Nga, Mỹ và NATO: Tránh leo thang đối đầu

Thứ Năm, 23/11/2017, 20:32
Nhằm trở lại trung tâm của nền chính trị toàn cầu, nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã thực thi chương trình hiện đại hóa quân đội quy mô lớn. Không chỉ ở những khu vực mà Moscow gọi là “khu vực lợi ích đặc quyền”, mà còn mở rộng ra mặt trận ở xa hơn, nổi bật là Trung Đông - nơi quân đội Mỹ từ lâu đã tự cho có quyền tự do hành động.

Sự trỗi dậy của Nga đang là một thách thức lớn đối với Mỹ nói riêng và NATO nói chung khi mục tiêu củng cố vị thế chiến lược của Nga ngày càng trở nên rõ ràng.

Theo giới phân tích, dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, Nga đã bắt đầu thách thức phương Tây một cách có hệ thống, với mục đích nhằm làm suy yếu liên kết giữa châu Âu và Mỹ và giữa các thành viên trong Liên minh châu Âu (EU); sự đoàn kết trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Mặc dù cho đến nay Nga vẫn chưa đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của bất kì một nước thành viên nào trong NATO, song các kênh đối thoại mở vẫn rất cần thiết để tránh hiểu nhầm và toan tính sai lệch vốn có thể leo thang thành một cuộc chiến mà chẳng bên nào mong muốn.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các mục tiêu chiến lược của Mỹ, châu Âu và Nga dường như đồng nhất ở mục tiêu thúc đẩy sự chuyển đổi về kinh tế và chính trị ở các nước Đông Âu và Nga, tạo ra một châu Âu hội nhập mang tính toàn diện, tự do và hòa bình. Đối đầu quân sự kéo dài hơn 40 năm đã biến mất với sự sụp đổ của Khối Vácsava.

Việc Liên Xô rút quân khỏi Đông Âu và các cuộc đàm phán về các thỏa thuận kiểm soát vũ khí được khởi động. Được cởi trói khỏi những logic chiến lược của Chiến tranh Lạnh, các chính phủ hướng nỗ lực vào việc chuyển đổi các nền kinh tế ở Đông Âu sang vận hành theo nguyên lý thị trường, cũng như nhiệm vụ đoàn kết châu lục.

Tuy nhiên, kể từ khi cựu lãnh đạo Cơ quan an ninh liên bang lên nắm quyền vào cuối năm 1999, hứa hẹn sẽ chấm dứt bất ổn và lập lại ổn định. Với việc tăng cường kiểm soát đối với bộ máy hành chính, ông Putin đã hoàn tất lời hứa của mình. Khi ngân sách chính phủ được lấp đầy nhờ giá dầu mỏ và khí đốt tăng, ông Putin cũng đã thành công khi nâng cao được mức sống cho người dân Nga.

Trọng tâm ở thời kì này là phục hồi sức mạnh trong nước thay vì mở rộng can dự bên ngoài, dù ông Putin từng thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác với Mỹ, nhất là trong đối phó với các mối đe dọa chung, như chủ nghĩa khủng bố.

Thế nhưng, khi càng tự tin, Điện Kremlin ngày một lo ngại về cái mà họ cho là sự xâm lấn của phương Tây ở khu vực ảnh hưởng của Nga, với việc một loạt nước ở Trung Âu, Đông Âu, nhất là ba nước vùng Baltic, gia nhập NATO và EU. Moscow bực tức khi chứng kiến quyền lực và thói ngạo mạn ngày một lớn của Washington, đặc biệt là sau cuộc chiến tại Iraq năm 2003, và dần từ bỏ mọi ý tưởng về tìm kiếm nền tảng chung với phương Tây.

Tín hiệu đầu tiên của xu thế này được Tổng thống Putin thể hiện trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) vào năm 2007. Ông chỉ trích việc NATO mở rộng về phía Đông và cáo buộc Mỹ hành xử mà chẳng để ý gì đến sự toàn vẹn lãnh thổ của nước khác chỉ để theo đuổi thế giới đơn cực. Trong mắt ông Putin, Washington chẳng có mục tiêu nào khác ngoài thống trị thế giới.

Gần một thập kỉ sau khi ông Putin chỉ trích NATO và Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich 2007, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã trở lại chính bục phát biểu đó vào năm ngoái để ca thán: “Chúng ta đã trượt vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.

Quân đội Nga đã khôi phục được vị thế siêu cường quân sự.

Nhưng đối đầu hiện tại khác xa so với trước kia. Chiến tranh Lạnh trong quá khứ là đụng độ hệ tư tưởng mà trải dài tới mọi khu vực trên thế giới. Đối đầu ngày nay không có cường độ, quy mô, và sự chia rẽ về hệ tư tưởng của xung đột trước.

Hơn thế, đe dọa lớn nhất ngày nay không phải là một cuộc chiến có tính toán, mà là khả năng tính toán sai lầm. Một mối lo ngại chính là việc Nga có thể không tin rằng NATO sẽ thực sự hành động để bảo vệ các đồng minh dễ bị tổn thương nhất - và là lý do tại sao các tuyên bố trấn an và cam kết bởi tất cả các nước NATO, nhất là Mỹ, có vai trò thiết yếu.

Nâng cao các năng lực quân sự và tăng cường sự hiện diện phía trước của lực lượng NATO là các tín hiệu quan trọng chứng tỏ quyết tâm. Thế nhưng chúng cần phải được hậu thuẫn bởi các ngôn từ để không ai nghi ngờ việc NATO sử dụng lực lượng này để bảo vệ đồng minh trong trường hợp bị tấn công.

Một tính toán sai lầm khác có thể đến từ việc Nga và NATO không hiểu được động cơ và ý đồ thực của nhau. Các cuộc tập trận huy động một lực lượng lớn binh lính ở các khu vực gần biên giới, thiếu tính minh bạch trong triển khai quân, và những hoạt động quân sự nguy hiểm mô phỏng các cuộc tấn công hay đe dọa sự an toàn của lực lượng đối phương sẽ làm gia tăng nghi ngờ. Trong thời điểm căng thẳng leo thang, những hành động như trên sẽ tạo ra bầu không khí thiếu chắc chắn, tăng khả năng va chạm và leo thang.

 Dù khác biệt có gia tăng đến mức nào đi chăng nữa, Nga, Mỹ và NATO vẫn có chung lợi ích thiết yếu, đó là tránh một cuộc chiến tranh lớn mà không bên nào mong muốn. Ưu tiên cấp bách nhất là khuyến khích đối thoại trực tiếp, cả ở cấp chính trị và đặc biệt là cấp quân sự. Hội đồng Nga-NATO, vốn được lập ra trong giai đoạn lạc quan và vẫn là một thiết chế đưa Nga và 29 nước thành viên NATO vào một mái nhà chung. Đó sẽ là cấu trúc phù hợp nhất cho nhiệm vụ này, có thể giúp định ra quy tắc và tiến trình giúp giảm thiểu nguy cơ đối đầu.

Gia tăng căng thẳng chính trị đã khiến hội đồng này bị đẩy ra rìa, trở thành điểm tranh luận các bất đồng thay vì tìm kiếm một nền tảng chung. Thế nhưng đây vẫn là cơ chế tạo ra diễn đàn để bàn luận về các cách thức tăng cường tính minh bạch, xây dựng lòng tin, bảo đảm kết nối liên lạc trong các cuộc khủng hoảng, vốn đều là những yếu tố cần thiết để tránh tính toán sái lầm và leo thang đối đầu.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.