Nga - Trung đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược

Thứ Tư, 06/11/2019, 21:54
Nga và Trung Quốc đang không ngừng bồi đắp “quan hệ đối tác chiến lược” kể từ năm 2014. Sự gắn kết giữa hai nước dựa trên những cân nhắc về kinh tế và địa chính trị. Mặc dù có lợi thế chung nhưng mối quan hệ gắn bó này cũng có những hạn chế.

Tuy nhiên, trong trung hạn, Nga và Trung Quốc đều sẵn lòng bỏ qua những lĩnh vực có nguy cơ gây căng thẳng để cùng nhìn về một hướng.

Nga đang ngày càng chuyển hướng sang châu Á. Tầm nhìn của Tổng thống Vladimir Putin về một “châu Âu rộng lớn hơn”, vốn hình dung về một khu vực thương mại tự do Lisbon đến Vladivostok, đã nhường đường cho ý tưởng “khu vực Á - Âu rộng lớn hơn”, ít nhất là kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 và sau đó là các biện pháp trừng phạt của phương Tây và các biện pháp đáp trả trừng phạt của Nga.

Giờ đây, Moscow có xu hướng nêu bật vị thế cường quốc của họ ở trung tâm của lục địa Á - Âu và tầm quan trọng mới của châu Á đối với chính sách đối ngoại của Nga. Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong bối cảnh này.

Với quan hệ “đối tác chiến lược” giữa hai nước, Nga và Trung Quốc đang cho thấy những thứ còn hơn cả sự đoàn kết mang tính tượng trưng. Thương mại giữa hai nước đã gia tăng nhanh chóng trong những năm qua. Nền kinh tế của hai nước dường như bù đắp cho nhau: Nga cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô, trong khi đó Trung Quốc xuất khẩu công nghệ, hàng hóa công nghiệp và hàng tiêu dùng.

Lĩnh vực nông nghiệp và du lịch cũng có tiềm năng mở rộng hơn nữa. Nhu cầu về nông sản của Nga ở Trung Quốc ngày một gia tăng và Nga trở thành điểm đến được yêu thích của du khách Trung Quốc. Sau một thời gian dài do dự, Nga đã bắt đầu bán vũ khí thế hệ mới nhất cho Trung Quốc và năm 2018, lần đầu tiên từ trước đến nay, Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận quân sự quy mô lớn Vostok của Nga.

Nga đã bán cho Trung Quốc hệ thống phòng không S-400 vào năm 2018.

Sự tăng cường hợp tác này được đánh giá dựa trên một loạt lợi ích chung. Ở cấp độ căn bản, việc cả hai nước đều không có những đồng minh khác là điều có lợi cho quan hệ đối tác của hai cường quốc vốn đều có quyền phủ quyết và sức mạnh hạt nhân. Ở cấp độ quốc tế, hai nước đoàn kết chống lại tầm ảnh hưởng của Mỹ và các đồng minh của nước này trong các tổ chức quốc tế.

Nga và Trung Quốc đều phản đối “sự can thiệp” của phương Tây vào các vấn đề nội bộ của các nước có chủ quyền. Quan điểm của cả hai đều ủng hộ ý niệm về một “trật tự toàn cầu đa cực” và sự tồn tại cùng lúc của nhiều hệ thống giá trị như một lựa chọn thay thế cho việc chú trọng vào trật tự “tự do” và các giá trị phổ quát mà các nước dân chủ phương Tây đưa ra.

Trong lĩnh vực kinh tế, quan hệ giữa hai cường quốc này trở nên gần gũi hơn nhưng đây cũng là nơi tình trạng bất cân xứng hiển hiện rõ ràng nhất. Trong hàng thập kỷ qua, Nga và Trung Quốc đã liên tục củng cố quan hệ thương mại. Kim ngạch thương mại trong năm 2018 tăng 25% so với năm 2017, đạt hơn 100 tỷ USD, hoạt động động thương mại song phương bằng đồng nhân dân tệ và đồng ruble thay vì bằng đồng USD cũng ngày càng tăng. Hơn 1/6 lượng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga là bằng đồng nhân dân tệ.

Hoạt động thương mại song phương không chỉ gia tăng về số lượng mà còn cả về chất lượng. Trung Quốc hiện giờ là khách hàng chính của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Trước năm 2014, Nga đã từ chối xuất khẩu công nghệ vũ khí tế hệ mới nhất với mối lo sợ rằng Trung Quốc có thể sao chép chúng. Những mối quan ngại này đã dịu bớt. Nga đã bán cho Trung Quốc hệ thống phòng không S-400 vào năm 2018 và máy bay chiến đấu Su-35 vào năm 2019.

Trong nhiều lĩnh vực khác, công nghệ của Trung Quốc lại vượt trội hơn so với Nga và có thể lấp đầy khoảng trống mà các công ty phương Tây để lại. Chẳng hạn như gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đang xây dựng mạng 5G ở Nga, công nghệ nhận diện gương mặt của Trung Quốc được sử dụng ở các thành phố của Nga.

Lĩnh vực năng lượng chiếm phần đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc. Kể từ năm 2016, Nga là nước cung cấp dầu mỏ chính cho Trung Quốc, nhiều hơn cả Saudi Arabia. Các tập đoàn năng lượng Trung Quốc đã sở hữu 1/5 các dự án khí tự nhiên hóa lỏng của Nga ở Bắc Cực và cung cấp một nửa số trang thiết bị cần thiết để khai thác dầu mỏ ở Nga.

Đối với Nga, khách hàng Trung Quốc là một thị trường quan trọng thay thế cho châu Âu. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại gia tăng kéo theo những gánh nặng khác cho cả hai bên. Ngoài liên minh châu Âu (EU) nói chung, Nga không có hoạt động kinh doanh với một quốc gia đơn lẻ nào nhiều hơn so với Trung Quốc. Mặc dù thành tích kinh tế của hai nước gần như ngang hàng thời điểm Liên Xô sụp đổ nhưng hiện nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc gấp 6 lần và trên danh nghĩa thậm chí còn gấp 8 lần GDP của Nga.

Do đó, Nga vẫn có thái độ dè dặt nhất định, được thể hiện qua hoạt động buôn bán khí đốt. Nga không muốn trở nên phụ thuộc vào một bên mua duy nhất. Từ lâu, các kế hoạch về “Đường ống khí đốt Altai” đã được tiến hành. Đường ống này sẽ kết nối các mỏ khí đốt ở phía Đông và phía Tây Siberia, mang đến quyền tiếp cận các thị trường ở Trung Quốc hoặc châu Âu, tùy thuộc vào cung và cầu.

Tuy nhiên, các dự án như vậy đòi hỏi phải có khoản đầu tư khổng lồ. Mức độ can dự của các công ty Trung Quốc ở đây sẽ là một chỉ báo quan trọng cho tương lai của mối quan hệ Nga - Trung trong lĩnh vực năng lượng.

Một cách rõ ràng, quan hệ đối tác giữa Nga và Trung Quốc có thể có những tác động sâu rộng đến cán cân sức mạnh toàn cầu. Tuy nhiên, tính bền vững của mối quan hệ này còn đang được nhiều chuyên gia đặt câu hỏi. Những bất đồng trong lịch sử cũng như về văn hóa không phải một sớm một chiều mà xóa bằng đi được.

Đó là chưa kể, tuy cùng chung mục đích cường quốc, song bản chất vẫn khác nhau. Nước Nga, cho dù đang hướng về châu Á, vẫn luôn tự cho rằng có sự kết nối về văn hóa và cùng chung quá khứ với châu Âu.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.