Nga: Cố gắng ngăn chặn những diễn biến nghiêm trọng

Thứ Năm, 13/03/2014, 16:45

60% dân số ở bán đảo Crimea, Ukraina, là người Nga. Một Ukraina ổn định sẽ là phên dậu bảo vệ Nga trước các thế lực thù địch bên ngoài. Đảm bảo lợi ích kinh tế, địa chính trị và các căn cứ quân sự, nhất là để bảo vệ tính mạng các công dân của mình tại Ukraina, Nga quyết định đưa quân vào Crimea.

Vì lợi ích dân tộc

Kể từ sau khi chính quyền thân phương Tây tại Kiev được dựng lên, hiện tượng bài Nga ở Ukraina không ngừng tăng mạnh với tần suất đáng lo ngại. Các tượng đài anh hùng Nga bị giật đổ, một số nơi bị cấm nói tiếng Nga, tính mạng của các công dân Nga tại Ukraina bị đe dọa bởi các phần tử quá khích. Bất chấp những cảnh báo từ phía chính quyền Moskva, tình trạng trên không được cải thiện. Điều này đã dẫn đến việc Duma Quốc gia Nga ngày 1/3 chấp nhận thông điệp đề nghị của Tổng thống Putin, theo đó cho phép sử dụng lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ Ukraina cho đến khi tình hình chính trị - xã hội tại đất nước này trở lại bình thường.

"Trong tương quan tình hình bất thường ở Ukraina, đe dọa cuộc sống của các công dân Nga - đồng bào của chúng ta, đe dọa cuộc sống của các nhân viên đội ngũ quân sự thuộc lực lượng vũ trang Liên bang Nga bố trí theo quy định của thỏa thuận quốc tế trên lãnh thổ Ukraina (Cộng hòa tự trị Crimea), trên cơ sở mục "G" Phần 1 điều 102 của Hiến pháp Liên bang Nga, tôi gửi tới Hội đồng Liên bang Nga yêu cầu cho phép sử dụng lực lượng vũ trang Liên bang Nga trên lãnh thổ Ukraina”, trích văn kiện của Tổng thống Putin trên trang web Điện Kremlin.

Trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina trong thời gian qua, thái độ của Nga rất chừng mực. Phải đợi tới ngày 2/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới chính thức lần đầu lên tiếng về việc này, mặc dù trước đó Thủ tướng Medvedev và Ngoại trưởng Lavrov cũng đã cảnh báo chính quyền mới tại Kiev cũng như những thế lực bảo trợ bên ngoài.

"Nga không thể đứng ngoài khi hiện hữu mối đe dọa cho người dân Nga tại Crimea" - đó là tuyên bố của Tổng thống Putin trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống Mỹ Obama. Tổng thống Nga còn lưu ý người đồng cấp Mỹ về những hành động tội phạm của các phần tử dân tộc cực đoan, trên thực tế đang được chính quyền ở Kiev hiện nay khuyến khích.

Tổng thống Putin khẳng định: Nga sẽ không đứng ngoài nếu bạo lực leo thang đối với công dân Nga ở Ukraina.

Ngay sau phát biểu của nguyên thủ Nga, hàng nghìn binh lính Nga đã tiến vào Crimea và tính đến ngày 4/3, gần hết các cơ sở quân sự, sân bay và cơ quan công quyền tại bán đảo thuộc Ukraina nhưng có đến 60% công dân Nga sinh sống này đã được đặt dưới sự kiểm soát của binh lính Nga. Trang web rt.com của TV-Novosti, ngày 1/3 đưa tin, Kỳ hạm Hải quân Ukraina, Khu trục hạm Hetman Sahaidachny, đã khước từ lệnh từ Kiev và đứng về phía Nga. Trên đường trở về Ukraina, sau khi tham gia cuộc tập trận của NATO tại Vịnh Aden, khu trục hạm này đã giương cờ hải quân Nga.

Theo Reuters, tân chính quyền Kiev hôm 2/3, đã tiến hành khởi tố tân Chỉ huy Hải quân Ukraina, Đô đốc Denis Berezosvki, với tội danh phản bội Tổ quốc. Chỉ một ngày sau khi được bổ nhiệm, vị chỉ huy này đã giao tổng hành dinh Sebastopol cho lực lượng Nga. Reuters cho biết, Đô đốc Berezosvki đã xuất hiện trên truyền hình Nga và tuyên thệ trung thành với chính quyền thân Nga ở Crimea.

Đây là vố đau đối với chính quyền mới Kiev đang bị mất khả năng kiểm soát vùng Crimea. Theo một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Ukraina, thì dường như đây không phải là vụ đào ngũ duy nhất trong quân đội Ukraina. Đài Tiếng nói nước Nga ngày 2/3 cho biết, binh sĩ Ukraina thuộc các đơn vị đồn trú tại Crimea đã rời doanh trại và viết đơn hàng loạt xin xuất ngũ. Các doanh trại, thiết bị quân sự và vũ khí để lại được chuyển sang sự kiểm soát của lực lượng tự vệ, hiện đảm bảo an ninh và trật tự trong khu vực.

Đô đốc hải quân Ukraina Denis Berezovski xuất hiện trên truyền hình Nga và tuyên bố trung thành với chính quyền thân Nga ở Crimea ngày 2/3.

Mỹ và phương Tây ra lời cảnh báo

Trước việc Nga đưa quân vào Ukraina, phương Tây đã có những phản ứng khác nhau. Ngày 1/3, Tổng thống Mỹ Obama có cuộc điện đàm được cho là gay gắt trong vòng 90 phút với Tổng thống Nga Putin, nhưng sau cùng cũng không thuyết phục được Nga rút quân, theo Reuters. Nhà Trắng nói rằng, ông Obama tuyên bố sẽ trừng phạt nếu Nga tấn công quân sự vào Ukraina.

Binh lính không rõ thuộc quốc gia nào, đi tuần xung quanh căn cứ quân sự ở Perevalne, Ukraina, hôm 2/3.

Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ có thể áp dụng bao gồm: hủy chuyến thăm của ông Obama tới Nga dự Hội nghị Thượng đỉnh G-8 vào tháng 6 tại Sochi, ngừng các cuộc đàm phán về buôn bán. Nhưng theo những gì Điện Kremlin cho biết về cuộc điện đàm, Tổng thống Putin không hề tỏ dấu hiệu nhượng bộ.

Trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Mỹ Samantha Power nói rằng, việc gửi các quan sát viên quốc tế của Liên Hiệp Quốc hay Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) là cách duy nhất để "tìm hiểu sự việc".

Tại tổng hành dinh của khối NATO ở Brussels, Bỉ hôm 2/3, Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen kêu gọi mở một cuộc họp khẩn cấp cấp ngoại trưởng về tình hình tại Ukraina. Tổng thống Mỹ cũng điện đàm với Tổng thống Francois Hollande của Pháp và Thủ tướng Stephen Harper của Canada về vấn đề Ukraina. Thủ tướng Harper đã triệu hồi Đại sứ Canada ở Moskva và cảnh báo rằng, nước ông sẽ theo bước Washington trong việc tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh G8 ở Nga.--PageBreak--

Không để bất cứ ai vượt qua giới hạn

Câu hỏi thú vị được đặt ra ở đây là vì sao tất cả số binh lính xuất hiện trên bán đảo Crimea ngày 1-3 lại không mang phiên hiệu, cấp bậc và tất cả đều bịt mặt? Moskva từ chối bình luận về xuất xứ của nhóm người này. Truyền thông phương Tây gọi đây là những người lính "lạ" và theo giới phân tích, thực chất họ là binh lính của Nga bởi không khó nhận biết điều đó qua tác phong của họ. Mang quân phục chính quy màu xanh nhưng không mang phiên hiệu cấp bậc đơn vị, mặt thường che kín, được trang bị tiểu liên hiện đại, những người lính mặt lạnh lùng từ chối mọi câu hỏi của báo chí, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Theo trang thông tin Daily Beast (Mỹ), dẫn các nguồn tin từ Moskva, những binh sĩ nói trên thuộc một tổ chức quân sự tư nhân, làm việc theo hợp đồng với chính quyền Nga để bảo vệ các cơ sở của Nga ở Crimea. Nhưng theo chính quyền Ukraina hiện nay thì chắc chắn họ là những binh sĩ Nga thuộc Hạm đội Biển Đen, đóng căn cứ tại Sebastropol.

Serguei Zgourets, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quân đội và Giải trừ vũ khí tại Kiev phân tích: "Nhìn cách thức những binh sĩ này ra khỏi xe, đi tuần tra, mang vũ khí ... tất cả đều cho thấy đây là những lính thủy thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga". Ông giải thích thêm: "Các đơn vị tự vệ không được huấn luyện đầy đủ cũng như họ không thể có được quân trang quân dụng đầy đủ như vậy".

Tuần báo Ukraina Dzerkalo Tyjnia hôm 2/3 có nói rằng, những đơn vị lính lạ này thuộc lực lượng đặc nhiệm của quân đội Nga. Nhiệm vụ của họ là tác chiến ở nước ngoài khi lợi ích quốc gia của Nga bị đe dọa.

Hiện nay dư luận Nga đang rất sôi sục vì nghĩ rằng những người anh em nói tiếng Nga bên Ukraina đang gặp nguy hiểm, cần phải được bảo vệ. Ở miền Nam nước Nga, theo sáng kiến của các nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan, các đội dân quân đã được thành lập để ứng cứu các "đồng hương" ở Ukraina.

Đại sứ thường trực Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin cho biết: "Phải biết giữ một cái đầu lạnh. Đưa vấn đề vào luồng chính trị trong các khuôn khổ hiến pháp, quay về với thỏa thuận ký ngày 21/2 và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, chấm dứt mưu toan nói chuyện bằng vũ lực với các đối thủ kể cả sắc tộc lẫn chính trị. Cần phải tự mình tách khỏi những phần tử cực đoan, thay vì cho phép họ cưỡi cổ trên lãnh thổ Ukraina, vì đó là những động thái có thể dẫn đến các diễn biến rất nghiêm trọng mà Nga đang cố gắng ngăn chặn".

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn người Nga tin rằng bán đảo có đông đảo cư dân nói tiếng Nga của Ukraina nên thuộc về Nga. Thông tấn xã Nga loan tin một cuộc trưng cầu dân ý được dự định vào ngày 30/3 ở Crimea sẽ cho cử tri quyền lựa chọn, hoặc tiếp tục là vùng tự trị trong lãnh thổ Ukraina hoặc sáp nhập vào Nga. Song song với việc này viện Duma trong tuần này sẽ thảo luận một dự luật mới để Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ mới dễ dàng hơn. Theo luật này, các cuộc trưng cầu dân ý địa phương sẽ vượt qua các hiệp định quốc tế.

Đối với phương Tây, việc đưa "lính lạ" vào Ukraina của Nga là nhằm làm nguội những cái đầu nóng không chỉ ở Kiev, mà cả Washington và Brussels. Phó giám đốc Viện Nghiên cứu CIS Igor Shishkin cho biết: "Đây là một thông điệp rõ ràng cho chính phương Tây, rằng đã tới lúc nên chấm dứt sự xâm lược gián tiếp - chúng ta hãy gọi sự việc theo đúng tên. Sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận liên kết (với EU), những cơ chế vũ lực đã được vận dụng để lật đổ chính quyền hợp pháp, để bứt Ukraina khỏi Nga. Nga đã nhiều lần đề nghị phương Tây ngừng làm như vậy, tiến hành thương lượng.

Câu trả lời là bước tiếp theo của sự gây hấn. Lúc này, đã thể hiện rõ ràng một điều - tồn tại vạch đỏ giới hạn. Nga sẽ không cho phép bất cứ ai vượt qua giới hạn đó. Đây là lúc cần thiết dừng lại, ngồi vào bàn thương lượng và đàm phán lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị. Chỉ như vậy, tình hình mới có thể dịu bớt, sau đó tổ chức cuộc bầu cử dân chủ trung thực, không phải dưới họng súng của "bộ phận cánh hữu" mà là hoạt động giám sát quốc tế, làm xuất hiện một chính quyền mới. Chính phủ hiện nay ở Ukraina là chính phủ của những kẻ nổi dậy".

Vào lúc Mỹ và châu Âu tỏ ra lúng túng trước thái độ cứng rắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tối 2/3, đã thuyết phục được ông Putin chấp nhận lập nhóm tiếp xúc để tiến hành đối thoại, với hy vọng tìm được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraina. Trước đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã tuyên bố chống lại việc trục xuất Nga ra khỏi nhóm G8, một biện pháp mà Mỹ dự tính.

Theo Berlin, biện pháp này không có hiệu quả, bởi vì G8 là diễn đàn duy nhất mà phương Tây có thể nói chuyện trực tiếp với Nga. Ngoại giao Đức có truyền thống đóng vai trò hàng đầu trong quan hệ với Nga. Đối với Berlin, việc duy trì các tiếp xúc với Moskva đã có từ lâu và mang tính chiến lược và không thể có hòa bình trong khu vực mà không có sự tham dự của ông Putin.

Tình hình tại bán đảo Crimea xinh đẹp rộng 26.000km2 bấy lâu nay luôn được xem là một trong những địa điểm thu hút du lịch bậc nhất của vùng Biển Đen hiện đang nóng bỏng. Đối với Moskva, vùng Crimea mang một tầm vóc chiến lược: cảng Sebastopol là căn cứ của Hạm đội Biển Đen. Crimea giữ một vai trò đặc biệt trong lòng người dân Nga và theo phần lớn người dân Nga, Crimea thuộc lãnh thổ Nga xét về lịch sử.

Hiện nay người dân gốc Nga tại Crimea chiếm đa số, khoảng 60% trên dân số 2 triệu người, còn người Ukraina chỉ chiếm 1/4. Rất nhiều người nói tiếng Nga mang 2 quốc tịch. Một bộ phận dân tộc khác là người Thát Đát lại ủng hộ phe chính phủ lâm thời. Cộng đồng Hồi giáo này đã có mặt tại đấy từ thế kỷ XIII. Trước đây nằm dưới sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Crimea - một phần đất thuộc đế chế Mông Cổ - được Nữ hoàng Catherine II sáp nhập vào Nga năm 1783. Giữa thế kỷ XIX, Pháp và Anh đưa quân sang để ngăn chặn sự bành trướng của Nga ở Biển Đen. Rất lâu sau đó vùng này mới thuộc về Ukraina: năm 1954 Khrouchtchev tặng Crimea cho Ukraina.
 
Khi Liên Xô tan rã, người dân đa số nói tiếng Nga mong muốn Crimea quay về với nước mẹ. Nhưng Hòa ước Minsk thành lập Cộng đồng Các quốc gia độc lập lại quyết định khác. Tuy thế, bán đảo Crimea vẫn có quy chế cộng hòa tự trị. Vấn đề này tiềm ẩn mâu thuẫn từ lúc đó. Vùng Crimea là nguồn cơn nhiều mối bất đồng giữa Kiev và Moskva. Tiêu điểm chính là Sebastopol. Cảng này là nơi thả neo của Hạm đội Biển Đen. Thỏa ước đầu tiên năm 1997 cho Hạm đội Biển Đen thuê có thời hạn 20 năm. Đến năm 2010, Nga và Ukraina gia hạn thỏa ước thêm 25 năm, bù lại Ukraina được giảm 30% trên giá khí đốt của Nga. Vị thế của Crimea đảm bảo cho Nga quyền kiểm soát trên Biển Đen và vùng Kavkaz. Sebastopol là cửa ngõ duy nhất ra Địa Trung Hải qua các eo biển Dardanelles và Bosphore.

Mê Linh (theo Le Figaro)

Mộc Thạch - Đan Kô (tổng hợp)
.
.