Myanmar: Khát vọng của người dân và phép thử cho đảng cầm quyền

Thứ Tư, 11/11/2020, 14:35
Mặc dù đảng cầm quyền NLD đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11 nhưng khó khăn đối với đảng cầm quyền hiện tại không hề đơn giản như những khó khăn mà NLD từng phải vượt qua đầu nhiệm kỳ trước.

“Cơ may” cho NLD

Myanmar bắt đầu cuộc tổng tuyển cử căng thẳng với sự cạnh tranh gắt gao giữa quân đội và chính phủ. Sau cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11, sẽ chỉ có một trong 90 đảng phái được xướng tên như người chiến thắng với số phiếu bầu nhiều nhất.

Ngày 9-11, Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền tại Myanmar của bà Aung San Suu Kyi tuyên bố đảng này đã giành đủ số ghế tại quốc hội để thành lập chính phủ mới. Phát biểu với hãng tin Reuters, người phát ngôn Myo Nyunt nêu rõ, thông tin nội bộ của NLD cho thấy đảng này đã có được 322 ghế cần thiết để giành thế đa số tuyệt đối tại quốc hội. Ông Myo Nyunt nhấn mạnh: “Chúng tôi cảm ơn người dân. Vì nhân dân, vì đảng NLD, kết quả bầu cử này thật đáng khích lệ”.

Bầu cử Myanmar diễn ra lần này trong bối cảnh có các đảng và liên minh chính trị mới nổi lên. Đảng NLD của bà Suu Kyi và đối thủ chính là Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) là hai đảng chính trị lớn nhất cạnh tranh đa số ghế. Nhiều đảng và liên minh nhỏ hơn đang nổi lên và một vài trong số đó, chẳng hạn như đảng Nhân dân và Liên minh các đảng chính trị thống nhất (UPPA), có thể sẽ chia rẽ các cử tri truyền thống của NLD. Hai đảng chính trị mới là đảng Liên đoàn cải tiến và đảng Dân chủ chính trị quốc gia, đều do các cựu tướng lĩnh quân đội thành lập, khả năng sẽ làm giảm bớt số lượng người ủng hộ quân đội và củng cố nền tảng cử tri truyền thống cho USDP.

Tại các bang như Kachin, Shan, Rakhine, Mon, Chin và Karen, nhiều đảng sắc tộc thiểu số vừa tách ra để thành lập một mặt trận thống nhất. Họ muốn giành một thế đa số tại nghị viện các bang và sở hữu hầu hết các ghế quốc hội ở các bang của mình. Sự chia tách này có thể làm suy yếu vị thế của NLD, vốn đã thể hiện khá tốt hồi năm 2015 với đa số ghế của các bang sắc tộc.

Bất chấp một số cải cách chính trị và kinh tế đáng chú ý, nhiều đảng sắc tộc đã bất mãn với chính phủ NLD vì tiến trình chuyển tiếp chậm chạp từ sự cai trị của quân đội. Khi đại dịch COVID-19 hạn chế sự tự do di chuyển, các ứng cử viên sẽ buộc phải vận động thông qua mạng xã hội và truyền thông truyền thống là chủ yếu, điều này có thể mang lại lợi thế nhiều hơn cho các đảng lớn và có nguồn lực mạnh hơn. Không phải tất cả các đảng và ứng cử viên đều có đủ năng lực tài chính để vận động trên mạng.

Quân đội Myanmar thường xuyên phản đối cải cách hiến pháp vì điều đó sẽ khiến quyền lực của họ bị giảm bớt. Nếu đúng như thông báo, NLD của bà Suu Kyi giành thế đa số vào năm nay thì quân đội có thể phải hợp tác với các đồng minh của mình trong quốc hội để cản trở bất kỳ sự cải cách hiến pháp nào.

Còn nếu như các đối thủ chính trị của bà Suu Kyi- USDP và các đảng và liên minh nhỏ khác giành được một sự hiện diện lớn hơn trong quốc hội, sẽ không có một đảng riêng nào có đủ thế đa số để thúc đẩy các cải cách hiến pháp.

Hơn 37 triệu cử tri đủ điều kiện ở Myanmar tham gia tổng tuyển cử năm 2020.

Những khó khăn từ nhiều phía

Các cộng đồng thiểu số chiếm khoảng 30% dân số Myanmar. Một số nhóm vũ trang nổi lên từ thời chính quyền quân sự đã tìm cách khẳng định quyền tự trị và thành lập cả các nhóm liên bang. Nhiều cộng đồng thiểu số đã thay đổi quan điểm về NLD từ năm 2015, khi chính đảng này đưa ra các cam kết hòa bình và hướng tới hòa giải dân tộc. Tuy nhiên bà Suu Kyi chưa thể hiện thực hóa những hứa hẹn này. Từ năm 2018, các chính đảng địa phương tại các bang đã từng bước liên kết lại và tạo ra một lực lượng đáng kể trong cuộc bầu cử vừa qua.

Quân đội có quyền chỉ định tới 25% số nhà lập pháp tại lưỡng viện quốc hội. Vì lý do này, NLD cần phải giành được tối thiểu 2/3 số ghế được bầu để đảm bảo thế đa số. Bên cạnh đó, USDP, đảng đối lập lớn nhất, là một chính đảng thân quân đội và thường đứng về phía các tướng lĩnh trong quá trình bỏ phiếu phê chuẩn dự luật. Chiến thắng của NLD cách đây 5 năm được coi là chiến thắng của nhân dân vì đã đánh bại Đảng USDP.

Thế nhưng, dù NLD đã rất nỗ lực nhưng việc hướng tới giảm quyền lực của quân đội vẫn chưa thành công, gần đây nhất là vào tháng 3 năm nay. Tất cả các đại diện quân đội được chỉ định bởi người đứng đầu quân đội nói “không” với đề xuất giảm dần tỉ lệ ghế của quân đội từ 25% xuống 15% sau cuộc bầu cử năm 2020, 10% sau năm 2025 và 5% sau năm 2030.

Với Myanmar, dù hiến pháp trao quyền cho tổng thống trong nhiều vấn đề, song quốc phòng và an ninh trên thực tế lại là “sân nhà” của các lãnh đạo quân đội. Quân đội cũng có quyền chỉ định 3 thành viên nội các, cụ thể Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Biên giới.

Sửa đổi hiến pháp vẫn luôn là một mục tiêu nghị sự quan trọng của những chính đảng muốn hướng đến quá trình chuyển đổi dân chủ thực sự. Tuy nhiên, các sửa đổi chỉ có thể được thông qua với 75% số phiếu ủng hộ của các nghị sĩ và bởi vậy quân đội vô hình trung nắm trong tay quyền phủ quyết. Vấn đề này từng được NLD nêu lên tại nghị viện và tất nhiên là đã vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ thân quân đội.

Tuy nhiên, nếu NLD không đảm bảo thế đa số, dù vẫn nắm quyền bằng việc thành lập liên minh với các chính đảng nhỏ hơn, tiến trình lập pháp sẽ có những trì hoãn nhất định. Các dự án phát triển thủy điện, khai mỏ và nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi đây đều là những nội dung có tác động trực tiếp tới cộng đồng thiểu số.

Rõ ràng, với những khó khăn chồng chất, cuộc tổng tuyển cử lần này được xem là phép thử đối với năng lực lãnh đạo của đảng NLD. Trong bối cảnh hòa giải và hòa hợp dân tộc là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển của Myanmar, cuộc bầu cử này được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội củng cố lòng tin giữa các bên, thúc đẩy những nỗ lực duy trì đối thoại, hướng tới hàn gắn, hòa bình, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.