Năng lượng hạt nhân lên ngôi?

Thứ Sáu, 09/09/2005, 16:07

Sau nhiều thập niên bị đóng băng, năng lượng hạt nhân đã được chú ý trở lại do giá dầu mỏ lên mức cao (khoảng trên dưới 70 USD/thùng) trong khi việc tìm kiếm khai thác các nguồn năng lượng sạch để thay thế chưa đạt được như mong muốn.

Theo Tổ chức Tư vấn năng lượng CERA, toàn thế giới hiện có 31 quốc gia có nhà máy điện hạt nhân, với tổng cộng 439 nhà máy, mỗi năm cung cấp 16% nhu cầu tiêu thụ điện toàn cầu, đạt giá trị doanh thu 100 tỉ - 125 tỉ USD. Trong số này, Mỹ là quốc gia có số nhà máy điện hạt nhân nhiều nhất với 103 nhà máy và một thị trường lớn gấp nhiều lần các nước khác gộp lại.

Đi đầu trong cao trào xây dựng nhà máy điện hạt nhân hiện nay là Trung Quốc, nước này hiện đang có 9 nhà máy và đang chuẩn bị xây dựng thêm 30 nhà máy mới, chi phí dự kiến khoảng 50 tỉ USD. Đây là kế hoạch nằm trong chiến lược an ninh năng lượng mới của Chính phủ Trung Quốc nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển của nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Theo sau Trung Quốc, Nhật Bản dự kiến đẩy mạnh hoàn thiện bảo đảm an toàn cho vài chục nhà máy đang hoạt động, đồng thời xây dựng thêm vài nhà máy mới nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng, giảm bớt lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Ấn Độ cũng vừa quyết định xây dựng thêm 8 nhà máy điện hạt nhân mới bên cạnh một số nhà máy đang hoạt động. Ngoài ra còn có Đài Loan, Hàn Quốc mỗi nước dự kiến sẽ xây dựng kế hoạch phát triển ngành năng lượng sạch này trong vòng 1-2 năm tới.

Hạ tuần tháng 6/2005, Quốc hội Pháp đã thông qua một nghị quyết theo đó cho phép tái khởi động các dự án nhà máy điện hạt nhân. Ngay sau nghị quyết này, công ty cung cấp điện hạt nhân lớn nhất thế giới của Pháp Areva (doanh thu năm 2004 đạt 8 tỉ USD) đã tham gia Tổ hợp liên doanh TVO trị giá 3 tỉ USD xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Phần Lan.

Đối với các nhà máy điện hạt nhân mới, các chuyên gia kinh tế tính toán rằng chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng có thể làm đội chi phí sản xuất lên khá cao (chi phí đầu tư cho một nhà máy điện hạt nhân mới với công suất 1.000 MW lên tới 2 tỉ USD, tức 2.000 USD/KW công suất, trong khi một nhà máy đốt than tương ứng tốn có 1,2 tỉ USD và dùng khí đốt chỉ tốn có 500 triệu USD), từ đó kéo dài thời gian thu hồi vốn của nhà đầu tư lên gần gấp đôi (so với 2-3 năm nếu dùng khí đốt và than). Để giải quyết vấn đề này, Mỹ, Pháp, Trung Quốc... đang áp dụng thử phương án bao cấp bằng ngân sách nhà nước trong giai đoạn khó khăn về năng lượng hiện nay.

An toàn hạt nhân luôn là mối bận tâm hàng đầu của thế giới, sau hàng loạt sự cố lò phản ứng hạt nhân xảy ra ở Mỹ năm 1979, Ukraina năm 1986 và Nhật Bản năm 2000. Do đó, bảo đảm an toàn tuyệt đối sẽ là vấn đề trọng tâm phải xem xét kỹ trong việc thiết kế xây dựng các nhà máy mới.

Chính trị cũng là một lý do khiến cho một số người đặt vấn đề liệu ngành năng lượng sạch này có phát triển được như mong muốn hay không.  Tất cả xuất phát từ quan điểm của các cường quốc hạt nhân phương Tây (Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)) cho rằng, khoảng cách giữa việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân vì mục đích hòa bình (phát điện) với việc chế tạo vũ khí hạt nhân là hết sức mong manh, chỉ cần gia tăng mức độ làm giàu nguyên liệu uranium thêm chút xíu mà thôi.

Sâu xa hơn, đó chính là vì phương Tây không muốn bị cạnh tranh bởi các quốc gia đang phát triển một khi họ gia nhập Câu lạc bộ hạt nhân. Vì vậy, Mỹ và EU đã vận dụng triệt để quan điểm của mình vào hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân để bó buộc, gây khó khăn, thậm chí gây khủng hoảng đối với các nước (như Brazil, Iran, Libya, CHDCND Triều Tiên). Mục tiêu cuối cùng là, nếu phải phát triển các lò điện hạt nhân thì chính phương Tây chứ không ai khác sẽ độc quyền cung cấp công nghệ và xây dựng cơ sở hạt tầng

An Châu (theo The Economist)
.
.