NAFTA phiên bản 2.0: Cuộc lội ngược dòng của Bắc Mỹ

Thứ Hai, 08/10/2018, 13:04
Ngay sau khi Mỹ và Canada đàm phán thành công, ngày 1-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành họp báo về việc Mỹ, Mexico và Canada đạt được Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vốn đã tồn tại 25 năm qua, coi đây là “thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

Như vậy, tên gọi mới của NAFTA phiên bản 2.0 từ nay sẽ là là Hiệp định Mỹ-Canada-Mexico (USMCA) và theo kế hoạch, lãnh đạo 3 nước Bắc Mỹ này sẽ ký thỏa thuận vào cuối tháng 11, trước khi đệ trình lên quốc hội.

5 điểm mới của thỏa thuận thương mại trị giá 1.200 tỷ USD

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh việc 3 nước Bắc Mỹ đã chính thức đạt được thỏa thuận về sửa đổi NAFTA. Như vậy, thỏa thuận NAFTA giữa Mỹ, Mexico và Canada kéo dài gần 25 năm qua với tổng giá trị trao đổi thương mại lên tới 1.200 tỷ USD được cứu vãn trước nguy cơ bị hủy bỏ. USMCA có hơn 1.100 trang tiếng Anh và các chuyên gia vẫn còn phải nghiên cứu nhiều nữa. Tuy nhiên, có thể sơ bộ nội dung thông qua 5 điểm chính trong NAFTA mới.

Thứ nhất, nông phẩm Mỹ được đảm bảo đầu ra. Đây là điểm không thể thương lượng được của Tổng thống Mỹ vì ông muốn giữ số cử tri nông dân đang bị tác động bởi cuộc chiến tranh thương mại. Canada đã phải nhân nhượng, mở thị trường sữa của nước này thông qua việc nới lỏng hệ thống kiểm tra sản xuất, hạn ngạch và mức thuế có thể lên đến 275%. Canada sẽ mua nông phẩm Mỹ nhiều hơn và mở thêm 3,4% thị trường nước này.

Thứ hai là lĩnh vực xe hơi. Thuế hải quan sẽ không được áp dụng với các loại xe được lắp ráp từ ít nhất 75% phụ tùng được sản xuất tại Bắc Mỹ (thay vì 62,5% theo NAFTA). Thêm vào đó, từ 40%-45% số phụ tùng nói trên phải do công nhân có mức lương “ít nhất là 16 USD/giờ” sản xuất.

Tổng thống Mỹ phát biểu tại cuộc họp báo về NAFTA mới hay còn gọi là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Ảnh: Vox.

Điều khoản này có lợi cho Mỹ và Canada, buộc Mexico phải tăng cường đàm phán với các nghiệp đoàn của nước này vì nhân công Mexico luôn rẻ hơn và quyền lợi của người lao động ít được bảo vệ. Canada và Mexico sẽ thoát được nguy cơ bị Mỹ đánh thêm 25% thuế trong lĩnh vực xe hơi.

Thứ ba, tòa giải quyết xung đột - được thành lập trong khuôn khổ thỏa thuận NAFTA hiện hành - sẽ tiếp tục hoạt động. Washington muốn xóa cơ chế độc lập này, trong khi đó, với Ottawa, đây là điểm không thể nhân nhượng vì đó là công cụ đáng tin cậy duy nhất để phản đối các biện pháp thuế mà Mỹ áp đặt.

Thứ tư, cứ 6 năm (thay vì 5 năm như yêu cầu của Tổng thống Trump), 3 nước sẽ họp bàn về tương lai của thỏa thuận thương mại. Thỏa thuận này sẽ mất hiệu lực sau 16 năm, nếu không được thương lượng lại hoặc không tiếp tục triển khai.

Cuối cùng, mức thuế đánh thêm nhắm vào nhôm và thép - được chính quyền Mỹ áp dụng hồi tháng 3-2018 - tiếp tục được duy trì “cho tới khi ấn định một hệ thống mới”, có thể là áp dụng hạn ngạch, theo như phát biểu ngày 1-10 của Tổng thống Mỹ.

Chiến thắng làm rung chuyển thời đại thương mại tự do toàn cầu

Đây được xem là chiến thắng lớn làm rung chuyển thời đại thương mại tự do toàn cầu, sự kiện được nhiều người ví với việc NAFTA ký kết năm 1994, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã buộc Canada và Mexico phải chấp nhận các điều khoản thương mại chặt chẽ hơn với đối tác xuất khẩu chính của mình. Mục tiêu hàng đầu của ông Trump trong việc tái đàm phán NAFTA là giảm thâm hụt thương mại, một mục tiêu mà ông cũng đang tìm cách đạt được trong quan hệ thương mại với Trung Quốc bằng việc áp các khoản thuế đánh vào số hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD nhập từ nền kinh tế khổng lồ của châu Á.

NAFTA phiên bản mới vẫn bao gồm các quy định về miễn trừ thuế, song, các nhà sản xuất ô tô trên thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc mua ô tô giá rẻ từ Mexico.

Trả lời phỏng vấn Fox News Channel, cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro cho biết, những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa hai nước trong thời gian qua vẫn là quan điểm bảo hộ của Canada đối với lĩnh vực văn hóa-giải trí cũng như việc Ottawa mong muốn duy trì cơ chế giải quyết tranh chấp trong Chương 19 hay mong muốn  nhôm, thép và ô tô xuất khẩu của Canada không nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế cao... đã được hai bên thống nhất “đầy thiện chí”. Trước đó, Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận sửa đổi NAFTA hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Trong khi đó, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 1-10, Tổng thống Trump đánh giá thỏa thuận thương mại mà Mỹ đạt được với Mexico và Canada là một chiến thắng đối với người dân Mỹ. Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ, Canada và Mexico có thể ký kết hiệp định này vào cuối tháng 11 tới đây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: rte.ie.

Theo ông, hiệp định mới sẽ giúp tạo ra hàng nghìn việc làm ở Mỹ, các nước đã nhất trí các điều khoản liên quan đến vấn đề lao động, bảo hộ sở hữu trí tuệ và môi trường. USMCA sẽ giúp đưa Bắc Mỹ thành “khu vực sản xuất mạnh mẽ”.

Thỏa thuận này sẽ giúp lấy lại uy tín, cũng như lòng tin của cử tri đối với Tổng thống Mỹ cũng như đảng Cộng hòa trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Giới chức Mỹ cũng như các tập đoàn doanh nghiệp Mỹ ca ngợi đây là một trong những thỏa thuận thương mại có khả năng thực thi cao nhất mà Mỹ từng ký kết, đồng thời cho rằng sẽ làm thay đổi cuộc sống của người dân Mỹ, làm cho nền kinh tế nước này vững mạnh hơn và tốt hơn.

Tại Canada, đồng dollar Canada (CAD) và peso của Mexico tăng giá, chứng khoán Nhật Bản lập đỉnh mới trong 27 năm qua là những phản ứng tích cực của thị trường. Trong một tuyên bố chung, Canada và Mỹ khẳng định thỏa thuận sẽ đem lại “những thị trường tự do hơn, thương mại công bằng hơn và tăng trưởng kinh tế nở rộ hơn cho khu vực”.

Tuy nhiên, báo Politico cho rằng thỏa thuận mới sẽ còn phải trải qua hàng loạt rào cản pháp lý trước khi chính thức được trình Quốc hội Mỹ bỏ phiếu xem xét, quy trình khó có thể diễn ra trước khi Quốc hội mới đi vào hoạt động trong năm 2019.

Vẫn còn kẽ hở trong NAFTA 2.0

Theo thehill.com, không giống như luật lệ quốc tế, các thỏa thuận thương mại thường có một cơ chế thực thi hiệu quả.

Khi một chính phủ tin rằng đối tác của mình không tuân thủ thỏa thuận, họ có thể gửi đơn khiếu nại tới ủy ban đặc biệt và những yêu cầu của họ sẽ được giải quyết. Thật không may, quy định thực thi của Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ban đầu không hoạt động một cách thỏa đáng. Tái đàm phán NAFTA là cơ hội để sửa chữa những vấn đề này, song các nhà đàm phán đã bỏ qua cơ hội đó, khiến Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) mới dường như không hiệu quả và tồn tại những kẽ hở cơ bản.

Ban đầu, cơ chế giải quyết tranh chấp NAFTA phát huy đủ tốt. Kể từ năm 1995 cho tới giữa năm 2000, có 18 đơn khiếu nại đã được đệ trình và các ủy ban giải quyết tranh chấp đã ra phán quyết đối với 3 khiếu nại đó. Tuy nhiên, đến cuối năm 2000, một đơn khiếu nại do phía Mexico đệ trình nhằm phản đối quy định hạn chế nhập khẩu đường của Mỹ đã bị phía Washington chặn lại. Kể từ đó, những khiếu nại trong NAFTA đã sụt giảm đáng kể.

Từ năm 2001 cho đến nay, chỉ có 4 khiếu nại xuất hiện và chẳng có khiếu nại nào được chuyển tới ủy ban giải quyết tranh chấp. Tìm ra nguyên nhân và hệ quả không phải là chuyện dễ và cũng có thể sự sụt giảm đơn khiếu nại trong nội bộ NAFTA không liên quan tới việc ngăn chặn quy trình chỉ định ủy ban khiếu nại. Có thể bản thân các chính phủ trong NAFTA đơn giản là không có nhiều lời phàn nàn về hành vi của các thành viên khác trong giai đoạn sau này.

Tuy nhiên, mối liên hệ này là rất đáng chú ý, và nếu quy trình giải quyết tranh chấp trên thực tế không hoạt động, thì rõ ràng giá trị của NAFTA đã bị suy giảm nghiêm trọng.

Quy trình để ủy ban giải quyết tranh chấp xem xét khiếu nại là rất quan trọng vì những bất đồng liên quan tới thương mại thường rất phức tạp và (hai bên) sẽ được hưởng lợi lớn từ sự phân xử trung lập. Hầu hết các tranh chấp không đơn giản chỉ là những vấn đề như liệu một chính phủ đang áp hàng rào thuế quan 10% hay 20% có phù hợp hay không.

Thay vào đó, ban trọng tài có xu hướng tìm hiểu chi tiết về các luật lệ và quy định trong nước, và việc ứng dụng các quy tắc thương mại phức tạp, hay những ngoại lệ để đưa ra quyết định liệu các biện pháp bảo hộ trong nước có tuân thủ nghĩa vụ thỏa thuận thương mại hay không.

NAFTA là một trong những thỏa thuận thương mại song phương hay khu vực đầu tiên vượt ngoài những nguyên tắc đa phương của WTO. Đó thực là một thử nghiệm theo nhiều cách, và chưa rõ có bao nhiêu quy định được thực thi trên thực tế. Các quy định giải quyết tranh chấp cũng không phải ngoại lệ. Những nhà soạn thảo quy định có thể cho rằng họ đã đảm bảo các ủy ban giải quyết tranh chấp sẽ được chỉ định khi cần thiết.

Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tích cực. Ảnh: USA Today.

Tuy nhiên, sau sự cố ủy ban giải quyết tranh chấp giữa Mỹ và Mexico nói trên bị ngăn chặn, mọi người đều nhìn ra điều ngược lại so với quy định. Tái đàm phán NAFTA là cơ hội để sửa chữa kẽ hở trong văn bản gốc của NAFTA.

Trong nhiều năm qua, nhiều thỏa thuận thương mại mới đã điều chỉnh các quy trình giải quyết tranh chấp thương mại, trong nỗ lực giải quyết triệt để vấn đề này. Thật không may, USMCA vẫn chưa có tiến triển nào trong giải quyết những vấn đề này. Dù nó đã “hiện đại hóa” các quy định theo nhiều cách, cơ chế giải quyết tranh chấp đơn giản vẫn tồn tại.

Không chỉ có thế, liên quan tới nước Mỹ, bên chủ chốt của NAFTA 2.0, nếu đảng Dân chủ thành công trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, dù chỉ là một thế đa số “mỏng manh” tại Hạ viện - như nhiều cuộc thăm dò dư luận hiện nay đang dự báo - thì những người muốn luật hóa những gì đã đạt được trong thỏa thuận mới về NAFTA chắc chắn sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức.

Rất có thể thỏa thuận 3 bên hoàn chỉnh có thể sẽ không bị Quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát phủi bỏ hoàn toàn, song cũng khó có khả năng Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada được các nhà lập pháp thông qua dễ dàng như dự tính. Với hàng loạt thủ tục pháp lý, một cuộc bỏ phiếu về hiệp định mới sẽ chưa thể diễn ra trước thời điểm Quốc hội nhiệm kỳ tiếp theo chính thức đi vào hoạt động, báo hiệu một năm 2019 nhiều gập ghềnh với nguy cơ đối đầu căng thẳng giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol.

Cái lắc đầu của dù Thượng viện hay Hạ viện cũng sẽ xóa tan hy vọng của Tổng thống Donald Trump - ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định - về điều mà ông kỳ vọng là một thành tựu lớn trong chính sách thương mại. Bầu không khí căng thẳng trước và sau quá trình xem xét của Quốc hội Mỹ sẽ khiến giới chức chính quyền Mexico và Canada cực kỳ bất an, với lo lắng rằng Tổng thống Trump sẽ xóa sổ NAFTA cũ như là một chiến thuật gây sức ép trong cuộc đối đầu với Quốc hội.

Nguy cơ này không phải là không thể xảy ra. Ngay cả khi các cuộc thảo luận 3 bên hoàn tất, người ta vẫn có thể tìm ra những lý do về cơ cấu để phản đối hiệp định cuối cùng. Một ví dụ điển hình được nhắc tới là rất có thể một thành viên Quốc hội sẽ cho rằng giới chức chính quyền không tuân thủ đúng luật về quyền đàm phán nhanh trong suốt quá trình tái đàm phán NAFTA. Quyền đàm phán nhanh cho phép một thỏa thuận mới được trình Quốc hội chỉ qua một cuộc bỏ phiếu đồng ý hoặc không, và các nhà lập pháp không thể bổ sung các sửa đổi có thể tác động tới nội dung đã được các bên đàm phán nhất trí.

Dù vậy, luật này cũng yêu cầu chính quyền của Tổng thống Trump thông báo cho giới lập pháp về tiến trình và nội dung suốt quá trình đàm phán. Một số thành viên đảng Dân chủ đã phàn nàn rằng từ khi các cuộc đàm phán bắt đầu hồi tháng 8 năm ngoái, họ gần như bị gạt ra ngoài lề các diễn biến này.

Thực tế không phải toàn bộ các thành viên đảng Dân chủ đều tính đến chuyện phản đối NAFTA, và có một số nghị sỹ ủng hộ thương mại tự do tỏ ý sẵn sàng thúc đẩy thỏa thuận này. Tuy nhiên, họ có thể vận dụng các quy định riêng và dùng ảnh hưởng từ lá phiếu của mình đối với ủng hộ thỏa thuận để buộc Nhà Trắng phải đưa ra những thay đổi theo hướng họ muốn.

Nhiều thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa đã cảnh báo chính quyền không nên mạo hiểm với cân nhắc trên. Giờ đây, để ngăn Nhà Trắng hiện thực hóa kế hoạch của mình, các nhà lập pháp cũng đã bắt đầu chuẩn bị các cơ sở để chính quyền không thể đơn phương ra quyết định rút khỏi NAFTA.

Hoa Huyền
.
.