Mỹ và NATO vi phạm luật pháp quốc tế?

Thứ Tư, 18/05/2011, 15:20

Sau khi Mỹ đột kích giết chết trùm khủng bố Osama bin Laden hôm 1/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên truyền hình để hân hoan thông báo cho toàn nước Mỹ - và thế giới, biết rằng: "Công lý đã được thực thi". Cùng thời gian với vụ giết chết Osama bin Laden, con trai út của nhà lãnh đạo Libya là Saif Saif al-Arab Gaddafi và 3 đứa cháu nội ông Gaddafi cũng bị bom đạn của Mỹ và NATO giết chết khi đang vui chơi ở trong nhà của mình.

NATO gọi vụ giết người này là "nhắm vào mục tiêu chỉ huy quân đội Libya", để "bảo vệ dân thường" Libya theo quy định của Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong những vụ việc này, công lý đã "được thực thi" như thế nào?

Đối với nước Mỹ, việc tiêu diệt được "kẻ thù số 1" Osama bin Laden có thể xem như "công lý được thực thi", nếu căn cứ theo những cáo buộc mà chính quyền Mỹ áp đặt cho trùm khủng bố Al-Qaeda trong cuộc chiến "mèo vờn chuột" suốt 10 năm qua; và nếu căn cứ vào thảm họa của hàng ngàn người vô tội chết trong ngày định mệnh 11-9 ở tòa tháp đôi WTC, New York, thì những kẻ khủng bố phải "đền tội" là lẽ đương nhiên. Đối với nhân loại, chủ nghĩa khủng bố phải bị tiêu diệt.

Nhưng trên phạm vi toàn cầu, Mỹ phải tuân thủ luật pháp quốc tế và luật pháp nước sở tại khi tiến hành việc truy lùng tội phạm và "thực thi công lý" của mình. Về điều này, Mỹ đã vấp phải những phản ứng quyết liệt của gia đình Bin Laden. 10 ngày sau khi Bin Laden được cho là "đã chết", "công lý" mà Tổng thống Obama đã "hân hoan" thông báo bị chính các con trai của Bin Laden bẻ lại rằng: "Luật pháp quốc tế đã bị chà đạp" khi Mỹ giết cha họ.

Omar bin Laden, người con trai 30 tuổi của Osama hiện đang sống ở London, hôm 10/5 đã tuyên bố trên tờ Los Angeles Times rằng, mặc dù không đồng tình những việc cha mình làm, nhưng nếu Osama bin Laden thật sự bị giết như đã thông báo thì chính người Mỹ đã "vi phạm luật pháp quốc tế"? Omar dọa "sẽ kiện nước Mỹ".

Omar lập luận: chính nhóm biệt kích Mỹ cũng thừa nhận khi bị giết, Osama bin Laden không mang vũ khí. Cho dù Osama bin Laden là lãnh đạo mạng lưới khủng bố Al-Qaeda gây ra vụ khủng bố 11-9 trên đất Mỹ, tại sao người Mỹ không bắt và xét xử ông ta trước một tòa án và tuyên một mức án? Chưa hết, ngay cả người vợ trẻ của Osama bin Laden cũng bị bắn trọng thương, con trai 22 tuổi tên Khalid bị bắn chết tại chỗ còn cậu con trai 20 tuổi tên Hamza thì hiện vẫn chưa rõ tung tích. Những người này chắc chắn không liên quan gì đến vụ 11-9 để Mỹ thực thi lệnh "giết không cần hỏi".

Trong vụ phóng tên lửa giết chết con trai út ông Gaddafi, NATO tiếp tục khẳng định tên lửa của mình đánh chính xác mục tiêu "sở chỉ huy và kiểm soát" của quân đội Libya. Tuy nhiên, Chính phủ Libya đã lên tiếng tố cáo đó là hành động ám sát khi nhắm trực tiếp vào đối tượng không có vũ trang và không tham gia chiến đấu.

Báo chí dẫn lời các nhân chứng cho biết mục tiêu trúng tên lửa của NATO là dinh thự riêng của Saif al-Arab, và vào thời điểm bị tấn công, gia đình ông Gaddafi đang tụ họp để chiêu đãi khách. Phát ngôn viên Chính phủ Libya Moussa Ibrahim khẳng định hành động tấn công vào dinh thự con trai ông Gaddafi đã vi phạm luật pháp cũng như đạo đức hành xử quốc tế.

Trong vụ tấn công mới nhất nằm trong chiến dịch tăng cường tấn công vào Libya, các máy bay của liên quân NATO đã bắn tên lửa cấp tập xuống 4 thành phố quan trọng gồm thủ đô Tripoli, Mizdah, Sirte và Misurata, trong đó Tripoli bị tấn công nặng nề nhất từ trước đến nay, với nhiều mục tiêu trọng yếu của Chính phủ Libya đồng loạt bị trúng tên lửa.

Ông Gaddafi lên truyền hình tối 11/5 để bác bỏ tin đồn mình "đã chết".

Báo chí phương Tây dẫn lời nhân chứng tại chỗ cho biết, loạt tên lửa tấn công Tripoli vào lúc hơn 3 giờ sáng ngày 12/5, nhằm vào các tòa nhà trụ sở cơ quan Chính phủ Libya, là nhằm vào mục tiêu cao cấp nhất Libya: Tổng thống Gaddafi. Nhưng ông Gaddafi không có mặt tại các địa điểm bị tấn công.

Trước đó, tại châu Âu bỗng xuất hiện tin đồn nhà lãnh đạo Gaddafi có lẽ đã chết trong vụ ném bom này nhưng báo chí Libya đã "bịt" thông tin. Lý do là vì đã một tuần trôi qua mà không thấy ông Gaddafi xuất hiện trên truyền hình quốc gia, đồng thời tình báo phương Tây cũng không thấy ông dự đám tang con trai mình. Tuy nhiên, tối 11-5, ông Gaddafi đã lên truyền hình bác bỏ tin đồn nhảm này.

Việc NATO gia tăng cường độ oanh tạc các mục tiêu ở thủ đô Tripoli đang gây nên làn sóng phản đối của cộng đồng quốc tế, với việc Nga và Trung Quốc cực lực phản đối, yêu cầu NATO phải ngừng ngay các cuộc tấn công và lệnh ngừng bắn phải được thực thi. Tương tự, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 12/5 cũng kêu gọi các bên tham chiến ở Libya ngừng bắn để đàm phán tìm giải pháp cho Libya. Tuy nhiên, quân phiến loạn Libya được sự trợ giúp của bom đạn NATO tạm thời chiếm ưu thế tại thành phố Misurata đang rất "hưng phấn" nên đã bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn của ông Ban Ki-moon.

Với việc truy kích ông Gaddafi, lực lượng NATO đã vi phạm luật pháp quốc tế khi tìm cách ám sát một nguyên thủ quốc gia có chủ quyền và được dân bầu hợp pháp. Nghị quyết 1973 chỉ cho phép các nước thành viên của mình sử dụng vũ lực để thực thi "vùng cấm bay" và ngăn chặn quân đội của ông Gaddafi tấn công dân thường. Điều này có nghĩa NATO chỉ được phép tấn công các mục tiêu quân sự, các khí tài quân sự đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nhằm "bảo vệ dân thường". Nhưng trên thực tế NATO lại đang hỗ trợ mọi phương diện cho lực lượng phiến loạn có vũ trang để chống lại một Nhà nước hợp pháp.

Đây lại thêm hành vi có thể được xem là vi phạm các nguyên tắc ngoại giao và Hiến chương LHQ. Quân phiến loạn có vũ trang tham chiến chống nhà nước thì dứt khoát không thể gọi là "dân thường" được. Còn dân thường thật sự thì đang bị bom đạn, tên lửa NATO tấn công, gây thương vong, như trong các vụ tấn công ngày 12/5 và trước đó

An Châu (tổng hợp)
.
.