Mỹ xúc tiến thượng đỉnh Mỹ - Nga: Thế đối đầu bất lợi

Thứ Tư, 06/06/2018, 11:13
Trong khi phía Mỹ tuyên bố giới chức Nhà Trắng đang tích cực lên kế hoạch cho một cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin thì ngược lại, ở phía bên kia, ngày 4-6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hiện nước này chưa nhận được bất kỳ thông tin gì từ Washington về việc xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo.

Những mâu thuẫn trên càng cho thấy sự cần thiết phải có một cuộc gặp để hai bên có thêm cơ hội giải tỏa bất đồng đang lên cao.

Mỹ không muốn sa lầy với Nga

Trong bối cảnh Mỹ “dính” vào hầu hết các điểm nóng trên thế giới, từ Trung Đông, tới châu Á; từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương; từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á... nếu tiếp tục đối đầu và sa lầy trong quan hệ với một cường quốc quân sự như Nga, nước Mỹ sẽ mất đi đáng kể sức mạnh của mình trong giải quyết các điểm nóng trên thế giới. Chính vì thế, hòa hoãn với Nga là giải pháp khôn ngoan.

Tờ Wall Street Journal ngày 3-6 dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết, Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman đã có mặt ở Washington để giúp thu xếp cho cuộc gặp. Thế nhưng, phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Peskov nói: “Chúng tôi cảm thấy phía Washington không đưa ra sáng kiến nào (về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga)”.

Phát biểu trên được đưa ra sau khi báo Wall Street Journal đưa tin Nhà Trắng đang bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga. Báo trên dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman đã về nước để giúp thu xếp cuộc gặp.

Việc xuất hiện cả binh lính Nga và Mỹ tại Syria khiến nguy cơ đối đầu Nga-Mỹ tại đây gia tăng. Ảnh: Sputnik International.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman cho biết, đây là một dự án đã được khởi động từ nhiều tháng trước nhằm đi đến một cuộc gặp chính thức giữa hai nhà lãnh đạo V.Putin và D.Trump để giải quyết các “nút thắt” tồn tại trong quan hệ hai nước mấy năm qua, đặc biệt từ khi Tổng thống D.Trump chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Một số nguồn thạo tin cho rằng mục đích của cuộc gặp thượng đỉnh là để giải tỏa những bất đồng tồn tại lâu nay giữa hai nước trong bối cảnh các cơ quan tình báo Mỹ đã cáo buộc rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, với mục đích giúp ông D.Trump giành chiến thắng.

Theo báo giới Mỹ, quan hệ Mỹ-Nga đã rơi vào tình trạng “Chiến tranh Lạnh”, cuộc gặp này có thể sẽ giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ song phương bí ẩn nhất thế giới giữa Mỹ và Nga. Nhìn vào thực tế, những gì báo chí viết không hề phóng đại.

Tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin trong chính quyền Mỹ cho biết trọng tâm cuộc gặp sẽ là tình hình Syria, cuộc khủng hoảng tại Ukraine và vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng có thể thảo luận cách thức giảm căng thẳng trong mối quan hệ song phương. Tờ báo tiết lộ kế hoạch tổ chức cuộc gặp này đang ở giai đoạn thảo luận đầu tiên và thời gian cũng như địa điểm cụ thể cho cuộc gặp vẫn chưa được xác định.

Tờ Wall Street Journal cũng cho rằng hiện Tổng thống D.Trump đang tập trung cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nên việc chuẩn bị cho cuộc gặp với Tổng thống Nga có thể sẽ được công bố trong thời gian sau cuộc gặp với phía Triều Tiên.

Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, cả Nga và Mỹ lại cùng xuất hiện trong thế đối đầu ở nhiều điểm nóng của thế giới mà không phải với tư thế cùng nhau hỗ trợ, kiến tạo giúp các điểm nóng này hạ nhiệt, điều này càng khiến hai nước phải “dè chừng” trong những tính toán chiến lược.

Thêm vào đó, những khúc mắc giữa Nga và Mỹ vẫn còn nguyên như một lực cản cho tiến trình bình thường hóa quan hệ. Đó là lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga; các cuộc tập trận của NATO ngay sát biên giới Nga; việc các nước trong khu vực mời Mỹ tới đặt căn cứ hay hệ thống tên lửa nhằm vào Nga; sự hiện diện có khả năng gây ra đối đầu giữa Nga và Mỹ tại Syria hay vấn đề hạt nhân Iran...

Theo phân tích của các chuyên gia, nếu hai bên không gặp nhau để tháo gỡ bế tắc, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục xấu đi, điều này gây bất lợi cho Mỹ khi nước này đang có tham vọng triển khai những chiến lược lớn về an ninh, kinh tế bao trùm phạm vi toàn cầu.

Phía Mỹ đang tích cực xúc tiến để cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ lần thứ 3 diễn ra nhằm giải quyết các bất đồng ngày càng lớn. Ảnh: Time.

Thành công của Nga khiến Mỹ lo ngại

Rất khó để hai bên tìm tiếng nói chung khi sự khác biệt về lợi ích là quá lớn. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Mỹ và phương Tây ra sức trừng phạt Nga về kinh tế vốn không phải xuất phát từ tình hình Ukraine, mà thực chất từ chiến lược Trung Đông của Nga đang đẩy Mỹ và phương Tây mất dần ảnh hưởng ở khu vực này.

Các chuyên gia chính trị Mỹ nhận định, không nơi nào mà quyền lực của Nga trỗi dậy được thể hiện rõ như ở Trung Đông, nơi Moscow rõ ràng sánh ngang, thậm chí như một số người nói là bỏ xa Washington trong những lĩnh vực liên quan đến ngoại giao, quốc phòng và năng lượng.

Một loạt sự kiện xảy ra cùng lúc một cách bất thường đã làm sống lại chính sách Trung Đông của Nga. Điều này mang lại cho Nga những thành quả ấn tượng về nhiều mặt: năng lượng, vũ khí và vị thế trên trường quốc tế. Nga đã đạt được điều này thông qua một chiến lược kết hợp các nhu cầu và những điểm yếu của Trung Đông, trong khi đồng thời được hưởng lợi từ sự suy giảm tương đối của Mỹ trong khu vực.

Chiến lược Trung Đông của Nga đã thúc đẩy một số nước tham gia, mở rộng tham vọng của họ trong việc hình dung một chiến lược chung về lâu dài. Chẳng hạn như Nga đã thiết lập đường dây liên lạc giữa các đồng minh ở Syria và Israel. Chuyến thăm của Thủ tướng Israel Netanyahu và vài ngày sau đó là Tổng thống Syria Bashar Assad hồi tháng 5 vừa qua là ví dụ điển hình cho vai trò ngoại giao của Nga. Moscow hơn bao giờ hết là một bên đáng tin cậy nhất để chuyển thông điệp cho bên kia vì họ sẵn sàng tham gia đàm phán với tất cả các bên tham gia.

Chính sách mở cửa đã giúp Nga khai thác điểm yếu của khu vực: đó là sự bất ổn và kéo theo là mất an ninh. Kim ngạch nhập khẩu vũ khí ở Trung Đông đã tăng lên một cách ngạc nhiên, tới 103% trong 5 năm trở lại đây so với giai đoạn 2008-2012. Một phần lớn số vũ khí đó đến từ Nga. Moscow đã trở thành một lựa chọn thay thế trong việc mua sắm vũ khí đối với một số quốc gia theo truyền thống vẫn thiên về mua vũ khí của phương Tây.

Lấy ví dụ về Thổ Nhĩ Kỳ, hiện Nga đã có thể xâm nhập vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ do những căng thẳng giữa Mỹ với đồng minh trong NATO này và sự miễn cưỡng đồng ý chuyển giao công nghệ. Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 trị giá nhiều tỷ USD của Nga để thay thế.

Ngoài ra, Ai Cập cũng đã đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí sau khi Mỹ ngừng viện trợ quân sự sau cuộc chính biến năm 2013 lật đổ chính phủ của phong trào Anh em Hồi giáo được bầu lên một cách dân chủ. Kể từ đó, Nga đã trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ai Cập, chủ yếu là bán máy bay chiến đấu và trực thăng.

Hơn nữa, sự can dự của Moscow vào cuộc nội chiến ở Syria và thành công của họ khi giành lại được nhiều “vùng đất có giá trị” mà không bị sa lầy như nhiều người dự đoán, đã làm tăng sức hấp dẫn của vũ khí Nga. Một kết quả hợp lý là giá trị các đơn hàng đã tăng từ 1,5 tỷ USD trong năm 2016 lên 8 tỷ USD vào năm 2017.

Con số này bao gồm máy bay, trực thăng, tên lửa và các loại súng trường nhỏ hơn. Điều thú vị trong hầu hết các trường hợp là Moscow đã tìm cách xâm nhập vào các thị trường nhập khẩu vũ khí truyền thống của các nước phương Tây như Mỹ, Pháp và Anh.

Lợi ích của sự cải thiện vị thế quốc tế của Moscow trong khu vực nhờ vai trò ngoại giao và sự hiện diện về quân sự mạnh mẽ hơn đặc biệt mang lại nhiều lợi nhuận cho ngành năng lượng. Hiện nay, các lò phản ứng đang được xây dựng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan và Iran trong khi một văn phòng khu vực đã được mở tại Dubai để tận dụng lợi thế của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia có ý định đầu tư vào điện hạt nhân.

Các phương tiện chiến đấu của Nga và Mỹ cùng xuất hiện ở Syria. Ảnh: Newscast Pratyaksha.

Hơn nữa, danh sách các thỏa thuận của các tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom và Rosneft đã tăng đều đặn. Sự can dự của Moscow có xu hướng gia tăng hơn nữa khi Iran đang bị đẩy lại gần Nga hơn do Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Trừng phạt kinh tế - vũ khí của Mỹ

Để hạn chế sức mạnh Nga, đòn duy nhất khi không làm gì được nhau trên chiến trường thì đành làm khó trên thương trường. Hơn 4 năm qua, kể từ khi Mỹ và các đồng minh bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moscow ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền Đông-Nam Ukraine và sáp nhập Bán đảo Crimea, Mỹ và các đồng minh không những gia hạn nhiều lần mà còn áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới khiến nền kinh tế Nga phải hứng chịu nhiều hậu quả tiêu cực.

Các lệnh trừng phạt đã tác động tiêu cực tới lĩnh vực tài chính và mức sống người dân. Tuy nhiên, phía Mỹ phải thừa nhận, cho dù Nga bị ảnh hưởng nhưng nước Nga vẫn vươn lên.

Theo số liệu được Cơ quan Thống kê nhà nước Rosstat của Nga công bố ngày 1-2, trong năm 2017, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 1,5% sau khi sụt giảm 2,8% trong năm 2015 và 0,2% trong năm 2016. Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng sự hồi phục của nền kinh tế Nga phần lớn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài, một trong số yếu tố chủ chốt là giá dầu mỏ thế giới tăng.

Theo đánh giá của FBK, các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến nền kinh tế Nga thiệt hại khoảng 1,2% GDP/năm và trong bối cảnh hiện nay, khi các biện pháp trừng phạt mới tiếp tục được áp đặt thì con số thiệt hại đối với nền kinh tế Nga có thể tăng lên hơn 3%/năm. Các biện pháp trừng phạt của Nga tác động tiêu cực đến lĩnh vực nhạy cảm của Nga đó là năng lượng.

Không chỉ có vậy, điều này còn tác động tới lĩnh vực quốc phòng. Nga cáo buộc các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào tổ hợp quốc phòng nước này là hành động cạnh tranh không lành mạnh nhằm “hất cẳng” Nga ra khỏi thị trường vũ khí thế giới.

Nhiều chuyên gia nhận định phương Tây đang cố tình leo thang căng thẳng với Nga nhằm lôi kéo Moscow tham gia cuộc chạy đua vũ trang như từng xảy ra trong thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Bất chấp các khiêu khích từ phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga sẽ không bị lôi cuốn vào bất cứ cuộc chạy đua vũ trang nào, song nhấn mạnh Moscow sẽ dành sự chú ý cần thiết để củng cố hơn nữa năng lực quốc phòng của Nga.

Nước Mỹ “mất” nhiều hơn “được” khi đối đầu Nga

Có thể thấy rõ, trong giai đoạn hiện nay nước Mỹ cần bình ổn và chia sẻ những gánh nặng quá lớn. Nước Mỹ cần sự phối  hợp của hai nước trong giải quyết các vấn đề từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á; từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương... Nước Mỹ cần hợp tác với một cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu như Nga để làm dịu lại các hoạt động quá nóng trên phạm vi toàn thế giới.

Cuộc gặp thượng đỉnh tới đây giữa hai nhà lãnh đạo vì vậy được đánh giá sẽ mang lại những tín hiệu tích cực cho quan hệ hai nước và sự bình ổn với thế giới. Chính tầm quan trọng của cuộc gặp này mà nó đang được gấp rút chuẩn bị với độ khả thi cao nhất. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo D.Trump - V.Putin.

Các nhà phân tích cho rằng, rất có thể sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ. Bởi, những dấu hiệu về cuộc gặp quan trọng này ngày càng rõ. Trước đó, ngày 20-3, hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ đã có cuộc điện đàm và sau đó đã giao nhiệm vụ cho ngoại trưởng hai nước thảo luận khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh.

Thậm chí Tổng thống D.Trump đã có lời mời Tổng thống V.Putin tới Washington. Tuy nhiên, những sóng gió ngoại giao vụ “đầu độc điệp viên”; việc Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria đã khiến quan hệ Mỹ-Nga tiếp tục xấu đi. Tờ Izvestia cho biết, một số nhà chính trị và ngoại giao Mỹ mới đây đã soạn một đơn kiến nghị đăng trên trang web của Nhà Trắng, kêu gọi sớm tổ chức cuộc gặp giữa tổng thống D.Trump và V.Putin.

Trong đó nói rằng, ông D.Trump cần khẩn trương mời Tổng thống Nga tiến hành một cuộc gặp. Hy vọng rằng, bằng cuộc gặp này sẽ tránh được một cuộc đụng độ bất ngờ giữa hai quốc gia có tiềm lực quân sự tương đương nhau.

Mặc dù rất hy vọng sẽ có cuộc gặp này để Nga-Mỹ có thể bàn thảo và thống nhất nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới tình hình an ninh, chính trị, kinh tế của hai nước cũng như tầm ảnh hưởng tới toàn cầu, song, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng “những đấu đá chính trị” và thái độ không thiện cảm với Nga của nhiều quan chức trong nội bộ Mỹ đã gây khó khăn cho việc thu xếp cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với Tổng thống D.Trump.

Hoa Huyền
.
.