NATO kết nạp Montenegro: Tiếp tục đối đầu với Nga

Thứ Hai, 23/05/2016, 11:00
Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang chuẩn bị chào đón thêm thành viên thứ 29, nước Cộng hòa Montenegro, một trong những quốc gia nhỏ ở vùng Balkan (Đông Nam Âu) ra đời từ sự tan rã của Liên bang Nam Tư cũ. Đây là một sự kiện, một động thái mang tính chiến lược nhắc cho thế giới nhận ra sự tồn tại của khối quân sự lớn nhất thế giới ra đời từ sau Chiến tranh thế giới lần II. Và khối quân sự này tiếp tục cuộc đối đầu mới với nước Nga.

Quyết định kết nạp thành viên đối với Montenegro sẽ được phê chuẩn tại thủ đô của từng quốc gia thành viên khối, nhưng về cơ bản việc kết nạp hầu như đã được quyết định sẵn rồi, vì việc này nằm trong chiến lược bành trướng ảnh hưởng của lãnh đạo khối.

Theo quy định chung của NATO, trước khi trở thành thành viên của khối, các quốc gia ứng viên được trao cho "kế hoạch hành động thành viên", và đây được gọi nôm na là giai đoạn thử thách "thành viên dự bị". Chừng nào các quốc gia ứng viên này thực hiện xong việc nâng cấp trang bị quân sự và hiện đại hóa quân đội, đồng thời giải quyết xong những vấn đề vướng mắc riêng về kinh tế - xã hội và những vấn đề khác về lãnh thổ, chính trị, thì sẽ được kết nạp.

Tổng thống Montenegro Filip Vujanovic (phải) và cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.

Trong trường hợp của Montenegro, quốc gia này hiện gần như đã được NATO chấp nhận kết nạp thành viên, chỉ còn vướng mỗi gút mắc về địa danh với nước láng giềng Macedonia (một tỉnh của Montenegro có tên là Macedonia khiến hai nước xảy ra tranh chấp tên gọi). Montenegro đã tự nguyện nộp đơn xin gia nhập khối NATO từ khi Tổng thống Filip Vujanovic lên nắm quyền vào năm 2006. Nhưng tiến trình kéo dài 10 năm qua cũng là do tranh chấp địa danh chưa được giải quyết.

Montenegro chỉ là một quốc gia nhỏ bé, dân số quá ít, và quân đội chỉ có trên 2.000 quân. Thế nhưng tại sao NATO lại quyết định kết nạp quốc gia này? Câu trả lời việc kết nạp thành viên là chiến lược tồn vong của khối. Mở rộng khối là "lẽ sống còn" của NATO. Việc này đã diễn ra liên tục kể từ khi thành lập khối cho đến nay.

NATO ra đời vào năm 1949 với 12 nước thành viên sáng lập để đối phó với những "mối đe dọa" hậu chiến tranh, đặc biệt là trong bối cảnh Chiến tranh lạnh bắt đầu khởi phát với sự đối đầu giữa phương Tây đứng đầu là Mỹ với khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô lãnh đạo. Đến năm 1982, số thành viên đã là 16.

Nhưng kể từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ (1989), tiếp theo đó là khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu không còn, NATO bắt đầu tăng tốc mở rộng khối. Từ năm 1999 trở đi, tốc độ kết nạp thành viên của NATO gia tăng chóng mặt, với hàng loạt quốc gia Đông Âu như: Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan  (năm 1999), Estonia, Latvia, Lithuania, Slovenia, Slovakia, Bulgaria, Romania (2004), rồi Albania và Croatia (2009).

Bìa quyển sách Chiến tranh năm 2017 với nước Nga của Tổng Thư ký NATO Sir Alexander Richard Shirreff, phát hành ngày 18-5.

Qua mỗi giai đoạn mở rộng, NATO đều dự kiến thay đổi tên gọi khối cho phù hợp hơn với sự biến đổi về địa chính trị nhằm đáp ứng mục tiêu chiến lược "đông tiến" bao vây nước Nga, nhưng rồi tên gọi NATO vẫn không thay đổi, và chiến lược xâm lấn vùng ảnh hưởng của nước Nga vẫn giữ nguyên.

Bên cạnh Montenegro, một quốc gia Balkan khác là Bosnia-Herzegonia cũng đang trong "kế hoạch hành động thành viên" mà chưa được kết nạp. Một khi kết nạp xong Montenegro và Bosnia-Herzegonia, NATO sẽ khó tiếp tục thò vòi sang phía Đông, vì đã vượt quá xa cái gọi là "Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương".

Chỉ còn khu vực Bắc Âu là còn một số quốc gia "tiềm năng" - bao gồm Thụy Điển và Phần Lan. Đối với tham vọng kết nạp Ukraina và Gruzia thì cho đến nay NATO đang giẫm chân tại chỗ, vì thực tế đã cho thấy khối này đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Moskva, mà cuộc khủng hoảng Ukraina là một hệ lụy rõ ràng nhất.

Trong một thời gian dài sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, sự tồn tại của khối NATO đã bị xem là lỗi thời, mất hết ý nghĩa, vì mục tiêu đối đầu là Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa đã không còn. Sự kiện khủng bố 11-9-2001 và hiểm họa khủng bố toàn cầu đã tạo ra một "mối đe dọa" mới khá hấp dẫn, nhưng NATO đã mau chóng chứng minh cho thế giới thấy năng lực giải quyết mối đe dọa này không như mong đợi, và khả năng tham chiến tại mọi khu vực trên thế giới của khối này cũng bị hạn chế. Chính vì thế, làm sống lại những "mối đe dọa" cũ, hâm nóng lại bầu không khí "chiến tranh mới" với "đối thủ cũ" chính là cách tốt nhất mà những cái đầu hiếu chiến ở phương Tây đang cố tình theo đuổi để níu kéo sự tồn tại cho NATO.

NATO liên tục tổ chức tập trận với các nước xung quanh Nga nhằm khiêu khích, tạo áp lực đối đầu với nước Nga.

Để chứng minh cho chiều hướng này, tờ báo The Guardian của Anh hôm 18-5 đã có một bài viết giới thiệu một quyển sách sặc mùi chiến tranh nhan đề "2017 War With Russia" (Chiến tranh năm 2017 với nước Nga) của cựu Tổng thư ký NATO Sir Alexander Richard Shirreff, phát hành ngày 18-5.

Trong quyển sách của mình, Sir Shirreff vạch ra một kịch bản chiến tranh nghe "như thật", cho rằng cuộc chiến có thể khởi phát vào tháng 5-2017, và quốc gia đầu tiên hứng chịu đợt tấn công từ nước Nga là Latvia. Sir Shirreff cho rằng, xu hướng chiến tranh giữa Nga và NATO chủ yếu bắt nguồn từ những xung đột lợi ích âm ỉ kéo dài từ trước khi có cuộc xung đột Ukraina, với việc NATO đưa khí tài quân sự đến Ba Lan và các nước Đông Âu, tiến sát biên giới nước Nga làm cho Nga không thể không chủ động phòng thủ.

Việc Nga tái thu hồi bán đảo Crưm và ủng hộ lực lượng nổi dậy ở Đông Ukraina là nằm trong chiến lược phòng chủ đó. Trong quyển sách, Sir Shirreff liên tục nhấn mạnh "sự nguy hiểm" của nước Nga đối với khối NATO, tạo nên ấn tượng về một "mối đe dọa" mới mà NATO cần phải "phòng vệ".

Binh sĩ NATO mệt mỏi tập trận.

Để làm rõ hơn về xu hướng đối đầu hiện nay giữa NATO với nước Nga trong thời gian gần đây, tờ báo Huffington Post của Mỹ có một bài viết khác nêu quan điểm ngược lại, cho rằng chính phương Tây, bao gồm NATO và Mỹ, đã và đang theo đuổi một chính sách làm suy yếu Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm làm cho ông không còn lãnh đạo nước Nga được nữa, để phương Tây dễ bề thao túng nước Nga.

Nhưng việc đó hoàn toàn không thể vào lúc này, vì uy tín của Tổng thống Putin còn rất cao, trên 80% dân Nga vẫn đang ủng hộ ông. Huffington Post viết tiếp, thực chất những hành động của Mỹ và NATO thời gian qua là nhằm tạo nên hai áp lực: một từ bên ngoài, phương Tây, và áp lực còn lại từ thế lực dân tộc chủ nghĩa cực đoan trong nội bộ nước Nga nhằm chống lại chính sách hòa giải mà Tổng thống Putin đã triển khai trong thời gian gần đây. Tờ báo kết luận, chính những áp lực này sẽ kiềm chế bàn tay "cầm hoa hồng" của Tổng thống Putin, để thúc ép bàn tay "cầm súng" của ông hành động.

Cho dù thế thì "kịch bản chiến tranh" như Sir Shirreff đặt ra cũng khó diễn ra, mà chủ yếu các động thái gây hấn, tạo xung đột vẫn chỉ nhằm phục vụ cho ý nghĩa tồn tại của NATO mà thôi.

An Châu (tổng hợp)
.
.