Nam Phi: Ông Jacob Zuma được bầu là Chủ tịch đảng Đại hội Dân tộc Phi

Thứ Ba, 08/01/2008, 13:30
Cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) tại Polokwane, thủ phủ tỉnh Limpopo, hôm 18/12 đã mang lại chiến thắng áp đảo cho cựu Phó tổng thống Nam Phi Jacob Zuma trước đương kim Tổng thống Thabo Mbeki. Với chiến thắng này, ông Zuma sẽ có nhiều khả năng được bầu lên làm Tổng thống Nam Phi nhiệm kỳ tới vào năm 2009.

Hầu hết báo chí trên thế giới đều tập trung theo dõi Đại hội đảng ANC bắt đầu từ hôm chủ nhật 16/12. Đại hội đã trở thành cuộc cạnh tranh quyền lực gay gắt nhất từ trước đến nay giữa 2 nhân vật lãnh đạo có nhiều ảnh hưởng nhất của đảng.

Rốt cuộc Zuma - với sự ủng hộ của đảng Cộng sản Nam Phi và các tổ chức, nhóm chính trị cánh tả khác - đã giành được đến 61% lá phiếu tín nhiệm của 3.900 đại biểu ANC dự đại hội (đương kim Chủ tịch đảng, Tổng thống Thabo Mbeki chỉ được gần 39%).

Giới phân tích bình luận rằng, cuộc bầu chọn Chủ tịch ANC không chỉ là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong đảng đối với Tổng thống Thabo Mbeki mà còn là diễn đàn đánh dấu sự trở lại chính thức của ông Zuma.

Ông Jacob Zuma năm nay 65 tuổi, sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc bộ lạc Zulu ở làng Inkandla, tỉnh Kwa Zulu Natal. Ngay từ nhỏ Zuma đã buộc phải bỏ học và đi làm thuê kiếm sống.

Có lẽ chính vì gốc gác xuất thân này mà Zuma đã giành được sự yêu mến của đa số người dân Nam Phi, nhất là người nghèo, đồng thời tạo cho ông chỗ đứng vững chắc về chính trị sau này.

17 tuổi, ông đã gia nhập ANC, 18 tuổi tham gia lực lượng quân sự của đảng cầm súng chiến đấu chống lại chủ nghĩa Apartheid, giành tự do cho các dân tộc da màu Nam Phi.

Năm 1963, ông bị bắt bỏ tù 10 năm vì các hoạt động đấu tranh của mình, bị giam chung nhà lao Robben Island với lãnh tụ Nelson Mandela. Được trả tự do năm 1973, Zuma lập tức củng cố lại các hoạt động bí mật của đảng tại tỉnh KwaZulu Natal, và sau đó rời khỏi Nam Phi để tham gia xây dựng căn cứ hoạt động bí mật của ANC ở SwazilandMozambique. Năm 1990, ANC được phép hoạt động trở lại.

Zuma là một trong những lãnh đạo đầu tiên trở về nước tham gia đàm phán dẫn đến chấm dứt chế độ Apartheid. Tại cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên năm 1994, Nelson Mandela giành chiến thắng trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, Zuma được chọn làm Phó tổng thống nhưng đã nhường lại cho Thabo Mbeki, và đến năm 1999, ông trở thành Phó tổng thống khi ông Mbeki lên làm Tổng thống...

Đi sâu phân tích nguyên nhân thất bại của ông Thabo Mbeki trước ông Jacob Zuma, nhiều nhà bình luận cho rằng ông Mbeki “thua” chủ yếu do không gần gũi công chúng, nhất là thành phần dân nghèo, không tập trung quan tâm những vấn đề thiết thân của đại đa số công chúng Nam Phi.

Ông Mbeki đã lãnh đạo ANC 10 năm và làm Tổng thống Nam Phi được 8 năm (nhiệm kỳ 2 của ông sẽ kết thúc vào năm 2009), và không thể phủ nhận ông là một nhà lãnh đạo có năng lực và hiệu quả trong điều hành nền kinh tế đất nước.

ANC và Chính phủ Nam Phi dưới sự lãnh đạo của ông đã dành mức chi tiêu trên đầu người cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, do đó giúp cho nhiều người nghèo “đổi đời” nhờ được cấp nhà ở, nước sinh hoạt, điện và chăm sóc y tế.

Tuy nhiên, chiến lược chi tiêu đã bị hạn chế do nạn tham nhũng tràn lan và năng lực yếu kém của lực lượng quan chức thừa hành. Sự yếu kém này đã vô tình khiến cho đa số dân chúng Nam Phi - đặc biệt là thành phần dân nghèo - cảm thấy mình bị Tổng thống xa lánh, thiếu sự quan tâm. Trong khi đó, với dân nghèo Nam Phi, Zuma là “vị thánh”!

Thêm một vấn đề nữa khiến ông Mbeki mất điểm trước ông Zuma: Đại dịch HIV/AIDS không được quan tâm phòng chống đúng mức. Mỗi ngày có đến 1.000 người Nam Phi chết vì AIDS và Chính phủ hầu như không có chiến lược nào hữu hiệu để đối phó với đại dịch này. AIDS từng là ngòi nổ cho các mâu thuẫn, xung đột nội bộ Chính phủ Nam Phi mấy tháng qua, làm cho hình ảnh của đất nước Nam Phi, của đảng ANC trong mắt cộng đồng thế giới bị sứt mẻ phần nào.

Về vấn đề này, trong buổi phát biểu đầu tiên trước toàn thể Hội nghị ANC trên cương vị Chủ tịch đảng hôm 20/12, ông Zuma đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống HIV/AIDS ở Nam Phi và tuyên bố sẽ xem nó như tình trạng khẩn cấp của quốc gia.

Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là: Giữa Tổng thống Mbeki và Chủ tịch ANC Zuma ai sẽ là người nắm quyền quyết định các chính sách quốc gia? Trên thực tế nhiều người nghiêng về phía Zuma, bởi ông được hậu thuẫn từ Quốc hội với các chính đảng mà ông Mbeki "bỏ quên".

Hơn nữa, ông Zuma còn lôi kéo được một số nhân vật chủ chốt của các chính đảng khác vào các chức vụ cao cấp trong ANC nhiệm kỳ mới, trong đó Chủ tịch đảng Cộng sản Nam Phi Gwede Mantashe được bầu làm Tổng thư ký ANC, còn 2 vị trí khác trong ban điều hành dành cho các thủ lĩnh COSATU - Đoàn Thanh niên ANC.

Hiện tại, Zuma đang được đánh giá là ứng viên sáng giá nhất vào chiếc ghế tổng thống Nam Phi năm 2009. Nhưng, Zuma hiện cũng đang đối mặt cuộc điều tra tham nhũng dai dẳng xung quanh các cáo buộc ông dính líu tới vụ bê bối tài chính của cựu cố vấn tài chính đồng thời là bạn thân của ông, doanh nhân Schabir Shaik - đã bị tòa kết án tù 15 năm.

Nếu Zuma có tội và bị tuyên án, thì theo Hiến pháp Nam Phi ông sẽ không được làm tổng thống cho dù thắng cử. Cho đến nay các nhà điều tra hầu như chưa thể tìm ra chứng cứ nào xác thực để buộc tội ông Zuma nhưng không hiểu sao cuộc điều tra nhắm vào ông vẫn chưa thể kết thúc

T.H. (tổng hợp)
.
.