Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria: Khi các lợi ích trỗi dậy

Thứ Ba, 01/01/2019, 12:39
Tình hình Trung Đông đang có sự xáo động nhẹ sau quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan của Mỹ. Các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel đang tranh thủ tiêu diệt những đối thủ của họ trước khi Mỹ định hình một kế sách mới tại Trung Đông, mở màn bằng chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Donald Trump tới Iraq.

Khi quân đội Mỹ về nhà...

Ngày 19-12, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter: "Chúng ta đã thắng tổ chức Nhà nước Hồi giáo". Rồi sau đó, trong một đoạn video, chủ nhân Nhà Trắng nói: "Chúng ta đã chiến thắng. Đã đến lúc các đội quân của chúng ta trở về nhà. Tất cả họ sẽ trở về và họ sẽ về ngay từ bây giờ". Sau tuyên bố rút hết 2.000 lính Mỹ khỏi Syria trong 60-100 ngày tới, Tổng thống Trump cho biết sẽ giảm khoảng một nửa trong số 14.000 quân Mỹ ở Afghanistan.

Cách rất xa nước Mỹ, nơi cả một nền chính trị và quân sự đang tranh cãi về các quyết định trên của Tổng thống Trump. Còn tại Syria, Israel bắt đầu mở các cuộc tấn công nhằm vào các quyền lợi của Iran hiện diện nơi đây.

Chiến đấu cơ Israel đã bay trên không phận Lebanon khu vực giáp biên giới với Syria và bắn tên lửa vào một số khu vực gần thủ đô Damascus của Syria, trúng vào một kho vũ khí và làm bị thương 3 quân nhân chính phủ. Cuộc tấn công này kéo dài chưa từng thấy, hơn 1,5 giờ. Cơ quan thông tấn nhà nước Lebanon, National News Agency, trước đó loan tin các chiến đấu cơ Israel bay ở cao độ thấp qua nhiều nơi ở vùng Nam Lebanon.

Cuộc tấn công này mặc dù khá bất ngờ nhưng không gây nhiều thiệt hại. Các cơ quan truyền thông nhà nước Syria nói rằng phần lớn các tên lửa do máy bay Israel bắn ra đều bị hệ thống phòng không của quân đội Syria bắn hạ. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng các cuộc tấn công của Israel vào khu vực Damascus là vi phạm trắng trợn chủ quyền của nước này và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Israel không phải là duy nhất có hành động tấn công có chủ đích sau khi Mỹ rút lui khỏi Syria. Ngày 21-12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hứa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục truy đuổi "hai mối đe dọa khủng bố": lực lượng dân quân Kurdistan và những thành viên thánh chiến cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu điều quân tăng viện đến phía bắc Syria, gần một khu vực do lực lượng người Kurdistan kiểm soát.

Tổng thống Donald Trump và phu nhân bất ngờ thăm Iraq ngày 26-12.

Trả lời AFP, ông Rami Abdel, Giám đốc Tổ chức Syrian Observatory for Human Rights, cho biết "khoảng 35 xe tăng và rất nhiều vũ khí hạng nặng đã vượt qua đồn biên phòng Jarablos vào đầu buổi tối và hướng về một khu vực gần sông Sajour, chảy qua Jarablos và Minbej, cách không xa chiến tuyến nơi chiến binh người Kurdistan đồn trú".

Ankara lo ngại sắc tộc Kurdistan nối kết hình thành một lãnh thổ rộng lớn sát biên giới phía nam và hậu thuẫn cho phong trào cánh tả PKK của người Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ, bị xem là khủng bố. Từ năm 2016, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hai lần tấn công lực lượng Kurdistan ở miền bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát toàn vùng Afrin sau cuộc tấn công thứ hai vào đầu năm 2018 khiến hơn 1.500 người chết.

Theo AFP, đối với Ankara, việc Hoa Kỳ rút quân là cơ may để tăng cường ảnh hưởng tại miền bắc Syria và diệt trừ lực lượng Kurdistan. Theo nhiều viên chức Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đã thuyết phục được đồng nhiệm Mỹ tin tưởng vào khả năng của Ankara.

Thế nhưng, hầu hết giới phân tích đều không chia sẻ thái độ lạc quan này. Lý do là, cho dù có được Mỹ trợ giúp trực tiếp đi nữa thì phải mất nhiều thời gian mới có thể lập được một lực lượng Arab thân Thổ Nhĩ Kỳ đủ đông, đủ mạnh để bảo vệ miền đông Syria, theo nhận định của chuyên gia Nicolas Heras, thuộc Viện Nghiên cứu New American Security. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không có khả năng viễn chinh. Còn những căn cứ cuối cùng của IS nằm trong sa mạc thuộc miền đông và miền trung Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đến 400km.

Bản thân quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, sau hai chiến dịch quy mô vào năm 2016 và 2018 chỉ quanh quẩn khu vực gần biên giới, không triệt tiêu được nhóm thánh chiến Al Qaeda có tên mới là Hayat al-Cham (HTS). Do vậy, theo chuyên gia Pháp Fabrice Balanche, khả năng cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là "ngăn chặn tổ chức IS trỗi dậy bằng biện pháp khóa biên giới và thỉnh thoảng tung quân đột kích đối phương".

Xe tăng và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực giáp biên giới Syria.

"Nước Mỹ trước tiên"?

Quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan của Tổng thống Trump đang gây nhiều tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ và các đồng minh của nước này. Không ai biết liệu ông Trump có bỏ Trung Đông thật để thực hiện lời hứa "nước Mỹ trước tiên" cho đến khi có chuyến thăm bất ngờ của ông tới Iraq. Ngày 26-12, Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania đã cắt ngắn kỳ nghỉ lễ và bất ngờ đến Iraq để thăm các quân nhân Mỹ đang đồn trú.

Ngoài lý do chính thức là nhằm thực hiện lời hứa sẽ đến một trong những vùng chiến tranh mà ông vẫn cho rằng là lỗi lầm lớn lao, tốn tiền của Chính phủ Mỹ, chuyến thăm của ông Trump tới Iraq hàm chứa một thông điệp khác. Đó là Mỹ sẽ chuyển quân từ Syria và Afghanistan qua Iraq.

Mỹ có khoảng 5.200 quân ở Iraq vốn tập trung huấn luyện và cố vấn cho quân đội Iraq để đảm bảo rằng IS không thể trỗi dậy lần nữa. Theo Reuters, phát biểu ở Iraq hôm 26-12, ông Trump cho biết chưa có ý định rút quân khỏi Iraq. Tổng thống George W. Bush 4 lần đến Iraq sau khi ra lệnh đưa quân Mỹ đến quốc gia này năm 2003. Tổng thống Barack Obama đến Iraq 1 lần.

Chuyên gia chiến lược quân sự Iraq Ahmed al-Sharifi nói rằng việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria chỉ là một động thái, sau đó họ sẽ chuyển đến căn cứ ở nước láng giềng Iraq. "Người Mỹ đã mở rộng căn cứ của họ ở Erbil. Một phần quân đội sẽ được gửi đến căn cứ Ain al-Asad giữa Baghdad và biên giới Iraq-Syria. Vì vậy, người Mỹ vẫn có thể theo kịp tình hình ở Syria. Lý do pháp lý cho hoạt động này là một thỏa thuận hợp tác giữa Baghdad và Washington.

Ngoài ra, Washington có một nhiệm vụ từ Liên Hiệp Quốc mà họ đã nhận được từ khi bắt đầu chiến dịch hoạt động chống lại IS", ông Ahmed Al-Sharifi nói. Về phần mình, thiếu tướng Iraq Abdel Karim Khalaf cho biết đến nay vẫn chưa có xác nhận chính thức nào về việc quân đội Mỹ sẽ được chuyển đến Iraq.

Ngày 26-12, hãng tin Anadolu dẫn lời Farhan Duleimi, thành viên của Hội đồng địa phương tỉnh Al-Anbar thuộc Iraq cho biết Mỹ quyết định xây dựng hai căn cứ quân sự mới ở phía tây Iraq cách biên giới Syria khoảng 100 km. Theo ông Duleymi, căn cứ thứ nhất sẽ nằm ở phía bắc làng Ar-Ruman, khu vực Kaim.

Căn cứ thứ hai ở phía đông khu vực Roux. Ông nói thêm rằng, đây là những khu vực quan trọng chiến lược mà quân đội Mỹ sẽ hỗ trợ lực lượng Iraq để đảm bảo an ninh biên giới.

M.T. (tổng hợp)
.
.