Nếu Scotland độc lập sẽ có những hệ quả gì?
Cuộc bầu cử EU vào ngày 25/5 vừa qua không có được sự hưởng ứng của đông đảo cử tri. Nhưng quốc gia có tỉ lệ cử tri đi bầu thấp nhất chính là nước Anh: chỉ 36% số cử tri bước vào phòng bỏ phiếu. Đảng Ukip vốn bài xích EU đã chiến thắng khiến cho Thủ tướng Bảo thủ David Cameron phải suy nghĩ, và ông muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề nước Anh rút ra khỏi EU. Thế nhưng vào ngày 25/5, một bộ phận người dân Anh lại có một cuộc trưng cầu dân ý khác trong dư luận, đó là sự độc lập của Scotland.
Tuy không mặn mà với dự án đó nhưng vào tháng 10/2012 Thủ tướng Anh David Cameron đã ký một thỏa ước với Thủ tướng Scotland Alex Salmond. Được gọi là thỏa ước Edinbourg, văn bản này dự trù tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 18/9/2014.
Mọi công dân Scotland từ 16 tuổi trở lên sẽ được đặt câu hỏi: "Bạn có muốn Scotland trở thành một nước độc lập không?".
Một đất nước hoàn toàn bị cô lập?
Thủ tướng Salmond và đảng SNP của ông trấn an rằng, cuộc sống sẽ vẫn như cũ, nước Scotland độc lập vẫn sử dụng đồng bảng Anh, vẫn xem Nữ hoàng Anh là nguyên thủ (giống như Canada) và vẫn nằm trong EU. Nhưng vấn đề thoạt nhìn có vẻ đơn giản này sẽ có những hệ quả quan trọng đối với Scotland và Anh, thậm chí cả châu Âu, đến một mức độ chưa thể xác định được. Tuy số người "đồng ý" vẫn còn là thiểu số nhưng đã tăng lên đến 45% vào tháng 5/2014.
Tại Anh, Scotland chiếm một vị trí riêng biệt. Theo tờ Le Monde, lãnh thổ 5 triệu dân đó có "âm nhạc riêng, đơn vị tiền tệ riêng, một đội bóng chày và một đội bóng đá riêng, các cảnh quan riêng" và cả những tư tưởng chính trị riêng. Scotland nghiêng về cánh tả nhiều hơn và cũng thích EU hơn. Nhưng vào năm 2012, Thủ tướng xứ Galles Carwyn Jones và Thủ tướng Bắc Ailen Peter Robinson đã tỏ ý chống lại sự độc lập đó, cho rằng cần phải nghĩ đến "bản chất của mối quan hệ" giữa các quốc gia còn lại.
Nói rõ hơn là hai thủ tướng e ngại lúc ấy nước Anh sẽ áp chế mạnh mẽ hơn. Như tờ Libération nhận định, sự độc lập của Scotland sẽ "mở một lỗ hổng trong vương quốc" và khuyến khích tư tưởng của những người thích độc lập tại các nước khác. Tại Bắc Ailen, một số người cũng đòi hỏi trưng cầu dân ý về độc lập, bắt chước theo đảng Sinn Fein.
Người dân Scotland đòi hỏi độc lập. |
Đối với phe phản đối thì hoàn toàn ngược lại. Họ cho rằng nếu Scotland độc lập sẽ có nguy cơ bị cô lập. London cũng đã đưa ra vài lời đe dọa mập mờ, và Ngoại trưởng William Hague đã nhấn mạnh rằng, Scotland sẽ phải "khởi sự từ đầu cho một tiến trình đàm phán lâu dài và khó khăn" nếu muốn tái gia nhập EU. Scotland phải cần đến sự đồng thuận của 28 quốc gia thành viên, kể cả Anh và Tây Ban Nha vốn không thích sự độc lập đó vì tình hình tại Catalonia. Scotland cũng phải bỏ đồng bảng Anh vì các thành viên mới của EU cuối cùng phải sử dụng đồng euro.
Vào tháng 2/2013, London đã cho ấn hành một báo cáo của 2 chuyên gia pháp lý so sánh sự độc lập của Scotland với sự tan rã của Liên Xô. Nói rõ hơn, Scotland sẽ không dính líu đến bất kỳ định chế quốc tế nào và sẽ làm ứng viên nếu muốn gia nhập vào Liên Hiệp Quốc hay NATO.
Trên bình diện kinh tế, Scotland độc lập có thể khiến các nhà đầu tư quốc tế bỏ đi, đặc biệt là nếu nước này áp đặt một chế độ thuế cao hơn của nước Anh. Một bài báo trên tờ Financial Times cho biết rằng 3 công ty đánh giá Standard & Poor's, Moody's và Fitch không muốn gán hạng AAA cho Scotland.
Tàu ngầm, rượu whisky và chiến tranh lạnh Anh - Scotland
Một vấn đề quan trọng khác là các tài nguyên dầu khí. Thật vậy, khoảng 97% trữ lượng dầu hỏa của Anh và 58% trữ lượng khí đốt lại tập trung trên lãnh thổ Scotland, ở biển Bắc. Đến 20% GDP của Scotland phụ thuộc vào các tài nguyên đó và đất nước này có thể sử dụng nguồn lợi đó để tài trợ các chính sách xã hội hay giảm thuế.
Để trừng phạt, Anh dự tính sẽ ngưng đóng tàu chiến tại các xưởng đóng tàu ở Glasgow. Ngược lại, Chính phủ Scotland có thể yêu cầu Anh rút các tàu ngầm hạt nhân ra khỏi hải phận của mình.
Chuyên gia Didier Revest cho rằng, sức mạnh xung kích của Anh có thể bị tổn hại vì căn cứ hải quân Faslane của Scotland mà hạm đội Anh tập trung tại đấy "không những quan trọng về mặt địa chiến lược mà các tàu ngầm cũng có điều kiện lý tưởng để hoạt động". Tổng tham mưu trưởng Anh Georges Zambellas còn nói đến "một khoảng trống trong hệ thống quân sự Anh".
Một mối đe dọa khác cũng đáng kể mà London đưa ra, đó là thứ tài sản quý giá của Scotland: rượu whisky. Từ trước đến nay rượu whisky Scotland hưởng lợi từ hệ thống ngoại giao của Anh.
"Với tư cách là cựu đại sứ, tôi biết công nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào sự hậu thuẫn chính trị từ phía chính phủ, dù là tạo ảnh hưởng vào các cuộc đàm phán ở cấp độ EU hay gây áp lực trên các quốc gia khác để có thể tiếp cận thị trường của họ" - David Frost, Chủ tịch Hiệp hội Scotch Whisky, tuyên bố.
Tuy chưa có cuộc sống độc lập nhưng Scotland đã đối mặt với quá nhiều khó khăn