Nga - Mỹ giằng co “mối lợi” châu Âu

Thứ Năm, 02/01/2020, 11:45
Không dừng lại ở việc ban bố lệnh trừng phạt các công ty tham gia xây dựng dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt của Nga bán cho châu Âu, Mỹ tiếp tục đe dọa tăng cường biện pháp mạnh. Tuy nhiên, Nga không dễ dàng để Mỹ giành mất thị trường châu Âu.

Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các nhà thầu phụ xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) nếu họ không dừng lại trước ngày 20-1, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29-12-2019 cho biết.

Trước đó, ngày 17-12, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt đối với đường ống khí đốt Nord Stream 2 của Nga. Các biện pháp trừng phạt này nhằm vào các công ty hợp tác xây dựng đoạn đường ống dưới biển Baltic trong dự án trên. Ngày 20-12, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành dự luật này.

Một trong những mục tiêu chính mà Mỹ muốn nhắm đến là Allseas, một công ty Thụy Sĩ sở hữu tàu rải ống lớn nhất thế giới, Pioneering Spirit, được Gazprom của Nga thuê để xây dựng đoạn đường ống dưới biển. Các biện pháp trừng phạt của Quốc hội Mỹ bao gồm đóng băng tài sản và thu hồi thị thực Mỹ của các nhà thầu tham gia dự án Nord Stream 2.

Ngay sau khi lệnh trừng phạt được đưa ra, Công ty Allseas đã bị buộc phải dừng thi công và thu hồi các tàu của họ. “Nếu do lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ, Allseas không thể hoàn thành dự án, chúng tôi có khả năng tự mình hoàn thành dự án này”, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 28-12 nói với các nhà báo tại Moscow.

“Điều này cần điều chỉnh đôi chút công việc tổ chức. Tôi nghĩ rằng việc này có thể được thực hiện trong vài tháng nữa”, ông Novak nói, đồng thời khẳng định Nord Stream 2 sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2020. Bộ trưởng Năng lượng Nga cũng nói rằng vấn đề xây dựng đường ống của Allseas hiện vẫn chưa được ngã ngũ.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak.

“Hiện tại, vẫn còn quá sớm để nói rằng Allseas sẽ không thể hoàn thành Nord Stream 2. Công ty đã dừng thi công để tránh mọi rủi ro bị Mỹ trừng phạt. Dù vậy, đường ống vẫn sẽ được xây dựng. Chỉ còn dưới 160 km đường ống nữa, Nord Stream 2 sẽ hoàn thiện”, ông Novak nói.

Bộ trưởng Novak cho biết Công ty Allseas đã gửi yêu cầu giải thích từ Bộ Tài chính Mỹ và chỉ sau khi nhận được câu trả lời, họ sẽ quyết định có thể tiếp tục hay không.

Đã được xây dựng hơn 80%, đường ống ngầm dưới biển nối Nga đến bờ biển Đức sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên của Nga chuyển sang Tây Âu thông qua Đức, quốc gia tiêu thụ chính từ dự án này. Do Tập đoàn Gazprom của Nga khởi xướng, hợp tác với các công ty châu Âu: Engie, OMV, Shell, Uniper và Wintershall, Dòng chảy phương Bắc 2 có công suất 110 tỷ m3 mỗi năm.

Nhưng đối với Washington và một số nước châu Âu như Ba Lan, các nước Baltic và Ukraine, đường ống này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga. Họ cho rằng Moscow có thể sử dụng khí đốt như một vũ khí để gây áp lực chính trị với châu Âu. Ngoài ra, những nước phản đối còn cho rằng Nord Stream 2 khiến đồng minh Ukraine của họ bị mất nguồn thu đáng kể từ việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu. Nga đã nhiều lần chỉ ra rằng Nord Stream 2 là một dự án kinh tế thuần túy đáp ứng lợi ích của châu Âu.

Đối với một số nhà quan sát, ngoài cuộc xung đột địa chính trị với Nga, sự phản đối của Mỹ đối với Nord Stream 2 là một phần của cuộc tấn công thương mại từ Hoa Kỳ: Washington, một nhà sản xuất khí đốt lớn, muốn tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu mặc dù châu lục này có chút kháng cự vì giá khí đốt của Mỹ bán cho họ cao hơn nhiều của Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mới đây cho rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Nord Stream 2 chẳng khác nào hành động cấm các quốc gia khác phát triển kinh tế. Về phần mình, Konstantin Kossatchev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga, gọi lệnh trừng phạt của Mỹ là “thổ phỉ”.

“Nga tuyệt đối không được điều chỉnh hành động của mình trong dự án Nord Stream 2. Chúng ta phải đảm bảo mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch”, ông Kosatchev nói. Ông cũng nói rằng ông hy vọng các nhà lãnh đạo của các nước châu Âu sẽ thực hiện các biện pháp chính trị, pháp lý và tài chính để bảo vệ các công ty liên quan đến việc xây dựng đường ống và bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) đã tố cáo lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty liên quan đến việc xây dựng đường ống Nord Stream 2.

“Về nguyên tắc, EU phản đối việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty châu Âu tham gia các hoạt động hợp pháp”, người phát ngôn của EU cho biết rằng Ủy ban châu Âu đang phân tích hậu quả tiềm tàng của các biện pháp này để đề ra các hành động trả đũa. “Mục tiêu của Ủy ban luôn là đảm bảo rằng Nord Stream 2 hoạt động một cách minh bạch, với mức độ giám sát phù hợp theo quy định”, phát ngôn viên EU nhấn mạnh.

Ngày 30-12, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Kozak nói những biện pháp đáp trả của Nga sẽ tương xứng với hình thức xử phạt của Mỹ đối với các đường ống dẫn khí của Nga. Theo ông, đường ống Nord Stream 2 sẽ được xây dựng, bất kể các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt.

Trước đó ngày 26-12, điều phối viên xuyên Đại Tây Dương của Chính phủ Đức Peter Beyer, thừa nhận trên đài phát thanh Deutschlandfunk rằng: “Các biện pháp trừng phạt dự án Nord Stream 2 sẽ trì hoãn việc hoàn tất dự án. Nhưng đường ống sẽ đi vào hoạt động nửa cuối năm tới”.

Đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ nối Nga với châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ và với Hy Lạp qua Biển Đen bằng 2 đường ống có công suất 15,75 tỷ m3 mỗi ống. Một đường vận chuyển khí đến Thổ Nhĩ Kỳ và đường còn lại sẽ cung cấp cho miền Nam và Đông Nam châu Âu. Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu được lên kế hoạch đưa vào sử dụng tháng 12-2016.

Tuy nhiên, dự án đã bị dừng lại vào tháng 10-2015 do cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài giữa Ankara và Moscow. Cuối cùng, dự án đã được khởi động trở lại vào tháng 9-2016. Vào cuối tháng 11-2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng đường ống này sẽ chính thức đưa vào hoạt động ngày 8-1-2020 tại Istanbul.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak.
Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.