Nga - Pháp… cũng cần có nhau

Thứ Sáu, 25/06/2010, 15:00
Trong khi Pháp mong muốn bắt kịp Đức trong quan hệ kinh tế với các nước Đông Âu, nhất là với Nga, thì Moskva lại muốn hiện đại hóa nền kinh tế để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Nhu cầu của hai nước đã được hội tụ tại Hội chợ Kinh tế thế giới Saint-Peterbourg hôm 19/6 vừa qua. Tuy nhiên, sự xích lại gần nhau giữa hai quốc gia này đang khiến các thành viên NATO lo ngại.

Trước khi tới tham dự Hội chợ Kinh tế thế giới lần thứ 14 được tổ chức tại cố đô nước Nga, Saint-Peterbourg, Tổng thống Pháp đã hết lời ca ngợi quan hệ chính trị và kinh tế Pháp - Nga trong thời gian gần đây. Khi tới nơi, người đứng đầu nước Pháp đã hiện thực hóa mối quan hệ đó thành hàng loạt những thỏa thuận chính phủ và thương mại, đồng thời tái khẳng định rằng, châu Âu và Nga phải "đồng lòng", nhất là trên vấn đề bình ổn thị trường tài chính thế giới và cải cách việc quản lý thế giới.

Trong chuyến đi Nga lần này, ông Sarkozy đã dẫn theo phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu nhất từ trước đến nay và chọn biểu tượng của sự phát triển quan hệ giữa hai nước là bản cam kết xây dựng 2 tòa tháp cao 320m tại khu thương mại Défense, gần Paris, của Tập đoàn Bất động sản Hermitage của Nga.

Đúng như mong đợi, trong chuyến thăm này, Tập đoàn GDF-Suez của Pháp cũng đã được phía Tập đoàn Gazprom của Nga chấp thuận cho tham gia đấu thầu xây dựng đường ống dẫn dầu North Stream, cùng với các Tập đoàn EON và BASF của Đức và Tập đoàn Gasunie của Hà Lan. Tập đoàn Năng lượng EDF của Pháp cũng được quyền đóng góp 10% số vốn, cùng với Tập đoàn ENI của Italia và Tập đoàn Gazprom, vào Công ty South Stream AG để tham gia dự án xây dựng một hệ thống đường ống dẫn dầu khác cung cấp cho châu Âu đi qua biển Đen.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Alstom, chuyên về cung cấp các thiết bị cho giao thông đường sắt và năng lượng trên thế giới, đã ký hợp đồng cung cấp 200 đầu máy tàu hỏa cho Công ty Sản xuất tàu điện Transmachholding (TMH) của Nga nhằm phục vụ các tuyến đường sắt ở Kazakhs. Vượt qua các lĩnh vực hợp tác truyền thống là năng lượng và cơ sở hạ tầng, chuyến thăm Nga của Tổng thống Sarkozy lần này đã mở thêm được hai lĩnh vực hợp tác mới, đó là bất động sản và thực phẩm nông nghiệp. Tập đoàn Thực phẩm Danone của Pháp và Tập đoàn Unimilk của Nga đã đồng ý thành lập một cơ sở sản xuất sữa lớn nhất tại Nga. Theo đó, Danone đầu tư 1,3 tỉ euro để mua 57% phần vốn của công ty chung mới thành lập.

Tổng thống Pháp Sarkozy (trái) và Tổng thống Nga Medvedev tại Saint-Peterbourg.

Theo giới quan sát, mục tiêu của Pháp trong mối quan hệ này rất rõ ràng: bắt kịp nước Đức, đối tác số 1 của Nga. Trong những năm gần đây, Paris, đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Nga, vượt qua cả Italia và Mỹ. Hiện tại có trên 3 tỉ euro của Pháp đầu tư tại Nga và 2 tỉ euro của Nga đầu tư tại Pháp.

Trong cuộc hội đàm giữa 2 tổng thống, ông Sarkozy cam kết rằng, Pháp luôn sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán với Téhran về vấn đề hạt nhân của nước này thông qua Tổ chức Năng lượng và Nguyên tử quốc tế. Cuối cùng, chỉ còn vài ngày nữa là tới Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Toronto, Canada, Tổng thống Nicolas Sarkozy mong muốn nhận được sự ủng hộ của Nga để thay đổi nhiều vấn đề trên thế giới, nhất là trên vấn đề bình ổn thị trường tài chính quốc tế.

Sự xích lại gần nhau giữa Pháp và Nga trong thời gian gần đây đã khiến một số thành viên trong Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo ngại, nhất là vấn đề Nga muốn mua tàu chiến của Pháp. Trong cuộc họp báo sau khi hội đàm với Tổng thống Nga Dmitri Medvedev công du Paris hồi đầu tháng 3 vừa qua, Tổng thống Sarkozy tuyên bố là hai nước bắt đầu những cuộc thương lượng về hồ sơ mua bán tàu chiến. Cụ thể là Nga muốn mua 4 tàu chiến, loại Mistral, với tổng giá trị hợp đồng từ 300 đến 500 triệu euro.

Theo giới chuyên gia quân sự, Mistral là loại tàu đổ bộ hiện đại của Pháp, được trang bị hệ thống thông tin hiện đại, có thể chở được 16 trực thăng, khoảng 70 xe cơ giới trong đó 13 xe tăng. Tháng 8/2009, sau khi Nga đã tiết lộ ý định mua tàu chiến của Pháp, một số thành viên NATO, có biên giới gần với Nga như Estonia, Litva, Ba Lan đã đòi Paris phải giải thích.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Litva, Rasa Jukneviciene, được báo Le Monde trích dẫn, thì việc bán tàu chiến Mistral cho Nga không phải là một mối "đe dọa trực tiếp" đối với an ninh Litva hoặc các đồng minh trong Liên minh châu Âu và NATO. Tuy nhiên, bà bộ trưởng cho rằng học thuyết quân sự mới của Nga coi việc mở rộng NATO và các hoạt động khác của khối này như là mối đe dọa quân sự hàng đầu, đến từ bên ngoài.

Để trấn an các đồng minh, cuối tháng 2/2010, Bộ trưởng Pháp phụ trách vấn đề châu Âu Pierre Lellouche đã công du Litva, Latvia, Estonia và tạt qua Ukraina. Tại những nơi này, Paris đưa ra thông điệp là tàu Mistral do Pháp đóng, giao cho Nga, chỉ là một tàu dân sự vì không hề được trang bị bất kỳ loại vũ khí, thiết bị quân sự nào.

Hơn nữa, theo ông Lellouche, nếu phương Tây muốn sang một trang mới trong quan hệ với Nga, gạt bỏ tư duy Chiến tranh lạnh, thì không thể nào tiếp tục cấm vận đồng thời lại tuyên bố rằng cần phải đối xử với Nga như một đối tác và quốc gia hữu hảo.

Theo Thông tấn xã RIA Novosti, nhiều chuyên gia quân sự và công nghiệp Nga cũng đặt câu hỏi về vụ mua bán tàu chiến giữa hai nước. Theo một số nhà phân tích thì có thể thông qua vụ này, Nga muốn có cơ hội tiếp cận với công nghệ hàng hải hiện đại của phương Tây để có thể sử dụng trong tương lai nếu xảy ra xung đột với NATO hoặc với thành viên của khối này.

Trong khi đó, giới quan sát nêu ra những tính toán thực tế của Paris. Báo The Guardian nói thẳng là nước Pháp cần hợp đồng này để tạo công ăn việc làm, cứu xưởng đóng tàu Saint Nazaire, nơi đã đóng chiếc tàu Mistral đầu tiên cho hải quân Pháp. Việc Pháp bán tàu Mistral cho Nga sẽ mở đường cho các hợp đồng quân sự khác giữa hai nước

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.