NATO sẽ triển khai “lực lượng phản ứng nhanh” tại Đông Âu

Thứ Năm, 12/02/2015, 17:15
Ngày 5/2, tại Brussels (Bỉ) đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thảo luận việc thực thi Kế hoạch "sẵn sàng hành động" (RAP) và cuộc khủng hoảng Ukraine.

Các bộ trưởng đã quyết định NATO sẽ triển khai lực lượng "phản ứng nhanh" (NRF) và các trung tâm chỉ huy của mình tại 6 nước Đông Âu, gồm Estonia, Lithuania, Latvia, Ba Lan, Romania và Bulgaria, theo như đề xuất của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Trong những thách thức này, ông Stoltenberg đề cập đến hoạt động quân sự tại Ukraine và tình hình bất ổn tại Bắc Phi, và nhấn mạnh, NATO phải sẵn sàng đáp trả các thách thức an ninh "từ phía nam cũng như phía bắc".

Đây là lần đầu tiên các Bộ trưởng Quốc phòng NATO nhóm họp kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Xứ Wales hồi tháng 9 năm ngoái.

Theo chương trình nghị sự, cuộc họp sẽ thông qua biện pháp cụ thể đầu tiên của kế hoạch RAP, trong đó quyết định tăng quân số cho NRF được thành lập từ một năm nay. Lực lượng này bao gồm 3 lữ đoàn bộ binh và một số đơn vị không quân, hải quân cùng các lực lượng đặc biệt.

Theo đề xuất của Tổng Thư ký NATO, các bộ trưởng Quốc phòng 28 nước thành viên sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về quân số cho NRF, mà theo dự kiến của ông, sẽ tăng gấp đôi từ 15.000 lên 30.000 người, trong đó có 5.000 lính tiên phong.

Mục đích của việc này là nhằm tạo ra cú hích từ nay tới Hội nghị Thượng đỉnh của liên minh này dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới tại Ba Lan.

Lực lượng này luôn luôn sẵn sàng để có thể triển khai ngay trong vòng 48 giờ tại mọi khu vực lãnh thổ của NATO.

Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen, Bộ trưởng Quốc phòng Georgia Mindia Janelidze và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels, ngày 5/2. Ảnh: Reuters.

Giới quan sát cho rằng khu vực này chủ yếu bao trùm lãnh thổ của các quốc gia thành viên vùng Baltic, Romania, Bulgaria và Ba Lan, nhằm bảo vệ sườn phía nam của NATO trước tình hình mất ổn định gia tăng ở Bắc Phi, Syria, Iraq.

Về việc triển khai 6 trung tâm chỉ huy và kiểm soát tại khu vực Đông Âu, ông Jens Stoltenberg cho biết, nhiệm vụ của các trung tâm này là chuẩn bị và tiến hành tập trận, tạo điều kiện triển khai lực lượng tăng cường của NATO tại những quốc gia đó, cũng như đảm bảo sự phối hợp giữa các NRF của tổ chức và quân đội chính quy các nước này.

Liên quan tới vấn đề Ukraine, các nước tiếp tục thể hiện quan điểm khác biệt so với Mỹ trong vấn đề cung cấp vũ khí cho quân đội Kiev.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho rằng, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ là một sai lầm.

Theo bà Leyen, lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine có được sự hậu thuẫn không hạn chế về vũ khí và các thiết bị quân sự hạng nặng, do đó nguy cơ leo thang xung đột sẽ rất lớn khi Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu, tướng Philip Breedlove tuyên bố bất kỳ động thái nào (của Mỹ hay phương Tây) nhằm cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine cần phải tính tới phản ứng gay gắt từ phía Nga.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Czech Martin Stropnitsky cho biết, sẽ là rất khó để một trong những nước thành viên NATO chống lại quyết định của tổ chức về việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Việc cung cấp vũ khí sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình, và tất nhiên không ai muốn điều đó.

Ông Martin Stropnitsky nhấn mạnh: "Tất cả Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO đều khẳng định, đàm phán và tuân thủ Hiệp định Minsk là những giải pháp thực tế nhất hiện nay để giải quyết tình hình ở Ukraine".

Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết, hai nước này chỉ ủng hộ cung cấp các thiết bị quân sự phi sát thương cho quân đội Ukraine.

Trước đó, lãnh đạo của một số nước thành viên NATO đã chính thức lên tiếng bác khả năng cung cấp vũ khí theo đề xuất của Kiev, trong đó có Italia, Hungary, Đức.

Tuy nhiên, phát biểu trong chuyến thăm Kiev diễn ra cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Tổng thống Barack Obama sẽ sớm đưa ra quyết định về việc có cung cấp vũ khí cho Ukraine, song khẳng định Washington ưu tiên một giải pháp ngoại giao.

Một vấn đề nữa nổi lên trong khối NATO là khả năng chia rẽ Bắc - Nam. Theo nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, trong khi các đồng minh NATO của Mỹ ở châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, thì các nước Nam Âu như Tây Ban Nha hay Italy lại bày tỏ quan ngại về những mối đe dọa từ châu Phi và Trung Đông.

Các nước này cho rằng, NATO cần phải tập trung vào giải quyết những vấn đề do chủ nghĩa cực đoan, buôn bán ma túy, vũ khí và buôn bán người gây ra.

Trong lần xuất hiện cuối cùng tại NATO với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Chuck Hagel cho rằng, liên minh này đang phải đối mặt với một số thách thức, trong đó có việc huấn luyện lực lượng an ninh ở Afghanistan, tình trạng bạo lực cực đoan ở vành đai phía nam và cái mà ông gọi là "sự xâm lấn" của Nga ở Ukraine.

Theo ông Hagel, thay vì tập trung vào một vấn đề được cho là ưu tiên, các đồng minh của Mỹ trong NATO cần phải giải quyết tất cả cùng một lúc theo cách đa chiều.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.