Nam Kuril ngáng trở hiệp ước hòa bình Nga – Nhật

Thứ Ba, 29/01/2019, 13:10
Quyết định không tham dự Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) để tập trung giải quyết khúc mắc lịch sử trong quan hệ với Nhật Bản, song chuyến thăm Nga 2 ngày (21 – 22-1) của Thủ tướng Shinzo Abe dường như không đạt được tiến triển cụ thể nào với người đứng đầu Điện Kremlin ngoài tuyên bố hai bên sẽ tăng tốc tiến trình đàm phán về hiệp ước hòa bình và sẽ hội đàm cấp cao vào tháng 6 tới tại Nhật Bản.

Vậy là một lần nữa vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước lại cản trở chiến lược xích lại gần nhau mà đôi bên luôn mong muốn.

Là cuộc hội đàm lần thứ 25 và là cuộc gặp lần thứ 2 trong vòng hơn một tháng, sau cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại Argentina đầu tháng 12 vừa qua, phải thừa nhận rằng, ông Putin và ông Abe đã có một cuộc gặp thể hiện quan điểm thẳng thắn, đề cập đến những vấn đề gai góc nhất, thậm chí hai bên đều có chung quan điểm là sẽ tìm ra phương án mà cả hai bên có thể chấp nhận được.

Trước khi diễn ra hội đàm, hai nhà lãnh đạo còn cho truyền thông thấy được sự thân tình khi đích thân ông Putin hướng dẫn và giới thiệu phòng làm việc của mình với Thủ tướng Abe. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhận định rằng năm 2019 sẽ là sự khởi đầu tuyệt vời cho quan hệ Nhật-Nga.

Ngoài kế hoạch trên, hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí tiếp tục tiến hành cuộc gặp lần hai giữa ngoại trưởng hai nước, những người được giao trách nhiệm đàm phán hiệp ước hòa bình từ các ngày từ 15 đến 17-2 tới bên lề Hội nghị An ninh tại Munich, nhất trí đẩy nhanh các hoạt động kinh tế chung tại khu vực tranh chấp và tiếp tục tổ chức cho các cư dân từng sống tại các đảo tranh chấp được về thăm viếng mộ tổ tiên bằng đường hàng không.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự khó khăn trong vấn đề tồn tại suốt 70 năm này. Tại cuộc họp báo sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo hoàn toàn không đề cập chi tiết nội dung đàm phán Hiệp ước Hòa bình. Tổng thống Putin cho rằng hai bên cần có sự chuẩn bị kỹ càng để tạo điều kiện nhằm tìm ra phương án cuối cùng mà cả hai cùng có thể chấp nhận được, một tuyên bố với hàm ý tiến trình đàm phán sẽ còn kéo dài.

Trong khi đó, phía Nhật Bản vẫn muốn hai bên sẽ đạt được những đồng thuận quan trọng trong cuộc hội đàm thượng đỉnh Nhật-Nga bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại Osaka (Nhật Bản) trong tháng 6-2019.

Lý do đằng sau sự khác biệt về mặt thời gian như trên là do sự khác nhau trong nhiệm kỳ cầm quyền của hai nhà lãnh đạo. Trong khi Thủ tướng Abe chỉ có thể cầm quyền đến tháng 9-2021 thì Tổng thống Putin sẽ lãnh đạo đất nước đến tận tháng 5-2024. Giới phân tích nhận định Moscow không có lý do gì để vội vàng trong đàm phán vì nhiệm kỳ của Tổng thống Putin dài hơn nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe khoảng 2 năm rưỡi.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngược lại, Tổng thống Putin chỉ bày tỏ sự quan tâm lớn đối với việc làm sao nâng được kim ngạch thương mại Nhật-Nga lên gấp 1,5 lần mức hiện nay. Đây có thể coi là một chiến thuật lợi dụng sự nôn nóng có được thành quả cụ thể của Tokyo để lôi kéo Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Nga.

Quan điểm giữa hai bên về vấn đề lãnh thổ sau nhiều năm vẫn còn tồn tại quá nhiều khác biệt. Ông Putin không hề đề cập tới việc trả lại cho Tokyo 2 trong số 4 đảo thuộc quần đảo đang tranh chấp mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, trong khi Moscow gọi là Nam Kuril, mà chỉ nói rằng Thỏa thuận Nhật-Xô năm 1956 đề cập tới việc hai bên phải ký kết Hiệp ước Hòa bình trước tiên.

Do vậy, chủ trương của Nga là trước tiên phải ký Hiệp ước Hòa bình, còn Nhật Bản muốn gắn việc ký Hiệp ước Hòa bình với việc nhận lại 2 đảo Habomai và Shikotan.

Tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 11-2018, Nga cũng đưa ra điều kiện rằng Tokyo phải công nhận chủ quyền của Nga với các đảo tranh chấp vì đây là kết quả phân chia sau Chiến tranh Thế giới II, đồng thời không được cho lực lượng Mỹ đóng tại các đảo nếu chúng được trả về cho Nhật Bản.

Quan điểm cứng rắn của Moscow một phần bắt nguồn từ tình hình chính trị xã hội trong nước. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin đã giảm từ mức hơn 80% xuống 60% sau khi ông tiến hành cải cách chế độ lương hưu không nhận được sự ủng hộ của dư luận, đồng thời sự yếu kém của nền kinh tế Nga cũng làm dấy lên sự chỉ trích đối với chính quyền. Vì vậy, nếu nhượng bộ Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ sẽ càng khiến người dân Nga mất lòng tin đối với Tổng thống Putin và tạo cơ hội cho phe đối lập công kích chính quyền.

Một yếu tố khác càng khiến triển vọng giải quyết tranh chấp các đảo thêm xa vời, đó là tầm quan trọng về chính trị-quân sự của các đảo Nam Kuril đối với Moscow những năm gần đây.

Tương lai của các đảo Nam Kuril trong bối cảnh liên minh Nhật-Mỹ vẫn gắn kết chặt chẽ sẽ đặt ra 2 câu hỏi lớn: Nếu Nga trả lại cho Nhật Bản, liệu các đảo này có bị đặt dưới sự bảo trợ an ninh của Mỹ hay không? Và liệu Mỹ có được quyền thiết lập các căn cứ hay lắp đặt các trang thiết bị quân sự trên quần đảo này hay không?

Nếu câu trả lời là có, thì đó là điều Nga không bao giờ chấp nhận được. Còn nếu câu trả lời là không thì người Nga vẫn hoài nghi, vì mối quan hệ chiến lược Nga-Nhật dù sao cũng chỉ được quan tâm gây dựng chưa đầy một thập kỷ qua, trong đó lòng tin chưa được tạo dựng hoàn chỉnh.

Các cuộc đàm phán về chủ quyền các đảo ở Nam Kuril không thể được giải quyết trong một sớm một chiều như những gì ông Putin đã tuyên bố sau cuộc đàm phán với ông Abe. Giữ nguyên hiện trạng chủ quyền các đảo Nam Kuril sẽ có lợi cho Nga và cùng khai thác phát triển kinh tế trong khu vực tranh chấp có lẽ là giải pháp dễ được chấp nhận hơn cả.

Vì thế, trong các cuộc gặp thượng đỉnh trước đây và vừa qua, Tổng thống Putin đã không đưa ra bất cứ nhượng bộ nào liên quan tới việc trao trả các đảo thuộc quần đảo Nam Kuril cho Nhật Bản.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.