Mỹ và tham vọng khai thác tài nguyên thiên thạch

Thứ Hai, 07/05/2012, 10:45

Người Mỹ vừa tiến thêm một bước trong việc thực hiện tham vọng khai thác tài nguyên trên các thiên thạch trong không gian vũ trụ sau khi công bố việc thành lập Công ty khai thác tài nguyên khoáng sản thiên thạch có tên gọi là Planetary Resources Inc. (tài nguyên hành tinh). Nhiều người vẫn băn khoăn liệu rồi tham vọng khai thác thiên thạch sẽ đi đến đâu, vì chi phí khá lớn và thời gian thực hiện các dự án cũng khá dài.

Điểm đáng chú ý đầu tiên của Công ty Planetary Resources là thành phần cổ đông công ty bao gồm nhiều nhân vật giàu có và nổi tiếng trên thế giới như đạo diễn điện ảnh James Cameron, người đã xây dựng bộ phim nổi tiếng “Avatar” có cốt truyện về một công ty khai thác tài nguyên ở một hành tinh ngoài trái đất; Larry Page - Tổng giám đốc Tập đoàn Google và Chủ tịch điều hành Eric Schmidt; cựu lãnh đạo Microsoft Charles Simonyi, từng 2 lần du lịch vào không gian; Ram Shriram, một giám đốc của Google, nhà đầu tư tài chính; và Ross Perot Jr, con trai của tỉ phú Ross Perot từng ra ứng cử tổng thống Mỹ.

Ngoài ra, trong danh sách ban lãnh đạo công ty còn có 2 cựu quan chức Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và 2 nhà điều hành giải thưởng Ansari X-Prize là Peter Diamandis và Eric Anderson, trong đó cựu quan chức NASA Chris Lewicki là Chủ tịch kiêm Kỹ sư trưởng của Planetary Resources, còn Anderson là đồng Chủ tịch. Tom Jones, cựu phi công vũ trụ của NASA, đóng vai trò cố vấn cho Công ty Planetary Resources.

Về mặt lý thuyết, người ta đã bàn đến khả năng khai thác tài nguyên thiên thạch từ hàng chục năm trước. Sự ra đời của Công ty Planetary Resourcce là bước đi cụ thể hóa những ý tưởng đó. Vấn đề quan tâm trước nhất khi bàn đến việc triển khai dự án là chi phí, trình độ khoa học kỹ thuật và năng lực công nghệ của con người để thực hiện thành công một dự án khai thác thiên thạch. NASA đã đưa ra những dự báo khá bi quan, với chi phí tốn kém lên đến hàng chục tỉ USD và thời gian thực hiện có thể đến hơn một thập kỷ cho mỗi dự án.

Đạo diễn điện ảnh James Cameron - một trong những cổ đông của Công ty Planetary Resources. Ảnh: Getty Images.

Diamandis là một người rất say mê ý tưởng khai thác tài nguyên thiên thạch. Ông quả quyết rằng, việc khai thác tài nguyên thiên thạch trong một tương lai không xa sẽ tạo ra một cuộc đua giống như những cuộc đua đào vàng trước đây ở Mỹ. Các công ty công nghệ cao sẽ đua nhau phát triển những công nghệ tiên tiến nhất phục vụ cho công việc khai thác thiên thạch.

Có nhiều hình thức khai thác thiên thạch: có thể gửi người đi theo tàu vũ trụ tiếp cận thiên thạch để trực tiếp khai thác, hoặc sử dụng các rôbốt, tàu không gian tự động có khả năng trực tiếp khai thác khoáng sản hoặc kéo thiên thạch về gần trái đất. Đầu tháng 4 vừa qua, NASA và một số cơ quan vũ trụ khác đã tiến hành nghiên cứu cụ thể hơn về tính khả thi của việc "bắt" một thiên thạch và đưa nó đến vị trí gần trái đất để khai thác.

Nghiên cứu đã đưa ra một số thông tin: có thể phóng một tàu không người lái bằng tên lửa Atlas V; tàu không người lái đó vận hành bằng pin mặt trời công suất 40 KW và có thể "bắt" được một thiên thạch có đường kính 7 mét, nặng 500 tấn; một chuyến bay như thế có thể kéo dài từ 6 đến 10 năm, với chi phí lên đến 2,6 tỉ USD, chưa kể chi phí cho việc chiết xuất quặng khoáng sản từ thiên thạch. Con người có thể được đưa lên không gian thực hiện việc khai thác này từ năm 2025 trở đi.

Hiện tại, không chỉ có Công ty Planetary Resources, mà chính quyền Mỹ đã có những bước đi chắc chắn hướng đến việc khai thác thiên thạch. Vào năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng đặt mục tiêu vào năm 2025 sẽ đưa con người tiếp cận các thiên thạch, nhưng kế hoạch chi tiết thực hiện mục tiêu đó hiện vẫn chưa rõ ràng, vì thế nó vẫn chưa tạo được sự quan tâm trong dư luận chung. Mặc dù vậy, NASA hiện đang triển khai một chương trình tàu không gian không người lái có tên gọi là OSIRIS-Rex dự kiến sẽ được phóng lên không gian vào năm 2016, sau đó con tàu sẽ tiếp cận một thiên thạch, nghiên cứu nó, và mang một ít mẫu vật chất, đất đá của nó về trái đất.

Việc NASA kêu gọi các nhà thiên văn nghiệp dư khắp thế giới tham gia giúp cơ quan này tìm kiếm những thiên thạch gần trái đất có thể khai thác trong tương lai đã khích lệ một loạt doanh nhân giàu có và đam mê thiên văn, vũ trụ bỏ tiền xây dựng các dự án tư nhân. Jeff Bezos - nhà sáng lập Công ty Amazon.com Inc., Elon Musk - nhà sáng lập Công ty Tesla Motors Inc. và đồng sáng lập Hãng Microsoft Paul Allen đều đã bỏ tiền túi thực hiện các dự án xây dựng tên lửa đẩy và tàu vũ trụ để khai thác thương mại nhằm vận chuyển hàng hóa và phi hành gia vào quỹ đạo, hoặc đưa du khách lên tận rìa quỹ đạo trái đất

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.