Mỹ vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa, sẽ có một cuộc chạy đua vũ trang?

Thứ Sáu, 20/05/2016, 16:05
Với việc chính thức kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tại Romania (ngày 12/5) và tiếp tục buổi lễ động thổ một hệ thống phòng thủ tương tự tại Redzikowo, Ba Lan (ngày 13/5), Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố đưa vào hoạt động khu vực phòng thủ tên lửa đạn đạo có khả năng bắn hạ tên lửa từ các quốc gia như Iran.

Tuy nhiên, giới phân  tích cho rằng hành động mới của Mỹ càng làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ vốn đã “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” với Nga, thậm chí đẩy khả năng sớm cải thiện quan hệ giữa hai bên đến chỗ không thể?

Tranh cãi nảy lửa

Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây hết sức căng thẳng, việc giới chức Mỹ và NATO tuyên bố vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa tại căn cứ không quân ở Deveselu, miền Nam Romania và triển khai thiết lập hệ thống tương tự tại Ba Lan, bất cứ lời giải thích nào của Mỹ và NATO cho đến nay không thể trấn an các lo ngại của Nga về nguy cơ hệ thống lá chắn này.

Mỹ và NATO luôn giải thích rằng hệ thống lá chắn tên lửa đơn thuần chỉ nhằm mục đích phòng vệ, và trong mọi trường hợp, đều “không là gì” khi so với kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga.

Ông Frank Rose -  Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, phụ trách kiểm soát, cấp phép và triển khai vũ khí tại Bucharest, Romania - khẳng định: "Chúng tôi gặp những thách thức rất lớn trong việc đương đầu với Nga do Nga đã có một hệ thống tên lửa đạn đạo tiên tiến từ lâu và họ đã vận hành nó rất tốt. Trên thực tế chúng tôi không đủ khả năng để đương đầu với mối đe dọa này".

Cụ thể Đại diện Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại NATO Robert Bell khẳng định việc kích hoạt hệ thống lá chắn tên lửa tại Romania chỉ nhằm bảo vệ Mỹ và các đồng minh NATO tại châu Âu trong bối cảnh Iran đang tăng cường khả năng của tên lửa đạn đạo và quyết định của Mỹ là bước đi đón đầu để ngăn chặn mối đe dọa này chứ không phải để nhằm vào Nga. Song, một lời giải thích đơn giản như vậy có lẽ chưa đủ để làm Moscow tin tưởng.

Nga rất không hài lòng trước việc cựu thù thời Chiến tranh Lạnh triển khai các hoạt động này tại khu vực Đông Âu từng nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Nga. Moscow cho rằng liên minh do Mỹ dẫn đầu đang tìm cách cô lập và bao vây hải quân Nga ở Biển Đen, nơi NATO cũng đang cân nhắc tăng cường các cuộc tuần tra.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng chương trình tên lửa của Iran không phải là mối đe dọa đối với các nước NATO ở châu Âu và việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania chỉ là cái cớ và nguy hiểm hơn là nó vi phạm hiệp ước loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) được hai nước ký cách đây gần 30 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia Nga.

Đánh giá về khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, ông George Friedman, cựu Giám đốc Tổ chức phân tích tình báo Stratfor của Nga, cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai tại Romania không đủ sức để bảo vệ châu Âu trong trường hợp Nga tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân toàn diện. Trên thực tế, việc Mỹ lập các lá chắn tên lửa ở Đông Âu thực chất chỉ là một động thái chính trị nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với các đồng minh trong khu vực.

Thậm chí giới phân tích cho rằng mục đích thực sự của hệ thống lá chắn tên lửa này chỉ là nhằm vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga trong thời gian đủ lâu để Mỹ có thể tấn công Nga nếu chiến tranh bùng phát.

Nga cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu nhằm vào Moskva chứ không phải Iran.

Càng làm căng thẳng quan hệ

Động thái của Mỹ được cho là sẽ tiếp tục làm tồi tệ hơn nữa mối quan hệ vốn rất cẳng thẳng với Nga, bắt đầu xấu đi từ năm 2014 sau vụ việc Nga sáp nhập Crimea mà Washington gọi là “hành động xâm lược”. Moscow đã phủ nhận điều này và nói rằng đây là lựa chọn của người dân Crimea.

Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Kazakhstan Georgia William Courtney, sau sự kiện Crimea, các nước phương Tây dưới sự dẫn đầu của Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế thực sự đối với Nga và tiến hành các biện pháp nhằm làm mất uy tín của Moscow trên trường quốc tế, như việc loại Nga khỏi nhóm G-8. Trong khi quan hệ Nga-Mỹ đang không tốt, câu hỏi đặt ra ở đây vẫn là: liệu quan hệ này có được cải thiện hay không?

Donald Trump, người có khả năng giành được sự đề cử của đảng Cộng hòa, vẫn khăng khăng kêu gọi Mỹ cải thiện mối quan hệ tồi tệ với Nga và khẳng định trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại hồi tháng 4/2016 rằng ông tin tưởng vào khả năng căng thẳng lắng dịu.

Ông Courtney, người hiện là học giả cấp cao tại viện nghiên cứu RAND, nói: “Hiện khó có thể dự đoán tương lai quan hệ Nga-Mỹ. Mối quan hệ này đã trải qua nhiều diễn biến bất ngờ trong những năm gần đây, như việc sáp nhập Crimea, cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine... Tại Mỹ, một tổng thống và quốc hội mới sẽ được bầu ra vào tháng 11 tới và những việc này sẽ ảnh hưởng tới quan hệ Nga-Mỹ. Hiện vẫn chưa rõ rằng liệu Nga sẽ có động thái nào “đáp lại” việc triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ hay không.

Ông Courtney cho rằng Moscow có thể phản ứng bằng cách triển khai các lực lượng mới trong khu vực, hoặc sử dụng lực lượng của họ theo cách khác, như vậy họ sẽ tạo ra mối quan ngại lớn hơn và từ đó có thể ảnh hưởng đến quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ.

Trong khi đo Daniel Kochis - nhà nghiên cứu về an ninh quốc phòng tại tổ chức Heritage Foundation - cho rằng sự tức giận của Nga trước lá chắn tên lửa này biến thành nỗ lực thể hiện sức mạnh của họ. Theo ông Kochis, sự phản đối và đe dọa của Moskva những ngày qua nhằm cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin là một nhà lãnh đạo kiên quyết đứng lên chống lại phương Tây. Ông nhấn mạnh rằng Nga đã chi hàng tỷ USD để hiện đại hóa vũ khí hạt nhân và đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc họp về sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, khẳng định Moscow sẽ buộc phải tìm cách để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia từ việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở châu Âu.

Sergey Karakayev, Tổng chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga tuyên bố Nga sẽ phát triển dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa đời mới có khả năng khoan thủng hệ thống phòng ngự của Mỹ. Nước này đang cải tiến độ chính xác của tên lửa, nâng cấp đầu đạn mới và giúp quỹ đạo bay của tên lửa khó đánh chặn hơn.

Hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu được Mỹ đề xuất từ thời cựu Tổng thống Ronald Reagan. Thời điểm đó, mục tiêu chính của kế hoạch này là để đối phó với Liên Xô. Sau này, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, kế hoạch này bị gián đoạn một thời gian và được nối lại vào năm 2007 dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush với mục đích mới là để đối phó với tên lửa tấn công từ Iran. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt từ phía Nga và lại tiếp tục ngừng trệ.

Năm 2009, Tổng thống Obama đã tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu để bảo vệ Bắc Mỹ và châu Âu trước các quốc gia hiếu chiến như Iran và Triều Tiên. Chương trình gồm 3 giai đoạn từ năm 2011 đến 2018.  Đây là một phần trong chiến lược phòng thủ gồm cả các hệ thống đánh chặn tên lửa đã được triển khai tại California và Alaska.

Sự kiện hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu đi vào hoạt động dự báo quan hệ Nga - Mỹ bước vào một giai đoạn khó khăn mới, đối đầu trên một "mặt trận" mới. Trong khi đó, những mâu thuẫn, bất đồng về cuộc khủng hoảng Ukraine, Syria... vẫn chưa được giải quyết. Quan trọng hơn, nó khiến công cuộc kiểm soát vũ khí hạt nhân sẽ khó khăn hơn và có thể làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang trên không gian giữa các cường quốc.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.