Nga - Đức không muốn căng thẳng chính trị làm “khổ” quan hệ kinh tế

Thứ Hai, 30/10/2017, 14:19
Bất chấp những khó khăn chính trị đang tồn tại, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố sẽ cùng nỗ lực phát triển quan hệ song phương. Đức đang mắc kẹt trong quan hệ với EU, Mỹ, song Đức đã quyết định chọn xích lại gần Nga. Đức cần tài nguyên, nhiên liệu thô từ Nga, cần thị trường Nga, còn Nga cần vốn và công nghệ Đức.

Đức không muốn “vào hùa” với EU trừng phạt Nga

Phát biểu sau cuộc hội đàm ngày 25-10 tại Moskva với Tổng thống Đức Steinmeier, Tổng thống Nga V.Putin cho biết, cho dù đang đối mặt với những khó khăn chính trị, song quan hệ Nga - Đức không giậm chân tại chỗ, hai bên nhất trí sẵn sàng cùng nhau phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương.

Theo ông Putin, kim ngạch thương mại hai chiều sụt giảm phần lớn liên quan đến những bất đồng chính trị, song Đức vẫn là một trong những đối tác kinh tế nước ngoài hàng đầu của Nga và nhà đầu tư chủ chốt vào nền kinh tế “xứ sở bạch dương”.

Ở phía bên kia, Tổng thống Steinmeier chia sẻ ông cảm thấy “không vui” với quan hệ hiện tại. Từ khi còn giữ chức Ngoại trưởng Đức, ông đã luôn chủ trương thân thiện với Moscow.

Quan hệ Nga - Đức đang tiến triển thuận lợi khi những người lãnh đạo cao nhất của hai bên đều muốn cải thiện quan hệ. Thủ tướng Đức Angela Merkel khi đến Moskva dự Đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít đã gọi Nga là đối tác quan trọng. Còn Tổng thống Putin cũng cho rằng sự hợp tác giữa Nga và Đức có đóng góp lớn trong việc ổn định nền kinh tế thế giới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel từng bày tỏ: “Tôi muốn là người đầu tiên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để thực hiện điều đó”.

Các nhà phân tích cho rằng, những động thái của Đức xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là lợi ích quốc gia của nền kinh tế số một châu Âu nếu duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga. Bởi Đức là đối tác quan trọng của Nga trong lĩnh vực năng lượng từ nhiều năm qua, mà nổi bật là dự án Dòng chảy phương Bắc, bao gồm 2 nhánh ống dẫn cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt cho Đức và châu Âu hằng năm.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Ảnh: Sputnik.

Nhiều tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện trong quan hệ giữa hai nước. Nếu năm 2016 kim ngạch thương mại hai chiều giảm 11% thì trong hai quý đầu năm nay đã tăng thêm 25%. Đầu tư trực tiếp từ Đức vào nền kinh tế Nga trong quý I/2017 đạt 312 triệu USD, cao hơn nhiều so với cả năm 2016. Hơn nữa, hiện có hơn 5.500 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Nga với tổng doanh thu vượt 50 tỷ USD.

Đức không thể tồn tại mà không có các đối tác kinh tế ổn định. Đức chưa bao giờ có thể tự cường kể từ khi thống nhất và vì thế sẽ phải tìm kiếm các cách thức khác. Lựa chọn thay thế rõ nhất luôn là Nga. Đức cần có nguồn tài nguyên, nhiên liệu thô từ Nga, cần thị trường Nga cho hàng hóa Đức. Nga không thể phát triển nhanh mà không có trợ giúp từ bên ngoài và khi giá dầu lao dốc, Nga sẽ phải ưu tiên ổn định nền kinh tế. Điều mà Đức có thể hỗ trợ Nga là vốn, công nghệ và phương thức quản lý.

Tăng quan hệ với Nga, Đức “mắc kẹt” với NATO, EU và Mỹ

Các chuyên gia nhận định, việc Đức liên minh với Nga có thể sẽ giúp tạo lập ổn định ở Đông Âu theo tính toán của Đức. Với những gì đang diễn ra và với thế kẹt của Đức trong quan hệ với EU, Mỹ, việc xích lại gần Nga là một lựa chọn phải trả giá đắt, nhưng cũng rất giàu tiềm năng thu lời. Việc giúp Nga phát triển kinh tế để tạo ra thị trường lớn cho hàng hóa Đức sẽ mang lại lợi ích cho cả hai, nhưng cũng sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu.

Nước Đức lo ngại rằng, nước Nga khi đó sẽ mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự, trong khi Đức chỉ duy trì được lợi thế kinh tế. Nếu lảng tránh Mỹ, Berlin khi đó sẽ lại rơi vào tình thế cũ. Đó là họ dễ bị tổn thương trước quyền lực Nga và không có đồng minh để chống Nga. Khi mà bối cảnh quốc tế chuyển dịch, trong ngắn hạn, Mỹ dễ bị tổn thương bởi suy thoái chu kì, còn thái độ chống Đức sẽ gia tăng ở châu Âu, nhất là Đông Âu.

Tờ Tương lai địa chính trị toàn cầu (GPF) bình luận rằng cho dù thông qua con đường liên minh hay trừng phạt, Nga vẫn là một lựa chọn của Đức để thay thế Mỹ và Liên minh châu Âu. Đức có hai mối quan hệ thiết yếu và trọng tâm nhất, đó là với EU và Mỹ. Tuy nhiên, cả 2 mối quan hệ này đều không ổn định tại thời điểm hiện nay.

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức A.Merken. Ảnh: Euronews.

Sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit), khủng hoảng ở Tây Ban Nha liên quan đến xu thế đòi độc lập cho Catalunya, mâu thuẫn Đức - Ba Lan và những thách thức kinh tế chưa giải quyết được của khu vực Nam Âu đang làm rạn nứt sự liên kết trong EU. Dù lãnh đạo EU đều lên tiếng khẳng định không một yếu tố nào trên đây có thể đe dọa sự vững mạnh của liên minh, song Đức dĩ nhiên hiểu rằng phía trước là những thách thức không nhỏ.

Tình trạng căng thẳng đã xuất hiện giữa Ba Lan và Đức liên quan đến quyền tự quyết quốc gia với việc tuân thủ nguyên tắc của EU. Đó cũng chính là yếu tố nổi lên trong vụ Brexit. Là đầu tàu của EU, Đức đương nhiên phải tỏ ra tự tin, nhưng ẩn sau đó vẫn phải tính đến những kịch bản xấu có thể xảy ra đối với EU.

Trong lĩnh vực quân sự, an ninh - quốc phòng, tuy đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song Mỹ và Đức lại có quan điểm khác biệt về sứ mệnh của từng nước. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine vẫn tiếp diễn, với việc Mỹ điều quân đến đồn trú tại các nước Baltic, Ba Lan và Romania.

Động thái này làm gia tăng rạn nứt trong nội bộ EU. Đức không hứng thú với một cuộc Chiến tranh lạnh lần thứ hai, trong khi các nước Đông Âu cho rằng đây là thực tế đang diễn ra. Đông Âu ngày càng xa lánh Đức trong vấn đề này và quay sang liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ. Đức muốn vấn đề liên quan đến Nga lắng xuống, trong khi Mỹ và các đồng minh Đông Âu cho rằng chỉ có thể giải quyết được bài toán này qua đối đầu với Nga.

Nhìn rộng ra, chính sách đối ngoại của Đức không có nhiều thay đổi và Berlin đã chuẩn bị cho kịch bản EU tiếp tục phân rã về chính sách an ninh quốc phòng, đối ngoại. Chính quyền Đức cũng sẽ phải tính đến hệ quả của việc Mỹ tiếp tục định hình chuyển động ở châu Âu theo cách thức hoặc là buộc Đức phải đối diện với kẻ thù của Mỹ, hoặc là Đức không chấp nhận cách làm này.

Nguyễn Hòa
.
.