NATO có thể bị “khai tử” dưới thời ông Donald Trump
- Trực thăng quân đội Ukraina chở huấn luyện viên NATO bị bắn rơi
- Nga hé lộ tên lửa mới khiến hệ thống phòng thủ NATO trở tay không kịp
Nước Mỹ không muốn “gánh” khoản tài chính quá nặng của mình trong NATO. Trong khi đó, châu Âu muốn có quân đội riêng để giải quyết các vấn đề châu lục. NATO có thể bị “khai tử” nếu nước Mỹ dưới thời ông Trump “dứt áo”.
Châu Âu lo ngại NATO không có trong mắt D.Trump
Với cách tiếp cận “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump, châu Âu lo ngại rằng ông Donald Trump có thể cắt giảm các cam kết của Mỹ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng Thư ký khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã cảnh cáo tổng thống đắc cử Mỹ rằng đơn độc không phải là phương án cho châu Âu và Mỹ. Sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ rõ ràng không nằm trong kịch bản đối ngoại của nhiều nước. Chính vì vậy, ngay sau khi ông Trum đắc cử, nhiều quốc gia đã phải họp khẩn để đưa ra chính sách đối với nước Mỹ.
Chưa đầy một tuần sau khi ông Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ, ngày 13-11, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tề tựu về Brussels tham gia một cuộc họp bất thường, theo đề nghị của Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini, nhằm tìm ra các biện pháp thúc đẩy "quan hệ đối tác thật sự mạnh" với chính quyền Mỹ sắp tới.
Một buổi lễ của NATO tại châu Âu. Ảnh: Al Jazeera. |
Sở dĩ có cuộc họp bất thường này là do các nhà lãnh đạo châu Âu đang cảm thấy lo ngại với đối tác mới của mình, ông Donald Trump, do vậy muốn phân tích, đánh giá những tuyên bố gây sốc trong quá trình tranh cử của vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã nêu bật bối cảnh mới trong quan hệ với nước Mỹ khi cho rằng: “Chúng ta phải giải thích cho Tổng thống Mỹ vừa đắc cử biết châu Âu là như thế nào. Cần bày tỏ lo ngại rằng, ông Trump đã đặt ra những vấn đề rất tai hại vì ông đòi xem xét lại Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, tức là mô hình phòng thủ mà châu Âu dựa vào”.
Không có tiền sẽ không có NATO?
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã chỉ rõ, ông Donald Trump từng khẳng định trong một bài diễn văn rằng, NATO quá đắt đỏ đối với Mỹ. NATO đã lỗi thời. Vai trò lãnh đạo của Mỹ càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Ông Jean-Claude Juncker đặt câu hỏi: Châu Âu sẽ phải làm gì với nước Mỹ dưới thời ông Trump? NATO sẽ hoạt động như thế nào trong một châu Âu tự lực? Ông Jean-Claude Juncker cho rằng việc ông Trump trúng cử Tổng thống Mỹ cũng được EU nhìn nhận như một cơ hội cần phải nắm bắt để phát triển quốc phòng châu Âu mang tính tự chủ hơn.
Rõ ràng việc ông Trump kêu gọi châu Âu phải chi nhiều hơn nữa cho ngân sách quốc phòng dường như là một yêu cầu khó khăn; đặc biệt trong thời điểm các quốc gia đang thắt chặt ngân sách.
Chính sách của NATO quy định rằng, quốc gia thành viên phải dành ít nhất 2% GDP cho chi phí quốc phòng. Năm 2015, chỉ có 5 nước đạt được chỉ tiêu này, bao gồm Hy Lạp, Ba Lan, Estonia, Anh và Mỹ. Năm ngoái, Mỹ trích 3,62% GDP cho ngân sách quốc phòng.
Mỹ cũng đang phải gánh khoản nợ công khổng lồ - vào khoảng 19,8 nghìn tỷ USD. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân chính, khiến tổng thống mới đắc cử, ông Donald Trump - một ông trùm kinh doanh cảm thấy đã đến lúc phải cắt giảm bớt khoản tiền dành cho NATO, đồng thời yêu cầu 27 quốc gia thành viên còn lại bỏ ra số tiền đúng theo quy định 2%.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump từng tuyên bố, khi nắm quyền, nước Mỹ sẽ chỉ giúp các quốc gia NATO “đóng góp một cách công bằng”: “Tôi muốn giữ NATO, nhưng tôi muốn họ phải bỏ tiền ra”, vị tỷ phú này từng phát biểu trong một sự kiện hồi tháng 7-2016. “Tôi không muốn bị lợi dụng... Chúng ta đang bảo vệ những quốc gia mà hầu hết mọi người trong căn phòng này chưa bao giờ nghe đến...”, ông Trump nói.
Chia sẻ điều này với nước Mỹ và ông Trump, mới đây, viết trên tờ The Observer của Anh, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo tổng thống mới đắc cử Donald Trump rằng “đi riêng một mình” không phải là một lựa chọn cho cả châu Âu lẫn Mỹ, nhưng cũng thừa nhận rằng ông Trump đã nêu ra được một điểm về việc một số thành viên của NATO cần có những đóng góp tài chính lớn hơn, khi mà Mỹ hiện chi trả gần 70% chi tiêu của NATO. Ông nói thêm rằng các nhà lãnh đạo Mỹ đã luôn công nhận rằng họ có một lợi ích chiến lược sâu sắc trong một châu Âu ổn định và an toàn.
Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh: “Trong những thời điểm bất trắc này, chúng ta cần một nền lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu cũng cần ghé vai san sẻ trách nhiệm và gánh nặng. Đi một mình không phải là một lựa chọn, cho cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ. Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất về an ninh trong một thế hệ. Đây không phải là lúc đặt câu hỏi về giá trị của quan hệ đối tác giữa châu Âu và Mỹ”.
Quân đội Mỹ tham gia các hoạt động của NATO. Ảnh: The Daily Signal. |
Theo Robert Oulds, giám đốc của tổ chức Bruges Group tại London nhận định, ông Trump “đang đưa ra một thử thách cho các quốc gia châu Âu khi kêu gọi họ chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng”. Theo những gì Donald Trump nói, nếu châu Âu không đáp ứng thử thách này, Mỹ sẽ tách ra khỏi NATO. Ông Oulds cho rằng, tổng thống đắc cử Trump sẽ không quá mạo hiểm, bởi vì ông Trump từng phản đối khá quyết liệt trước những quyết sách đối ngoại liên quan đến thay đổi chế độ, hiện đang được áp dụng tại Iraq và Libya nhưng chưa thành công.
“Hoạt động của NATO có thể sẽ rất khác biệt dưới thời của Tổng thống Trump; chúng ta có thể sẽ chứng kiến nước Mỹ với một chính sách đối ngoại mới lạ hơn”, chuyên gia Oulds nói.
Quân đội chung châu Âu thay thế NATO
Tại cuộc họp của các đại diện EU ngày 14/11, các nước châu Âu đã thảo luận về tương lai của quốc phòng châu Âu trong đó có vấn đề xây dựng nền quốc phòng chung, cùng nhau chia sẻ những phương tiện quân sự mặc dù gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của phía NATO do lo ngại sự cạnh tranh trực tiếp với khối này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, trước đây Liên minh châu Âu đã manh nha có ý định lập quân đội riêng và hiện nay, với việc tỷ phú Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, kế hoạch này chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.
"Chúng ta nợ người Mỹ rất nhiều, đặc biệt là đất nước này và thành phố này, họ đã giúp đỡ Liên minh châu Âu rất nhiều về bảo đảm an ninh, nhưng trong triển vọng dài hạn họ sẽ không còn chăm sóc cho nền an ninh châu Âu mãi mãi. Chúng ta phải tự bảo vệ mình, điều này giải thích tại sao chúng ta cần một cách thức mới để xây dựng một nền an ninh EU mà mục tiêu cuối cùng là thiết lập một lực lượng quân đội châu Âu”, ông Juncker phát biểu.
Châu Âu từng có ý tưởng về thúc đẩy tiến trình mới cho chủ đề thành lập một liên minh phòng thủ châu Âu nhằm thay thế vai trò của người Mỹ. Đội quân của Liên minh châu Âu sẽ phục vụ yêu cầu đảm bảo an ninh không chỉ bên trong mà còn bao gồm cả bên ngoài Liên minh châu Âu. Không chỉ các quan chức Liên minh châu Âu mà cả những người dân EU cũng cảm thấy nhu cầu xây dựng một đội quân chung thay thế NATO đang ngày càng trở nên cấp bách.
Tờ Strait Times của Singapore đăng tải bài viết của nhà báo châu Âu Jonathan Eyal cho rằng, người dân châu Âu cũng lo ngại khi ông Trump làm tổng thống có thể sẽ quan tâm tới Nga hơn bảo vệ các mối quan hệ truyền thống giữa Mỹ với các nước châu Âu. Mặc dù ở vị trí tổng thống, ông Trump khó có thể tháo bỏ mối quan hệ Mỹ - NATO nhưng đó sẽ là lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2, một Tổng thống Mỹ dám đề xuất quan điểm sẽ thay đổi quan hệ liên minh cốt lõi của Mỹ.
Cùng với đó, các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng sẽ xuống dốc không phanh. Trong bối cảnh châu Âu đang vật lộn để duy trì và mở rộng các mối quan hệ thương mại tự do, các tác động trên sẽ khiến thế cục châu Âu rơi vào hoàn cảnh khó có thể tưởng tượng.
Chuyên gia Oulds thì lại nhấn mạnh, nếu được thành lập, lực lượng quân đội châu Âu sẽ được triển khai ở bên ngoài châu Âu, mặc dù tương lai luôn là điều không thể đoán trước. Tuy nhiên, theo ông, điều này cho thấy EU không còn là “một dự án hòa bình khi họ bắt đầu phát triển lực lượng vũ trang”. Chuyên gia Oulds nhận định, việc thành lập một quân đội châu Âu là không thể tránh khỏi vì trong tương lai nước Mỹ sẽ khó còn quan tâm đến sự an toàn của châu Âu.
Quân đội Mỹ tham gia các hoạt động của NATO. Ảnh: The Daily Signal. |
Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Quốc tế về quốc phòng và an ninh (ICDS) cho hay kết quả của cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ đã cho thấy rõ xu thế bảo an ninh của Mỹ đối với châu Âu. Theo các nghiên cứu, nếu đắc cử, bà Hillary Clinton sẽ đẩy mạnh việc mở rộng các liên minh trong khi Donald Trump có thể làm giảm các mối quan hệ của Mỹ trong NATO.
Nếu như Hillary Clinton đại diện cho chính sách ngoại giao truyền thống, có nghĩa là nước Mỹ sẽ tham gia hoạt động trong tất cả vấn đề trên toàn cầu, thì Donald Trump đưa ra một cách tiếp cận chủ nghĩa biệt lập, có nghĩa là ông chỉ tập trung vào các vấn đề của nước Mỹ.
Nếu như bà Hillary cho rằng, NATO là một khối liên minh quân sự vững chắc, không thể tách rời và cũng không thể bị sụp đổ, tỷ phú Trump lại cho rằng NATO là một khối liên minh lỗi thời, cần có sự cải cách lớn và tốt hơn hết khối này hãy hoàn trả cho Mỹ 2% GDP của họ hàng năm.
Không dễ để NATO tan vỡ
Không hoàn toàn đồng ý với những ý kiến cho rằng NATO đứng trước khả năng tan vỡ, theo nhà phân tích chính trị Alexander Khrolenko, sẽ không có nhiều thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa NATO và Lầu Năm Góc. Trong bài báo “Lầu Năm Góc và NATO sẽ thay đổi như thế nào dưới thời tổng thống mới”, Khrolenko chỉ ra rằng hệ thống chính sách của nước Mỹ sẽ không thể thay đổi chỉ theo quyết định của một cá nhân.
Tổng thống mới của Mỹ không nhất thiết phải tuân thủ hoàn toàn theo những gì mình đã cam kết trong chiến dịch tranh cử. “Nhìn vào sự phát triển các lực lượng quân sự và sự thực thi những chiến lược phù hợp với lợi ích kinh tế quốc gia, Lầu Năm Góc và NATO sẽ vẫn là ưu tiên trong chính sách của Mỹ.
Fabian Zuleeg, Giám đốc Trung tâm Chính sách châu Âu ở Brussels, dự báo: “Chính quyền Trump sẽ gia tăng khuynh hướng biệt lập, điều sẽ làm tổn hại hơn nữa vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ”. Mỹ đã lập ra NATO để bảo vệ châu Âu thời hậu chiến trước Liên bang Xôviết và nguyên tắc phòng thủ tập thể “một vì tất cả, tất cả vì một” đã được thử thách qua thời gian.
Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã kêu gọi ông Trump duy trì các cam kết tăng cường sự hiện diện của NATO ở Đông Âu để đảm bảo các đồng minh sẽ không bị bỏ rơi. Ông Duda nói: “Chúng tôi thực sự hy vọng rằng sự lãnh đạo của các bạn sẽ mở ra các cơ hội mới cho sự hợp tác của chúng ta dựa trên các cam kết chung”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, cũng đề nghị Liên minh châu Âu có tới 22/28 nước thuộc NATO sẽ cùng Mỹ hợp tác để bảo vệ các giá trị chung. Ông nói: “Tôi không tin rằng bất kỳ quốc gia nào ngày nay có thể trở nên vĩ đại nếu biệt lập”, ám chỉ tới khẩu hiệu tranh cử của ông Trump là “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Đối với một số nhà phân tích, nhân tố gây lo sợ dường như đang bị thổi phồng, bởi chính sách đối ngoại không phải vấn đề lớn trong cuộc bầu cử, trọng tâm của ông Trump là chính sách đối nội và hiện còn quá sớm để nói về những điều ông ta sẽ làm khi chính thức nhận bàn giao trở thành tổng thống.
Ian Lesser, Giám đốc Quỹ Marshall ở Brussels, cho rằng: “Đối với ông ta, chính sách đối ngoại bắt nguồn từ an ninh nội địa và sẽ hành động từ đó”. Hành động đó sẽ đẩy Liên minh châu Âu, và đặc biệt các đồng minh NATO ở Đông Âu, đến đâu vẫn là một ẩn số lớn.
Một nhà ngoại giao EU nói: “Đây là thời điểm để nhận ra rằng những gì chúng ta đang làm là để thúc đẩy năng lực phòng thủ của riêng châu Âu. Hiện chúng ta đã có lý do chính đáng để chúng ta thực hiện điều đó”.