Mỹ và châu Âu “đình chiến” thương mại

Thứ Hai, 30/07/2018, 14:45
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu, bùng phát sau khi Washington đánh thuế vào nhôm và thép nhập khẩu từ EU, có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi người đứng đầu Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Junsker đạt được một số thỏa thuận hòa hoãn với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngày 26-7, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có cuộc hội đàm kín kéo dài 2 tiếng đồng hồ với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Nhà Trắng. Tại cuộc họp báo sau đó, hai nhà lãnh đạo tuyên bố đã đạt thỏa thuận sẽ cùng làm việc để giảm mức thuế về 0 đối với nhiều sản phẩm trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng.

Gói các biện pháp trên không được tiết lộ cụ thể là gì và báo chí tham dự cuộc họp cũng không được đặt câu hỏi. Tuy nhiên, ông Jean-Claude Juncker tỏ ra hài lòng khi tuyên bố: "Hôm nay tôi đến đây nhằm mục đích tìm được một thỏa thuận và chúng tôi đã tìm được thỏa thuận đó. Chúng tôi đã xác định được một số lĩnh vực để cùng làm việc. Chúng tôi đã đề cập đến biện pháp xóa bỏ thuế nhập khẩu đánh vào hàng công nghiệp. Mục đích chính của chuyến đi này nhằm đề nghị giảm thuế nhập khẩu đánh vào những mặt hàng ấy về 0".

Về phần mình, Tổng thống Hoa Kỳ hứa sẽ xét lại quyết định tăng thuế đánh vào nhôm thép của châu Âu, quyết định đầu tiên khai mào cuộc chiến thương mại. Thông báo nói trên của Washington và Bruxelles cho thấy quyết tâm của cả đôi bên rốt cuộc cũng muốn xích lại gần nhau, sau những căng thẳng chưa từng có từ nhiều tuần qua.

Một quyết định khác mang tính biểu tượng quan trọng không kém đó là Liên minh châu Âu thông báo sẽ nhanh chóng mua đậu nành của Mỹ. Lĩnh vực này đang bị suy yếu vì cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung. Ngoài ra, EU cũng thông báo sẽ mua thêm khí thiên nhiên hóa lỏng của Mỹ.

Thông báo của lãnh đạo Mỹ và EU là rất ngoạn mục, nhưng không liên quan đến ngành công nghiệp xe hơi. Về điểm này, viễn cảnh đôi bên đưa ra những giải pháp cụ thể còn xa vời. Sau quyết định tăng thuế thép và nhôm, nhân danh bảo vệ “an ninh quốc gia”, Washington đang chuẩn bị tấn công vào xe hơi xuất khẩu của châu Âu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker họp báo tại Vườn Hồng thông báo kết quả hội đàm.

Nếu chính quyền ông Donald Trump tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn này, đối tượng thiệt hại trước hết là Đức, nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu. Bị đẩy đến chân tường, Bruxelles buộc phải phản ứng cho dù chắc chắn sẽ bùng phát “một cuộc chiến thương mại thực sự” với đồng minh lịch sử.

Hôm 2-7, Ủy ban châu Âu chính thức công bố thông điệp được gửi đến trước đó cho Bộ Thương mại Mỹ, lên án Hoa Kỳ “vi phạm luật pháp quốc tế”. Quy mô trả đũa dự kiến lần này, với gần 300 tỉ đôla là gấp bội so với quyết định trả đũa hồi cuối tháng 6, nhắm vào 2,6 tỉ euro hàng Mỹ.

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker với Tổng thống Mỹ tại Washington ngày 25-7 chỉ đạt được thỏa thuận là trong khi hai bên tìm kiếm giải pháp thì mỗi bên sẽ không đưa ra các biện pháp trả đũa mới. Như vậy, gói trừng phạt 300 tỉ đôla của EU với hàng nhập khẩu của Mỹ có thể được tạm hoãn và đòn tấn công vào hàng xuất khẩu xe hơi của châu Âu cũng vì thế cũng tạm ngưng. Nhưng điều đó không có nghĩa là vũ khí của các bên được xóa hẳn.

Hiện tại, quan điểm của hai bên là hoàn toàn đối nghịch. Đối với Bruxelles, các nhà sản xuất xe hơi châu Âu đã đóng góp vào việc tạo nên 120.000 việc làm tại Mỹ, đặc biệt tại nhiều tiểu bang miền nam, nơi đông đảo cử tri ủng hộ ông Donald Trump. Ngược lại, Tổng thống Mỹ thẳng thừng lên án EU làm hại nước Mỹ không kém gì Trung Quốc.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ CBS News, Tổng thống Donald Trump đã không ngần ngại xếp Nga, EU và Trung Quốc vào diện “kẻ thù” của nước Mỹ. Ông nói: “Tôi nghĩ chúng ta có rất nhiều kẻ thù. Liên minh châu Âu là kẻ thù vì những gì họ làm với nước Mỹ trong thương mại. Có thể bạn không nghĩ tới điều đó nhưng họ là thù địch”.

Mặc dù vậy, giới chức châu Âu hoan nghênh kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Jean-Claude Juncker, khẳng định điều này chứng tỏ được sức mạnh của một EU đoàn kết. Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đánh giá kế hoạch của Mỹ-EU là một bước đột phá giúp tránh được nguy cơ chiến tranh thương mại và bảo vệ hàng triệu việc làm.

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Ủy ban châu Âu trước khi bước vào đàm phán kín ở Nhà Trắng ngày 25-7.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định Pháp hoan nghênh các cuộc thảo luận thương mại của EU với Washington, song không muốn bước vào các cuộc đàm phán mở rộng. Ông nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần mang lại lợi ích cho cả hai bên và Pháp đang làm rõ các biện pháp mà Mỹ và EU đã nhất trí nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại.

“Kinh tế thế giới được lợi khi các nước tìm cách giải quyết những bất đồng thương mại thông qua đàm phán”, Christine Lagarde, Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định. Từ nhiều tháng qua, bà Lagarde đã lên tiếng cảnh báo rằng chính sách bảo hộ mậu dịch sẽ khiến con tàu kinh tế thế giới bị trật đường ray.

Các doanh nghiệp châu Âu cũng hoan nghênh kế hoạch của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại, song nhấn mạnh lời nói cần đi đôi với hành động. Chủ tịch Công ty DIHK Eric Schweitzer của Đức nêu rõ các giải pháp trong cam kết đang đi đúng hướng, song sự hoài nghi về một thỏa thuận tốt vẫn còn tồn tại.

Cùng quan điểm này, người đứng đầu Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) Dieter Kempf đã ca ngợi bước đột phá trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-EU như một dấu hiệu quan trọng của việc giảm bớt căng thẳng. Ông nhấn mạnh mặc dù vòng xoáy đáp trả thuế quan thương mại xuyên Đại Tây Dương đã tạm ngừng, song cần phải có hành động theo đúng cam kết đưa ra.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời một số nhà phân tích chỉ trích sự thiếu chi tiết về thỏa thuận có thể dẫn đến “sụp đổ”. “Trong khi cả hai bên nói rằng sẽ tiến hành đàm phán về những tranh chấp thương mại nhưng lại không có thời gian biểu để kết thúc các cuộc đàm phán, có nghĩa là thỏa thuận tạm thời này có thể sẽ kéo dài mãi như là cam kết cuối cùng, hoặc cũng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nếu một bên cáo buộc bên kia vi phạm", Wall Street Journal viết.

Khó khăn của EU là 28 nước thành viên khó lòng đồng ý về một quan điểm chung đối với Mỹ, trong đó Pháp và Đức thường có những quan điểm khác nhau về thương mại.

M.T. (tổng hợp)
.
.