Nga - NATO: Tái lập đối thoại chính trị và quân sự

Thứ Hai, 06/07/2009, 09:15
Ngày 27/6 vừa qua, tại cuộc họp cấp cao ở đảo Corfou, Hy Lạp, đại diện NATO và Nga đã đồng ý khởi động trở lại hợp tác song phương trong lĩnh vực chính trị và quân sự trong khuôn khổ Hội đồng NATO - Nga. Cơ chế đối thoại này đã bị tạm ngưng hoạt động từ cuộc chiến Gruzia.

Đây là phiên họp cao cấp đầu tiên giữa Nga và NATO kể từ tháng 8/2008 đến nay và để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại Moskva sắp tới. Mặc dù còn nhiều bất đồng chính trị liên quan tới vùng Kavkaz, nhưng đại diện Nga và NATO khẳng định việc nối lại đối thoại là cần thiết hơn bao giờ hết.

Xin nhắc lại rằng, sau sự kiện Gruzia đem quân tấn công Abkhazia và Nam Ossetia vào tháng 8/2008, và Nga sau đó cũng đã đem quân đánh trả Gruzia để bảo vệ hai nước láng giềng này thì khối NATO đã đơn phương ngưng hợp tác đối thoại giữa hai bên. Khối quân sự này lên án Nga đã sử dụng vũ lực không tương xứng đối với Gruzia. Còn Nga thì cho rằng họ đã hành động hợp lý và đề nghị khối NATO cùng tổ chức một cuộc đối thoại cởi mở về vấn đề này để cùng hiểu nhau hơn.

Sau Chiến tranh lạnh, NATO và Nga đã có một số nỗ lực xoa dịu căng thẳng mà sự ra đời của Hội đồng NATO - Nga cùng việc thiết lập các mối liên lạc quân sự là ví dụ tiêu biểu. Tuy nhiên, trong khi những bất đồng lịch sử vốn đã hằn sâu trở nên rất khó giải tỏa thì những bất đồng mới lại không ngừng nảy sinh. Kế hoạch Đông tiến của NATO khiến Nga lo ngại đặc biệt.

Việc Ukraina và Gruzia, hai quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây, muốn gia nhập NATO và được Mỹ ủng hộ, được người Nga coi như là mối đe dọa. Và cuộc chiến giữa Nga và Gruzia hồi năm ngoái như giọt nước làm tràn ly khiến quan hệ giữa Nga - NATO có nguy cơ trở lại thời điểm Chiến tranh lạnh.

Các cuộc thương thuyết giữa NATO và Nga gần đây đã được mở trở lại nhưng ở cấp thấp. Tuy nhiên, tình hình lại căng thẳng trở lại sau khi NATO thực hiện cuộc diễn tập quân sự ở vùng Balkan và bị Nga phản đối. Trước tình hình này, cả phía Nga và đại diện NATO đều mong muốn tránh những đối đầu không cần thiết và nhanh chóng nối lại đối thoại đôi bên cùng có lợi. Tổng thư ký NATO là ông Jaap de Hoop Scheffer nói khối quân sự này muốn xoa dịu những căng thẳng giữa khối và Nga.

Trong hội nghị vừa qua tại Corfou, Nga và NATO cũng đồng ý trở lại nguyên tắc làm việc chung mà hai bên đã thỏa thuận được với nhau từ năm 2002. Đó là đối thoại cởi mở, hợp tác bình đẳng và giải quyết mọi vấn đề với tư cách cá nhân của mỗi nước thành viên. Bước tiến đầu tiên trong nối lại hợp tác Nga - NATO là hai bên thỏa thuận sẽ trao đổi thẳng thắn với nhau về các luận điểm an ninh chiến lược mỗi bên.

Ngày 7/7 tới, khối NATO sẽ mời một đại diện của Nga tới tham dự một cuộc họp giữa các chuyên viên cao cấp của khối NATO về vấn đề này.

Ngược lại, ngày 22/7, Nga sẽ gửi một nhân vật lãnh đạo của Hội đồng an ninh sang tham dự phiên họp của Hội đồng Nga - NATO tại Bruxelles để thuyết trình về các quan điểm an ninh quốc gia của Nga.

Còn về tương lai nối lại các hợp tác quân sự như thế nào thì hai bên sẽ phải tiếp tục bàn bạc với nhau trong các phiên họp tới để tìm ra những hình thức hợp tác sao cho hiệu quả và phù hợp với mong muốn và khả năng của mỗi bên.

Dmitry Rogozin, đại diện của Nga tại NATO, cho biết sự hợp tác quân sự Nga - NATO có thể được tiến hành trong một số mặt như chống hải tặc, nối lại sự tham gia của Nga vào các kế hoạch chống khủng bố của khối NATO đang tiến hành trong khu vực Địa Trung Hải. Hoặc là những hình thức hợp tác cụ thể này sẽ được tính toán dựa trên cả những khía cạnh kinh tế.

Mặc dù nối lại sự hợp tác toàn diện nhưng giữa Nga và NATO vẫn còn tồn tại những bất đồng chính trị chưa tìm được tiếng nói chung. Bất đồng lớn nhất là quan điểm của mỗi bên về sự kiện tại vùng Kavkaz tháng 8/2008. Nga vẫn muốn mở một cuộc đối thoại sâu rộng về chủ đề này nhưng cho đến nay các nước thành viên trong khối NATO vẫn né tránh mổ xẻ vấn đề một cách chi tiết hơn.

Ngoài bất đồng về vấn đề Gruzia, Nga và NATO cũng căng thẳng về dự án lá chắn chống tên lửa của Mỹ ở các nước Đông Âu. Ngoại trưởng Anh, David Miliband, tuyên bố bên lề hội nghị rằng, thế giới cần phải thiết lập lại mối liên hệ thân thiện với Nga để có thể tạo sự ổn định, nhưng phủ nhận phiên họp tại Corfu là sẽ xóa hết mọi việc về cuộc tranh chấp tại Gruzia.

Ông Miliband cho biết Nga và châu Âu đều không thể quên được những gì đã xảy ra, họ chỉ cố gắng vượt qua và châu Âu vẫn giữ nguyên những nguyên tắc của mình. Riêng cá nhân ông Miliband không nghĩ đến chuyện phong tỏa Nga vì đây là một  giải pháp tốt, hai bên cần phải hòa hợp với nhau.

Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, cho biết phiên họp lần này có những tiến triển rất tốt, và đã có những trao đổi rất thẳng thắn để giải quyết những khác biệt giữa hai bên, nhất là về vấn đề Gruzia. Tuy nhiên, ông nói Nga vẫn tiếp tục công nhận hai khu vực ly khai của Gruzia là điều không thể thay đổi, và các nước phương Tây nên chấp nhận việc đó.

Về những vấn đề khác, ông nói hai bên có những cái nhìn giống nhau và Nga cũng muốn đưa những quan sát viên quốc tế đến Gruzia và Nam Ossettia cũng như Abkhazia, để giải quyết những tranh chấp tại đây

Nguyễn Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.