Năm 2012: Israel đẩy mạnh chiến thuật “lấn chiếm”

Thứ Tư, 09/01/2013, 05:35

Năm 2012 vừa đi qua đã đánh dấu một năm sôi động trong vấn đề xung đột Israel - Palestine, trong đó nổi cộm nhất là việc Israel đẩy mạnh chiến thuật “lấn chiếm” từng tấc đất của người Palestine. Hành động của Israel được giới phân tích đánh giá là bóp chết giải pháp "2 nhà nước" vốn đã được ghi rõ trong Hiệp ước Hòa bình Oslo năm 1994 và được nhóm "Bộ tứ" đưa vào trong lộ trình hòa bình năm 2003.

Trong nhiều năm qua, việc Israel xây dựng nhà ở trong các khu định cư trên phần đất lấn chiếm của người Palestine là nguyên nhân chính khiến cho đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine bị đổ vỡ, ngưng trệ, thậm chí bế tắc. Tiến trình đàm phán hòa bình hiện tại đang bị "chết" cũng vì Israel ngoan cố tiến hành xây dựng các khu định cư mới, bất chấp sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế, kể cả Mỹ - đồng minh thân thiết nhất của Israel.

Ngay từ đầu năm 2012, dư luận yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã cảnh báo: Với đà xây dựng không ngừng đó, không lâu nữa Israel sẽ "nuốt" một phần khá lớn lãnh thổ của người Palestine, đe dọa khả năng thành lập Nhà nước Palestine với vùng lãnh thổ toàn vẹn, như ghi trong Hiệp ước Oslo năm 1994.

Quả đúng như lời cảnh báo đó, hết năm 2012, thống kê cho thấy nhịp độ xây dựng nhà ở lấn đất của Israel gia tăng gấp 4 lần, đẩy người Palestine dạt ra khỏi nhiều khu vực vốn trước đây là đất đai nhà cửa của họ. Tháng 12/2012 đã phá mọi kỷ lục, với hàng chục ngàn đơn vị nhà ở được khởi công xây dựng, bằng con số của 10 năm trước cộng lại, cá biệt có lúc có đến 6.600 đơn vị nhà được triển khai chỉ trong 4 ngày!?

Các khu định cư của Israel ở Bờ Tây sông Jordan đang nuốt dần đất của người Palestine.

Đặc biệt, đầu tháng 12/2012, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chính thức công bố kế hoạch xây dựng khu định cư mới nằm gần Đông Jerusalem và tiếp giáp khu định cư Maale Adumim, với 15.000 đơn vị nhà ở cùng nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu khác để hình thành một khu dân cư hoàn chỉnh. Việc triển khai xây dựng khu định cư mới E1 có tầm quan trọng rất lớn đối với sinh mạng chính trị của ông Netanyahu, nhất là trong thời điểm vận động cho cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 22/1 tới, cho nên ông Netahyahu đã bất chấp sự phản đối của thế giới (hơn chục quốc gia châu Âu và Australia, các nước Arập khu vực Trung Đông đã triệu hồi đại sứ về nước để phản đối, đồng thời dọa sẽ trục xuất đại sứ và hạ mức độ quan hệ ngoại giao với Israel nếu nước này không nhượng bộ trong vấn đề xây dựng các khu định cư), vẫn cho tiến hành kế hoạch xây dựng khu định cư E1 với tiến độ nhanh chưa từng có.

Hàng trăm ngôi nhà và chuồng trại gia súc của người Palestine cư ngụ từ bấy lâu nay trong khu vực này đã được lệnh tháo dỡ, nếu không sẽ bị san bằng để giải phóng mặt bằng phục vụ việc xây nhà ở cho khu định cư mới. Với việc xây dựng khu định cư E1, Israel đã triển khai một kế hoạch thâm độc là chia cắt các thành phố, các khu vực dân cư tập trung của người Palestine ở khu Bờ Tây sông Jordan, xẻ manh mún các vùng lãnh thổ của người Palestine.

Bên cạnh đó, Israel vẫn âm thầm tiến hành một kế hoạch song song là "Israel hóa" các khu nội ô đô thị, thành phố lớn có sự cạnh tranh cư trú với người Palestine, như Bethlehem, và đặc biệt là khu Đông Jerusalem, vốn được người Palestine dành sẵn để làm thủ đô Nhà nước Palestine. Chỉ trong 3 năm qua, gần 3.000 đơn vị nhà ở mới đã được xây dựng nhằm lấp đầy những khoảng đất trống ở Đông Jerusalem, đồng thời xây dựng những khu định cư hoàn toàn mới trên những khu đất đồi cao ngoại ô Bethlehem.

Chính vì thế mà khu vực Đông Jerusalem giờ đây không còn là của riêng người Palestine nữa, và sự lấn át của người Do Thái đã buộc nhiều người Palestine sống ở khu vực này, cũng như các khu vực đô thị lân cận khác, ở Bethlehem phải rời khỏi nơi cư trú đến Nam Jerusalem để kiếm sống, hoặc định cư ở đó luôn. Tiến trình này đã hình thành một thực tế là người Palestine giờ chỉ còn trụ lại ở khu Nam Jerusalem.

Nhưng ở ngoại ô phía Nam Jerusalem, những khu định cư nhỏ cũng được xây dựng rải rác vòng ngoài, ở phía xa xa, như một chuỗi các khu định cư Do Thái bao vây lấy cộng đồng người Palestine. Từng bước, từng bước một, người Israel đang thực thi chiến thuật lấn dần những khu vực mà người Palestine không có khả năng, điều kiện để xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng, hoặc những khu vực mà người Israel thấy có lợi cho họ thì họ sẵn sàng xua đuổi, buộc tháo dỡ đi nơi khác, viện lý do nhà xây không có giấy phép của Israel. Hàng chục ngàn người Palestine sống ở thung lũng sông Jordan đang trong tình trạng bấp bênh cũng do chính sách này của Israel.

Người Palestine đụng độ với quân đội Israel trong cuộc vây ráp Jenin ngày 2/1/2013.

Ngày 3/1, lại thêm hàng trăm dân thường Palestine sinh sống ở phía bắc thung lũng sông Jordan đã bị buộc phải rời nhà cửa và nhận lệnh sơ tán trong 24 giờ để phục vụ cho một cuộc tập trận của quân đội Israel. Nhiều tiếng nói phản đối vang lên từ nhiều phía đối với cuộc tập trận và xua đuổi người Palestine, nhưng kế hoạch vẫn được tiến hành.

Trước đó, ngày 2/1/2013, một vụ đụng độ giữa dân thường Palestine với quân đội Israel xảy ra tại thành phố Jenin thuộc khu Bờ Tây sông Jordan của người Palestine làm cho hơn 130 người dân Palestine bị thương. Khoảng 500 người Palestine tại Jenin đã biểu tình và ném đá phản đối quân đội Israel vì đã ngang nhiên tràn vào nhà dân Palestine lùng sục khắp nơi để tìm kiếm một người mà họ cho là "nghi phạm khủng bố". Đây là vụ việc thứ 2 trong vòng 1 tuần, và Israel đã huy động cả 1 tiểu đoàn công binh phối hợp với Cảnh sát biên giới và mật vụ Shin Bet vây ráp Jenin.

Những hành động ngang ngược đàn áp, lấn đất, xua đuổi người Palestine của Israel đã khiến nước này bị cả thế giới cô lập. Thế nhưng Tel Aviv vẫn "kiên cường" bất chấp tất cả!

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.