Nga đáp trả sự trừng phạt của phương Tây: Cơ hội tự cường

Thứ Tư, 13/08/2014, 18:35

Đa phần người dân Nga ủng hộ các biện pháp trả đũa phương tây của chính quyền Moskva. Giới quan sát cũng như người dân Nga thấy rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như các biện pháp trả đũa của Nga là cơ hội để giúp nước này mở ra triển vọng tìm kiếm những thị trường mới, đồng thời tạo động lực cho các nhà sản xuất và nền nông nghiệp trong nước.

Ngày 7/8 vừa qua, Chính phủ Nga chính thức thông báo áp lệnh "cấm toàn diện" đối với thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cá, phô mai, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả nhập khẩu từ các nước Australia, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Na Uy trong thời hạn một năm và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Tuy nhiên, lệnh cấm không áp dụng với thực phẩm trẻ em và các sản phẩm do công dân Nga đi nước ngoài mua về, nhưng mọi mưu toan mua đi bán lại để trục lợi sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Trước đó, ngày 6/8, Moskva cũng đã tung ra một loạt các lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm nước ngoài vì "lý do sức khỏe" và để "bảo vệ người tiêu dùng". Các mặt hàng như sữa, pho mát, hành tây từ Ukraina; đào từ Hy Lạp; táo từ Ba Lan, hoa quả khác từ Moldova, hay thịt từ Tây Ban Nha đều bị cấm nhập khẩu vào Nga.

Chưa dừng lại ở đây, trong một cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và một quan chức cấp cao của Hãng Hàng không Nga Aeroflot, ngày 6/8 Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết, Nga đang xem xét một lệnh cấm các hãng hàng không phương Tây bay qua không phận của Nga để đến châu Á.

Theo tờ báo Vedomosti của Nga, Moskva đang xem xét hai phương án: Hạn chế số lượng hoặc cấm toàn bộ các tuyến bay ngang qua vùng Siberia của các hãng hàng không châu Âu. Nếu biện pháp này được thực thi, các hãng hàng không của châu Âu sẽ phải tiêu tốn thêm khoảng 30.000 USD chi phí nhiên liệu và lệ phí cho mỗi đường bay vì hành lang bay thẳng từ châu Âu sang châu Á ngang qua Siberia sẽ giảm được 4.000 km cho mỗi hành trình.

Tổng thống Nga V.Putin thông báo các biện pháp trả đũa phương Tây.

Các biện pháp trên là một phần trong chuỗi những biện pháp trả đũa của Nga đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây áp dụng đối với Nga, trước cáo buộc chính quyền Moskva không dùng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Theo chính quyền Moskva, những biện pháp trên nhằm đảm bảo an toàn cho Nga và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Đồng thời, Điện Kremlin cũng khẳng định có thể thay đổi các biện pháp trả đũa nếu phương Tây tỏ ra mềm dẻo hơn đối với Nga nhưng cũng sẵn sàng gia tăng thêm các biện pháp trả đũa. Những lĩnh vực thiết yếu như năng lượng hay tài chính hiện chưa bị đụng đến, nhưng nếu Moskva quyết định tấn công thì hậu quả sẽ nặng nề hơn cho châu Âu. Nga mới đây tuyên bố sẽ tăng giá khí đốt bán cho châu Âu. Đồng thời, các biện pháp trả đũa có thể lan sang cả lĩnh vực nhập khẩu đồ điện tử, quần áo của các nhãn hiệu phương Tây, cấm visa nhập cảnh một số doanh nhân phương Tây…

Phản ứng trước các biện pháp trả đũa mới của Nga, ngày 7/8, đại diện Ủy ban châu Âu Frederic Vincent nói tại cuộc họp ở Brussels rằng, EU lấy làm tiếc là Nga áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm của EU và coi đó là biện pháp chính trị. Đại diện EU từ chối nêu ra cái giá phải trả cho một cuộc chiến thương mại với Nga, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì thiệt hại cho EU là khoảng 40 tỉ euro.

Trong lúc này, nhiều nước phương Tây đã bày tỏ lo ngại về những thiệt hại kinh tế từ các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây. Ngày 7/8, báo Suar của Bỉ đánh giá nước này có thể bị thiệt hại khoảng nửa tỉ euro liên quan đến lệnh cấm này của Nga. Thậm chí, thiệt hại của Bỉ có thể còn cao hơn con số này bởi nếu Nga cấm nhập khẩu hàng hóa từ 28 quốc gia EU thì xuất khẩu của Bỉ vào các quốc gia như Hà Lan, Pháp và Anh tất yếu sẽ giảm xuống.

Tờ Tấm gương của Đức đánh giá, Liên đoàn Thương mại bán buôn và Ngoại thương nước này sẽ giảm doanh thu 20% vào cuối năm 2014 dưới tác động của các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây. Hiện 300.000 việc làm tại Đức đang phụ thuộc vào quan hệ kinh tế với Nga. Cùng ngày, Chủ tịch Phòng Thương mại Pháp - Nga khẳng định, các công ty Pháp tại Nga sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh trừng phạt của Moskva.

Nhiều loại hàng hóa phương Tây sẽ không còn được bày bán trong các siêu thị ở Moskva.

Giới chuyên gia nhận định, những biện pháp đáp trả của Nga đối với Mỹ và phương Tây đương nhiên gây hại cho cả hai phía. Đây là cách chẳng đặng đừng mà Chính phủ Nga phải thi hành. Theo thông lệ quốc tế nếu một nước bị một hoặc một nhóm nước khác áp dụng các biện pháp trừng phạt, gây tổn hại tới lợi ích và hình ảnh thì quốc gia đó sẽ đáp trả bằng những biện pháp tương ứng.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng như người dân Nga thấy rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như các biện pháp trả đũa của Nga là cơ hội để giúp nước này mở ra triển vọng tìm kiếm những thị trường mới, đồng thời tạo động lực cho các nhà sản xuất và nền nông nghiệp trong nước. Ngày 7/8, Nga đã tiến hành gặp đại sứ của các nước Ecuador, Brazil, Chile và Argentina nhằm thảo luận về khả năng tăng cường các sản phẩm của những nước này trên thị trường Nga.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nga cũng đã áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo cân đối thị trường hàng hóa trong nước, không để xảy ra tăng giá nông sản và lương thực thực phẩm. Tổng thống Putin còn yêu cầu tổ chức phối hợp với mạng lưới các nhà sản xuất, phân phối, soạn thảo và thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm tăng cường cung cấp hàng hóa sản xuất trong nước.

Công luận Nga đang tỏ ra ủng hộ cách làm của chính phủ. Một cuộc thăm dò do trung tâm nghiên cứu độc lập Levada tiến hành và công bố ngày 7/8 cho thấy, uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt mức cao kỷ lục mới kể từ 6 năm qua với 87% người dân Nga ủng hộ nguyên thủ của mình.

Cũng trong cuộc thăm dò này, 66% người dân Nga cho rằng đất nước đang đi đúng hướng trong khi chỉ có 19% không đồng tình đối đường lối phát triển của Nga. Liên quan tới vấn đề Ukraina, đại đa số dân Nga ủng hộ ý tưởng hỗ trợ nhân đạo, ngoại giao và thậm chí kinh tế cho Ukraina

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.