Nga-Mỹ không thể tách rời
Ngày 21-8, Tổng thống Vladimir Putin đã bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu, ông Anatoli Antonov, 62 tuổi, Thứ trưởng Ngoại giao, làm tân Đại sứ Nga ở Mỹ. Ông Antonov thường được xem là một người có lập trường cứng rắn đối với phương Tây nhưng chủ trương hòa dịu trong quan hệ Mỹ-Nga. Chính vì vậy, ông đã được chọn làm tân Đại sứ Mỹ ngay từ khi bà Hillary Clinton còn là ứng cử viên có triển vọng đắc cử Tổng thống Mỹ nhất.
Trong bài trả lời phỏng vấn trang tin tức kinh doanh Kommersant (Nga) khi chính thức nhậm sở ngày 30-8, ông Antonov đã chứng tỏ là người rất giỏi về ngoại giao. Theo ông, Nga sẽ không cầu xin Mỹ hủy bỏ những biện pháp trừng phạt, nhưng nếu không có điều này thì không thể xây dựng hợp tác hiệu quả. “Rõ ràng Nga và Mỹ sẽ chỉ có thể xây dựng sự hợp tác hiệu quả khi trong đối thoại người ta ngừng sử dụng các công cụ áp lực, và khát vọng áp đặt ý chí của mình”, ông lưu ý.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp mặt ở Washington, Mỹ. |
Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, ông Antonov kêu gọi Nga và Mỹ nên tái lập các mối liên lạc trực tiếp giữa các lãnh đạo quân sự và chính sách ngoại giao. “Đã tới lúc tái tục các cuộc họp chung giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Nga theo thể thức 2+2”, ông Antonov thúc giục.
Đại sứ Nga cũng kêu gọi mở các cuộc họp giữa lãnh đạo Cơ quan An ninh Liên bang Nga, Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga với Cục Điều tra Liên bang Mỹ và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ. Một sự hợp tác giữa Hội đồng An ninh Nga và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cũng sẽ giúp ích trong công cuộc chống khủng bố, các đe dọa trên mạng và đóng góp cho sự ổn định chiến lược, Đại sứ Antonov phân tích. “Có nhiều vấn đề rõ ràng trong quan hệ Nga-Mỹ nhưng hai bên có tiềm năng to lớn để hợp tác cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực khác nhau”, ông nói.
Ông chỉ ra rằng Nga muốn phát triển những cơ hội này và bình thường hóa tiến trình đối thoại bền vững với Mỹ, cũng như tìm kiếm việc chung tay hành động để đối phó với các mối đe dọa và thách thức chung. “Để đạt được điều này, chúng tôi phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản của sự bình đẳng, thực sự tôn trọng lợi ích và nguyên tắc không can thiệp vào quan hệ nội bộ của nhau”, nhà ngoại giao này nói thêm. Theo ông, cuộc đối đầu Nga-Mỹ là vô nghĩa và sẽ không có người chiến thắng trong cuộc xung đột này.
Lời kêu gọi cải thiện quan hệ Nga-Mỹ như được hưởng ứng từ phía Washington. Ngày 30-8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đã thảo luận qua điện thoại về vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên. Cả hai bên khẳng định rằng, hành động này của Bình Nhưỡng là “nguy hiểm”, và vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm Triều Tiên tham gia vào các hoạt động tên lửa và hạt nhân.
Kết thúc cuộc điện đàm, hai ngoại trưởng cho rằng “không thể thay thế tìm kiếm các phương cách ngoại giao và chính trị để vượt qua những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, và cần kiềm chế về mặt quân sự, vì hậu quả của nó là không lường trước được”.
Trong một vấn đề quốc tế khác, cuộc khủng hoảng tại Vùng Vịnh hiện nay, Nga và Mỹ mặc dù không “bắt tay” nhau để cùng giải quyết nhưng trong những hành động riêng rẽ, từng nước đều tìm cách gỡ nút thắt cho khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30-8 có cuộc điện đàm với Quốc vương Saudi Arabia Salman, trong đó hối thúc các bên liên quan đến tranh cãi ngoại giao với Qatar tìm một giải pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump ra thông báo nêu rõ, nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi các bên tìm ra giải pháp dựa trên những cam kết đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia hồi tháng 5 vừa qua, để duy trì sự đoàn kết khi phải đương đầu với chủ nghĩa khủng bố.
Ông Anatoly Antonov, tân Đại sứ Nga tại Washington. |
Trong khi đó, tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Qatar Sheik Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tại thủ đô Doha, Qatar ngày 30-8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moskva sẵn sàng làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh. Ngoại trưởng Nga kêu gọi tất cả các bên cần làm việc với quốc gia trung gian hòa giải là Kuwait để tìm kiếm một giải pháp. Ông cũng nhấn mạnh, một GCC mạnh mẽ và đoàn kết có vai trò quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề lớn trong khu vực.
Trước đó, ngày 28-8, trong cuộc họp báo chung tại Washington với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng đổi mới quan hệ Mỹ-Nga và tin rằng hai nước sẽ hợp tác với nhau trong tương lai. “Nga là một quốc gia lớn, là một quốc gia hạt nhân và tôi nghĩ cuối cùng chúng tôi sẽ hòa thuận với họ. Tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu chúng tôi có mối quan hệ khăng khít hoặc ít nhất là vui vẻ với Nga… và tôi tin một ngày nào đó mong muốn này sẽ đạt được”, ông Trump phát biểu.
Phát ngôn của ông Trump được đánh giá là quá lạc quan trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Nga leo thang sau khi Washington thông qua dự luật trừng phạt mới đối với Nga hồi đầu tháng, kéo theo các hành động đáp trả sau đó từ phía Moskva, trong đó có quyết định trục xuất hàng trăm nhân viên ngoại giao Mỹ tại nước này. Tuy nhiên, điều này không gây quá nhiều ngạc nhiên bởi từ lúc còn trong chiến dịch tranh cử và đến khi nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, ông Trump luôn khẳng định quan điểm, muốn cải thiện mối quan hệ với Nga, quốc gia đối thủ lớn nhất của chính quyền Washington trong nhiều thập kỷ qua.
Quyết định ủng hộ dự luật mới của ông chủ Nhà Trắng cũng rất miễn cưỡng. Ngay cả lúc đã đặt bút ký, ông Trump không quên nhắc lại, dự luật bộc lộ nhiều sai lầm khi hạn chế quyền của ông đối với việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Theo giới quan sát, dù đôi khi có dấu hiệu “ấm” lên, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga vẫn chuyển biến xấu dần trong khoảng 10 năm qua hoặc lâu hơn. Những người tiền nhiệm của ông Trump cũng từng cam kết sẽ tái thiết lại quan hệ hai nước, nhưng đều chẳng mang lại kết quả gì. Chưa biết dưới thời ông Trump, quan hệ ấy có được thực sự cải thiện không.
Về phía Nga, tân đại sứ Antonov tuyên bố: “Một việc rất lớn đang chờ chúng ta: Đưa chúng ta ra khỏi vũng bùn này”. Nhưng ông nói thêm: “Điều đó không có nghĩa là chúng ta nhường bước trước Mỹ”.