niên để vạch ra kế hoạch trước 1 năm, có thể làm rõ hơn lập trường đã bị xáo trộn của Philippines bắt nguồn từ những tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte về việc chấm dứt liên minh với Mỹ, điều trái ngược với quan điểm của một số tư lệnh quân đội ở Philippines.

Sau khi thực hiện chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc và “ghi dấu ấn” với tuyên bố Philippines sẽ “rời xa Mỹ” và khẳng định “chỉ có Trung Quốc mới có thể giúp đỡ Philippines”, tờ Finalcial Times của Anh trong bài bình luận đăng tải ngày 21-10 nêu nhận định: “Philippines đang đẩy cuộc chơi ở Biển Đông vào thế nguy hiểm với nhiều rủi ro, thách thức khi tổng thống nước này tuyên bố “xoay trục”, rời xa đồng minh thân cận Mỹ để “ngã vào vòng tay” của cường quốc láng giềng Trung Quốc. Nếu thỏa hiệp trước vị thế chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông để đổi lấy những lợi ích kinh tế thì ông Duterte có thể sẽ phải trả giá”.

Báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong ngày 26-10 dẫn nguồn từ nhật báo Thanh niên Bắc Kinh của Trung Quốc cho biết. Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) sẽ giúp chính quyền Manila xây một đảo nhân tạo dài 8km trong vịnh Davao của Philippines. Biên bản ghi nhớ giữa hai bên được ký kết trong diễn đàn thương mại Trung Quốc - Philippines tổ chức tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh vào tuần trước. Thỏa thuận cũng bao gồm việc cải tạo khoảng 208 ha đất trên vịnh Davao và sẽ do CCCC Dredging Co - công ty con của CCCC đảm trách.

Điều đáng nói, CCCC Dredging Co chính là “kỹ sư thi công những thực thể nhân tạo” xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Dù trên danh nghĩa là công ty con nhưng năng lực của CCCC Dredging Co đứng hàng đầu thế giới, báo SCMP khẳng định. Đơn vị này sở hữu hàng chục tàu nạo vét công suất lớn, trong đó có Tian Jing Hao - tàu cuốc tự hành lớn nhất châu Á.

Davao nằm trên đảo Mindanao phía nam Philippines, là thành phố quê nhà của Tổng thống Duterte, nơi ông đã từng làm thị trưởng hàng chục năm liền. Vịnh Davao nằm phía tây nam của đảo Mindanao, hướng ra biển Philippines và biển Celebes. Dự án được kỳ vọng sẽ hoàn tất trước năm 2019. Toàn bộ diện tích sẽ được sử dụng để xây dựng các tòa nhà chính phủ, cao ốc văn phòng và các trung tâm dịch vụ cảng biển.

Nếu chỉ xét về ngôn từ của Tổng thống Duterte, thì dường như khu vực Đông Nam Á đang trải qua những chuyển dịch đáng kể nhất về cán cân quyền lực kể từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt. Tuy nhiên, theo nhận xét của giới phân tích, trên thực tế, ông Duterte tìm cách “đi trên dây” giữa Mỹ và Trung Quốc, chứ không đảo lộn hoàn toàn chiến lược nền tảng của Philippines.

Q.H. (tổng hợp)

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.