NATO đứng trước sự chia rẽ

Thứ Năm, 16/01/2020, 14:42
NATO có tiếp tục tồn tại trong những thập niên tới hay không phụ thuộc vào việc Mỹ và EU có còn chung “thế giới quan” rộng mở hay không.

Cần có diễn đàn chung

Rõ ràng, ai đó có thể là công dân của Mỹ hoặc EU và là công dân của một trong những nước thành viên EU nhưng không thể là công dân của NATO. Thực tế đơn giản này tượng trưng cho một sự thật căn bản về cấu trúc an ninh xuyên Đại Tây Dương vốn thường bị phớt lờ, dù vô tình hay cố ý rằng: Mỹ và EU là hai bên tham gia chính trị chính trong NATO. Họ hoạt động ở cấp chiến lược lớn; họ có khả năng đặt ra các mục tiêu và áp dụng công cụ sức mạnh trên mọi khía cạnh - chính trị, kinh tế và quân sự.

Liên minh xuyên Đại Tây Dương này có tiếp tục thành công trong những thập kỷ tới hay không phụ thuộc trước hết vào việc liệu Mỹ và EU có còn chung “thế giới quan” mở rộng hay không. Nếu hai bên không có chung một thế giới quan, NATO và EU khó có thể thực hiện tất cả 74 điểm hợp tác trong các tuyên bố chung năm 2016 và 2018. Đối thoại chiến lược giữa EU và Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với “số phận” của NATO.

Trong nhiều lĩnh vực then chốt của các chiến lược lớn, các nước thành viên EU có chung chủ quyền và chỉ có thể đưa ra các quyết định có ý nghĩa thông qua EU “siêu quốc gia”. Do có một thị trường chung, một loại tiền tệ chung (đối với phần lớn các nước thành viên) và một biên giới mở rộng, nên EU chỉ có thể đưa ra các quyết định duy nhất đối với bên thứ ba về quan hệ thương mại và đầu tư, các biện pháp trừng phạt, chế độ di cư và tình trạng mối quan hệ chính trị.

Chẳng hạn, nếu EU không bày tỏ quan điểm về Nga và Ukraine thì Mỹ sẽ rất khó sử dụng sức mạnh chính trị và kinh tế của châu Âu để hỗ trợ cho chiến lược của chính mình và sẽ gần như không thể có được một cách tiếp cận toàn diện. Mỹ vẫn có thể huy động sức mạnh quân sự của từng nước châu Âu vì trong lĩnh vực này, EU, giống như NATO, hoạt động trên cơ sở liên chính phủ. Nhưng nếu các nước châu Âu thực sự chống lại nhau, họ sẽ bị chia rẽ ở NATO giống như khi ở EU.

Mỹ và EU rất quan tâm đến việc hợp tác lâu dài và mang tính cơ cấu về chiến lược lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, không có một diễn đàn nào cho sự hợp tác Mỹ - EU. Ngoài các hội nghị thượng đỉnh của NATO và các cơ quan thường trực, như Hội đồng Bắc Đại Tây Dương mà các đại diện cấp cao của EU tham gia, Mỹ chỉ thảo luận với từng nước châu Âu. Trong các diễn đàn song phương như vậy, nhiều nước còn đề xuất với Mỹ hạn chế nhắc đến EU khi thảo luận, họ thậm chí cũng không muốn thảo luận nhiều về các vấn đề của NATO.

Việc Mỹ và EU không có khuôn khổ để đối thoại chiến lược thực sự có là một sự đe dọa đối với vận mệnh của NATO trong bối cảnh mới? Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, châu Âu không còn là đấu trường hàng đầu đối với chiến lược của Mỹ. Có thể nói, Mỹ đang tiến tới nhìn nhận về châu Âu theo cách thực dụng hơn: Washington có cơ hội tốt hơn nhiều để vươn lên đứng đầu trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh nếu có châu Âu đứng về phía mình.

Mỹ và EU cần có diễn đàn chung để thảo luận thay vì những diễn đàn song phương.

NATO là của chung

Các chiến lược của EU và Mỹ càng có điểm chung và bổ sung cho nhau thì hai bên càng có thể hành động cùng nhau. Hợp tác NATO-EU càng hiệu quả thì lợi ích mà NATO đem lại cho cả Mỹ và EU càng lớn.EU cũng đang có vai trò ngày càng tăng trong việc phát triển các năng lực quân sự. Trong nhiều lĩnh vực của chiến tranh hiện đại như do thám trên không hoặc tiếp nhiên liệu trên không, từng nước châu Âu riêng lẻ không đủ lớn để có những đóng góp đáng kể. Do đó, Cơ chế hợp tác thường xuyên của Liên minh sẽ trở thành cơ chế duy nhất để các nước thành viên EU dựa vào.

Một liên minh đã tồn tại trong 70 năm nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục tồn tại thêm một vài thập kỷ nữa thay vì đột ngột tan vỡ. Tuy nhiên, để sự tồn tại này được vững vàng, của Mỹ và EU cần phải có được niềm tin chiến lược thay vì tạo ra những nguy cơ xảy ra bất đồng chiến lược ngày càng tăng. Việc thống nhất EU với tư cách là một bên tham gia chiến lược là điều kiện tiên quyết cho một cấu trúc an ninh xuyên Đại Tây Dương hiệu quả.

Thay vì “nói chuyện” với từng nước thành viên, Mỹ cần coi EU là một chủ thể để tăng cường hợp tác và chia sẻ. Về phần mình, EU cũng cần phải tạo ra được sự thống nhất nội khối. Hiện nay vẫn chưa có gì có gì đảm bảo rằng EU sẽ đồng lòng tạo ra một chính sách đối ngoại nhanh nhạy hơn và phối hợp các nỗ lực phòng thủ của các thành viên.

Hiện nay, NATO đang gặp phải rất nhiều thách thức, Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg cho rằng liên minh quân sự này đang đối mặt môi trường “an ninh phức tạp” nhất trong lịch sử kể từ khi thành lập trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa các nước thành viên.

Phát biểu trên được đưa ra sau khi hội nghị thượng đỉnh NATO ở Anh đã cho thấy sự bất đồng lớn giữa lãnh đạo các nước thành viên.  “Chúng tôi vừa kỷ niệm 70 năm ngày thành lập NATO ở London. Trong toàn bộ thời gian này, NATO chưa bao giờ trải qua một môi trường an ninh phức tạp hơn hiện nay. Để đảm bảo an ninh của mình, chúng ta cần phải linh hoạt và sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa đến từ mọi hướng - từ đất liền, trên biển, trên không, trong không gian vũ trụ và trên mạng - cũng như từ các nhân tố nhà nước và phi nhà nước”, ông Stoltenberg nói.

Bên cạnh đó, ông còn nhấn mạnh: “Chúng ta phải tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố. NATO đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến này, phối hợp với các nước đối tác trên thế giới để huấn luyện các lực lượng sở tại. Tất cả các đồng minh của NATO cũng như bản thân NATO là một phần của liên quân toàn cầu do Mỹ đứng đầu chống lại Daesh (cách gọi khác của nhóm thánh chiến khủng bố Nhà nước Hồi giáo - IS)”.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.