NATO lại thách thức Nga?

Thứ Tư, 06/07/2016, 16:45
Kế hoạch tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động về phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) được coi là một trong những chủ đề thảo luận chính tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong hai ngày 8 và 9/7 tại Warsaw (Ba Lan), một sự kiện được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tương lai của NATO.

Song, đối với Moscow, hành động “bành trướng” về phía đông của tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh này sẽ đe dọa an ninh và càng làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ vốn đang trong thời kỳ “sóng gió” với Nga. Moscow thậm chí tuyên bố sẽ tăng cường khả năng quân sự và có những hành động đáp trả thích đáng để đảm bảo an ninh quốc gia.

Kế hoạch Đông tiến của NATO

NATO mở rộng về phía đông là một phần không thể thiếu trong việc chuyển đổi mô hình chiến lược NATO và chiến lược toàn cầu của Mỹ kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay. Kế hoạch đông tiến vì thế luôn được NATO coi là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển tương lai của khối này. Có lẽ Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 8 và 9/7 tại Ba Lan chính là nơi để NATO khẳng định sự cần thiết tiếp tục duy trì chính sách mở rộng của khối.

Giới phân tích cho rằng nếu chấm dứt chính sách này, chẳng khác nào NATO tỏ ra yếu thế trong quan hệ với Nga cũng như hạ thấp uy tín của liên minh được xây dựng bấy lâu nay và làm suy yếu các lực lượng chính trị thân phương Tây tại các quốc gia đang có nguyện vọng gia nhập liên minh. Vì vậy NATO sẽ phải quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách mở rộng khối tại hội nghị lần này.

Thứ nhất, NATO phải ưu tiên thúc đẩy tiến trình gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan. Thứ hai, khẳng định trọng tâm và khả năng của liên minh trong việc triển khai đàm phán gia nhập của Ukraine và Gruzia, một thách thức được coi là lớn nhất đối với NATO.

Để thực hiện ý đồ này, NATO cũng cần phải đánh giá lại mô hình và các biện pháp triển khai chính sách của khối.   

Chính vì vậy, giới chuyên gia nhận định việc duy trì tiến trình mở rộng của NATO trong thời gian tới đóng vai trò rất quan trọng. Thứ nhất đó là vấn đề thuộc về uy tín của NATO vì liên minh quân sự này cần đảm bảo cam kết trao quy chế thành viên cho các quốc gia có mong muốn gia nhập và đáp ứng được các yêu cầu của liên minh từng được tuyên bố nhiều lần tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest (Romania) năm 2008.

Thứ hai, chính sách mở rộng NATO, trong nhiều trường hợp cùng với triển vọng gia nhập Liên minh châu Âu, là động lực hiệu quả nhất thúc đẩy tiến trình cải cách ở các nước ứng cử viên. Điều này sẽ giúp các nước ứng cử viên đạt tiến triển trong nhiều lĩnh vực từ nâng cao năng lực quốc phòng đến tăng cường thể chế. Thứ ba, NATO cần đảm bảo một chính sách “mở cửa” thực sự.

Điều này có nghĩa là không quốc gia thứ ba nào có quyền can thiệp vào tham vọng gia nhập liên minh của các quốc gia ứng cử viên. Các nước đối tác của NATO có quyền tự do trong việc lựa chọn con đường thúc đẩy tiến trình hội nhập, miễn là đáp ứng được các yêu cầu của liên minh.

Ngoài vấn đề mở rộng, NATO không thể không đề cập đến kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại một số quốc gia nhằm đối phó với các nguy cơ có thể xảy đến với các nước thành viên. Tuyên bố mới đây của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ triển khai 4 tiểu đoàn cực mạnh tại 3 quốc gia Baltic (gồm Estonia, Latvia, Litva) và Ba Lan như một cách để đáp trả hành động của Nga sáp nhập Bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014, cũng được coi là vấn đề nóng.

Theo Đại sứ Mỹ tại NATO Douglas Lute, NATO sẽ triển khai lực lượng chiến đấu ở đầu nguồn và mỗi tiểu đoàn sẽ gồm từ 800-1.000 binh sĩ đồn trú quay vòng trong thời gian từ 6 tháng đến 9 tháng.

Việc triển khai lực lượng này nhằm bổ sung vào hàng loạt các biện pháp mà NATO tiến hành kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát hồi đầu năm 2014 để tăng khả năng phản ứng của lực lượng quân đội đồng minh và hỗ trợ các quốc gia thành viên NATO có chung đường biên giới với Nga.

Các quốc gia thành viên NATO sẽ phải tái khẳng định việc triển khai lực lượng cũng như quyết định các nội dung chi tiết về lực lượng này như quy mô, cách thức và thành phần tại hội nghị thượng đỉnh Ba Lan sắp tới.

Cuộc tập trận tổ chức gần biên giới với Nga của binh sĩ NATO.

Gia tăng căng thẳng với Nga

Quan hệ giữa NATO và Nga trên thực tế đã trở nên căng thẳng và tồn tại nhiều bất đồng sau sự kiện Liên bang Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea. NATO cũng cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Song, Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin cho đến nay luôn phủ nhận những cáo buộc trên, cho rằng việc phương Tây và NATO lôi kéo chính quyền Ukraine chính  là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Đông Âu này.

Năm 2015, căng thẳng trong quan hệ Nga – NATO tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới khi NATO gia tăng các cuộc tập trận ở khu vực châu Âu, mở đầu là chuỗi các cuộc tập trận ở Đông Âu trong khuôn khổ kế hoạch mang tên "Lá chắn Liên minh" (Allied Shield).

Ngày 10-2, các bộ trưởng quốc phòng của 28 quốc gia thành viên thuộc NATO đã thông qua việc tăng cường lực lượng quân sự gấp ba lần và mở thêm 2 trung tâm chỉ huy mới tại 6 nước khu vực Đông Âu gồm Litva, Latvia, Estonia, Ba Lan, Bulgaria, Romania, thành lập một lực lượng can thiệp hiệu quả được không quân và hải quân yểm trợ, đồng thời triển khai nhiều máy bay chiến đấu trên lãnh thổ các quốc gia Baltic.

Đây được xem là một tín hiệu mạnh của NATO ngoài các biện pháp đã được áp dụng kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở miền đông Ukraine nhằm trấn an các đồng minh ở Đông Âu. Hành động này đã khiến Nga cho rằng NATO đang đi ngược lại những cam kết về tiếp tục đối thoại với Nga.

Tiếp đó, ngày 6-6, NATO đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng có tại Ba Lan và khu vực biển Baltic. Nga đã kịch liệt phản đối các cuộc tập trận này và cho rằng Moscow không thể là mối đe dọa khiến NATO tiến hành các cuộc tập trận sát biên giới của Nga, cũng như leo thang quân sự tại khu vực này.

Đặc biệt, thời gian gần đây, “Sách trắng quốc phòng” sửa đổi của Chính phủ Đức được công bố ngày 9-6 vừa qua đã đưa Nga vào 1 trong 10 thách thức lớn của Berlin, đồng thời cho rằng Moscow "không còn là một đối tác, mà là đối thủ...”.

Với việc NATO tuyên bố thảo luận vấn đề mở rộng về phía đông tại hội nghị thượng đỉnh Ba Lan lần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát đi thông điệp rằng hành động "bành trướng" này của NATO buộc Moscow phải tăng cường khả năng quân sự. Moscow từng khẳng định việc Washington và các quốc gia thành viên khác trong NATO tiếp tục xây dựng năng lực quân sự tại các quốc gia láng giềng của Nga là những hành động làm suy yếu ổn định ở châu Âu và buộc Nga trước mắt phải thực hiện các biện pháp đáp trả theo hướng chiến lược phía tây. Hơn 2.000 đơn vị thiết bị mới và hiện đại sẽ được triển khai ở quân khu miền tây nước Nga trong năm nay.

Không khó để nhận thấy các cuộc tăng cường lực lượng quân sự quy mô lớn dọc biên giới "mềm" của Nga như một tất yếu sau các cuộc triển khai vũ khí và tập trận ngày càng lớn trong thời gian gần đây của NATO. Những đợt triển khai quân đội trên diện rộng của cả NATO lẫn Nga vẫn đang “ngốn” hết những khoản chi phí khổng lồ. Và các "hóa đơn" quân sự như vậy đang gây áp lực lớn tới sự ổn định chính trị của nhiều quốc gia và khu vực vốn đang chìm trong khó khăn, nhất là tại các nước vùng Baltic.

Thậm chí, nó cũng không khỏi khiến dư luận lo ngại về một cuộc Chiến tranh lạnh kiểu mới đã ở ngay phía trước. Xem ra mối quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa Nga và NATO vẫn đang tiếp tục đứng trước những khó khăn và thách thức mới.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.