Nga đang đưa Syria “trở lại vùng Vịnh”

Thứ Năm, 18/03/2021, 10:09
Việc Syria trở lại Liên đoàn Arab ngày càng lộ rõ. Điều này đã được khẳng định một cách đáng chú ý bởi chuyến công du 3 nước Arab của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Chuyên gia về Trung Đông Roland Lombardi giải thích rằng, chuyến công tác ngoại giao này của Nga có tầm quan trọng đặc biệt vì nó khơi nguồn cho sự thay đổi cục diện thù địch với Damascus của các nước Vùng Vịnh.


Ngày 9-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông đầu năm 2021 gồm 3 nước UAE, Saudi Arabia và Qatar. “Nga tham gia quân sự vào Syria để cứu đất nước. Ngày nay, vấn đề đặt ra là lấy lại vốn từ chính sách năng động và tốn kém này”, chuyên gia khu vực Roland Lombardi phát biểu với Sputnik khi phân tích vấn đề Syria trong chuyến công du Arab của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga thực hiện từ ngày 8 đến 12-3. Một tuần căng thẳng các cuộc họp với những người đồng cấp Qatar, Saudi Arabia và Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Chuyến thăm của ông Lavrov diễn ra chỉ 3 tháng sau một loạt chuyến thăm Moscow của những người đứng đầu ngành ngoại giao của các nước trên. Một tỷ lệ liên lạc chưa từng có. “Không giống như phương Tây, chính sách của Nga không dựa trên ý thức hệ hay thương mại. Chính sách ấy được lắng nghe và tôn trọng vì tính thực dụng của nó. Sự xuất hiện của Ngoại trưởng Lavrov khẳng định vai trò ảnh hưởng của Nga trong khu vực”, Roland Lombardi nói.

Và vấn đề Syria chiếm một trong những vị trí thiết yếu trong các cuộc thảo luận đa chiều giữa Nga và các nước Vùng Vịnh.

Bộ trưởng Ngoại giao UAE, Bộ trưởng Ngoại giao Nga và Tổng thư ký Liên đoàn Arab.

Hướng tới sự trở lại Liên đoàn Arab của Syria

Syria, vừa kỷ niệm 10 năm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh tàn khốc, đang nằm trong vòng cấm vận của phương Tây. Người phương Tây rõ ràng đang tin tưởng vào quan điểm của họ. Trong một nghị quyết được thông qua hôm Thứ năm tuần trước, Nghị viện châu Âu phản đối bất kỳ sự bình thường hóa nào đối với Syria dưới quyền của Tổng thống Assad.

Kể từ khi Nga can thiệp quân sự theo yêu cầu của ông Bashar al-Assad vào năm 2015, chính phủ của ông Assad đã duy trì được tình hình, sau đó giành lại nhiều phần lãnh thổ Syria từ tay phiến quân và các lực lượng khủng bố, giúp phần lớn dân số thoát khỏi cảnh nhà tan. Hiện chỉ còn Idlib, biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ do Ankara chiếm đóng và các khu vực dầu mỏ ở phía Đông, dưới sự kiểm soát của Mỹ.

“Khi đến Vùng Vịnh, Bộ trưởng Nga cố gắng thuyết phục các đối tác của mình về lợi ích của việc Syria trở lại khu vực”, chuyên gia chính trị Lombardi phân tích.

Trên thực tế, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho rằng việc Syria trở lại Liên đoàn Arab sẽ góp phần vào sự ổn định trong toàn khu vực. “Tôi rất mong có sự tiến bộ trong ý kiến tập thể của các nước Arab về sự cần thiết để Syria trở lại Liên đoàn Arab. Chúng tôi luôn vì sự đồng lòng của những nỗ lực chứ không ủng hộ sự mất đoàn kết”, Bộ trưởng Nga nói trong chuyến công du. Và các nước Vùng Vịnh dường như chấp nhận điều đó. Sau chuyến thăm của ông Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Joubeir tuyên bố rằng “Syria xứng đáng trở lại bàn cờ Arab. Chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực để giải quyết khủng hoảng”.

Người đồng cấp Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cho rằng cần phải “vượt qua những trở ngại cản trở việc hợp tác với Damascus”. Về phần mình, Mohamed bin Zayed, Thái tử của Abu Dhabi và là Phó Tư lệnh Tối cao của Các lực lượng vũ trang UAE, tuyên bố rằng “sự trở lại của Syria trong bối cảnh khu vực là cần thiết”.

Đối với Qatar, điểm dừng chân thứ ba của Bộ trưởng Lavrov, từ một năm nước này đã tham gia thể thức 3 bên cùng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria. Cấu trúc này cũng được sử dụng để tìm giải pháp cho cuộc xung đột Syria theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

“Tôi hoan nghênh việc Qatar sẵn sàng giúp cải thiện tình hình bi thảm ở Syria [...] điều này phản ánh mong muốn giúp đỡ một quốc gia Arab huynh đệ”, ông Lavrov nhận xét sau cuộc gặp với những người đồng cấp Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ bên lề chuyến công du của ông ngày 11-3.

Sự có mặt của quân đội Nga giúp tình hình Syria được dần ổn định.

Xáo trộn ở vùng Vịnh và công việc của Moscow

Những nỗ lực ngoại giao này và những khoản đầu tư có được từ sau những vận động từ phía Nga chắc chắn sẽ giúp Syria tự tái thiết. Nhưng vẫn còn một số ẩn số. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao UAE Abdullah bin Zayed Al Nahyane lưu ý, “trở ngại chính, đó là các lệnh trừng phạt kinh tế”, đề cập đến luật “Caesar” của Mỹ, luật này khiến người dân Syria ngột ngạt và trên thực tế nghiêm cấm mọi hợp tác với Damascus. Theo Sheikh Abdallah, đây là nguyên nhân làm chậm quá trình trở lại Liên đoàn Arab của Syria. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất là quốc gia Arab đầu tiên mở lại đại sứ quán tại Damascus vào tháng 12-2018.

“Tất cả các quốc gia Vùng Vịnh Arab ban đầu đều ủng hộ sự ra đi của ông Bashar al-Assad. Họ tài trợ cho dân quân, các nhóm khủng bố ở Syria. Nhưng kể từ khi có sự can thiệp của Nga, các nước này đã điều chỉnh lại chính sách của mình”, Roland Lombardi cho biết. Thật vậy, kể từ chuyến công du của Quốc vương Salman tới Moscow vào tháng 10-2017, Riyadh được cho là đã coi Nga là một phần không thể thiếu trong giải pháp cho cuộc xung đột Syria. Chuyên gia Roland Lombardi nói: “Kể từ khi có sự can dự của Moscow, Syria đang trên đà trở thành “bạn của các nước láng giềng Arab”.

Nhận thức được rằng cuộc chiến ở Syria sẽ còn kéo dài, Nga đang tìm cách gây ảnh hưởng về mặt ngoại giao đối với hồ sơ Syria. “Sau quân đội, có ngoại giao, chuẩn bị là kinh tế, đầu tư, tái thiết, viện trợ. Bằng cách này, Nga tạo điều kiện cho các khoản đầu tư trong tương lai từ Vùng Vịnh, mà còn từ Trung Quốc”. Những khoản đầu tư mà Syria cần rất nhiều sau 10 năm chiến tranh tàn phá. Chi phí tái thiết ước tính vào khoảng 250 đến 400 tỷ USD.

Ngày 15-3 là ngày đánh dấu 10 năm cuộc chiến kéo dài tại Syria. Phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, tình hình ở Syria “là một cơn ác mộng kinh hoàng”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo cho nước này. Sau 10 năm, cuộc nội chiến Syria đã cướp đi sinh mạng của 388.000 người, trong đó có khoảng 118.000 dân thường và 22.000 trẻ em. Hơn 1/2 dân số Syria đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, khoảng 200.000 người mất tích. Hy vọng về một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Syria vẫn còn rất mù mịt. Rất nhiều cuộc hòa đàm đã được tổ chức nhưng chưa bao giờ đem lại kết quả thực sự.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.