Nga hiện đại hóa quân đội vào năm 2011: Đòn phép ngoại giao?

Thứ Sáu, 27/03/2009, 10:45
Trước các viên chức cao cấp và tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng Nga, Tổng thống Medvedev cho rằng, các dự án nới rộng khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến sát biên giới Nga, các cuộc xung đột địa phương và đe dọa khủng bố buộc Nga phải hiện đại hóa quân đội. Lý do sâu xa nào khiến Tổng thống Nga đưa ra những lời tuyên bố cứng rắn này?

Theo tờ Le Figaro, Pháp (17/3/2009), hai tuần trước cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại London, Anh, Tổng thống Medvedev đã lên án thẳng thừng "những mưu toan không ngừng của khối NATO nhằm phát triển các cơ sở quân sự sát cạnh nước Nga".

Tình hình thực tế cho thấy, mối lo trên của nước Nga hoàn toàn có căn cứ. Ngoài việc một số quốc gia láng giềng của Nga lần lượt xin gia nhập khối NATO, sự kiện Pháp trở lại khối quân sự này càng khiến Moskva lo ngại. Chưa hết, ngày 13/3 vừa qua, Dmitri Rogozine, Đại sứ Nga tại NATO, cho rằng khối quân sự này đang tìm cách "toàn cầu hóa" để cạnh tranh với Tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Quân đội Nga sẽ được hiện đại hóa vào năm 2011?

Phát biểu trên Đài Phát thanh Nga RSN ngày 13/3, ông Dmitri Rogozine khẳng định: "Theo những tin tức tình báo mà chúng tôi có được và một số tài liệu cũng như sự kiện diễn ra gần đây, chúng tôi cho rằng NATO đang thực hiện tham vọng mở rộng tổ chức này để cạnh tranh với tổ chức Liên Hiệp Quốc".

Ông Rogozine cũng nhắc lại rằng các ủy ban của NATO và LHQ đã ký một thỏa thuận hợp tác hồi năm 2008.

"Tôi thật không hiểu tại sao Tổng thư ký LHQ lại có thể đem LHQ đặt ngang hàng với NATO. Hiện chúng tôi còn được biết thêm rằng, NATO đang cố thu nạp thêm càng nhiều thành viên càng tốt, ngay cả những quốc gia chẳng liên quan gì tới khu vực châu Âu - Đại Tây Dương như Australia, Nhật Bản, Newzealand và Ấn Độ cũng đều được "gạ" gia nhập tổ chức này. Nước Nga sẽ không muốn có một chỗ đứng trong tổ chức này" - ông Rogozine giải thích.

"Nước Nga sẽ tự bảo vệ bằng chính khả năng quốc phòng của mình. Nếu chúng tôi có tạo ra những khối liên minh, thì đó chỉ là tạm thời để chống lại một số nguy cơ rình rập" - ông Rogozine tuyên bố phản đối một ý tưởng nhằm thay thế Hội đồng Bảo an LHQ.

Thật không thừa khi nhắc lại một chút về sự ra đời của NATO để cho thấy những thay đổi gần đây của tổ chức này khiến chính quyền Nga không thể ngồi yên.

NATO được thành lập năm 1949, ban đầu gồm Mỹ, Canada và một số nước Tây Âu. Mục đích thành lập của NATO là để ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản và Liên Xô lúc đó đang trên đà phát triển rất mạnh ở châu Âu có thể gây phương hại đến an ninh của các nước thành viên.

Việc thành lập NATO dẫn đến việc các nước Cộng sản thành lập khối Warsaw để làm đối trọng. Sự kình địch và chạy đua vũ trang của hai khối quân sự đối địch này là cuộc đối đầu chính của Chiến tranh lạnh trong nửa cuối thế kỷ XX.

Ngoài việc chống lại Liên Xô và khối Warsaw thì mục tiêu của NATO được tuyên bố bởi Tổng thư ký khối này, Lord Ismay, năm 1956 là "giữ người Nga ở ngoài, người Mỹ ở trong và người Đức yếu".

Đó chính là lý do mà nước Nga bây giờ vẫn đóng quân ở Moldova, Gruzia và vẫn tiếp tục muốn thuê Sevastopol của Ukraina cho Hạm đội Biển Đen để NATO không thể kết nạp được các quốc gia này vào. Và đó cũng là lý do mà tại Hội nghị Thượng đỉnh Bucarest 2008 vừa qua, NATO đã loại bỏ chương trình hành động thành viên cho Ukraina và Gruzia.

Bất chấp những diễn biến gần đây giữa Nga và Mỹ có dấu hiệu ấm dần lên và đối thoại giữa Nga và NATO cũng bắt đầu được mở lại, song những hoạt động bành trướng của NATO không vì thế mà dịu bớt.

Chính vì những diễn biến nêu trên, tại cuộc họp cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/3, Tổng thống Medvedev, với tư cách Tổng Tư lệnh quân đội nhấn mạnh: "Nhiệm vụ chính yếu là đến năm 2011 tăng cường khả năng tác chiến của lực lượng quân sự của chúng ta, mà trước hết là khả năng của lực lượng vũ trang chiến lược".

Tuyên bố trên được đưa ra vào thời điểm mà Moskva cho biết sẵn sàng thương lượng với Washington về vấn đề cắt giảm các vũ khí chiến lược để gia hạn Hiệp ước START 1 sẽ hết hạn vào tháng 12 năm nay.

"Những phân tích về tình hình chính trị - quân sự trên thế giới cho thấy rằng, vẫn tồn tại khả năng xảy ra xung đột cao tại một số khu vực phát sinh do các cuộc khủng khoảng địa phương và những tham vọng không ngừng nghỉ của NATO trong việc phát triển cơ sở quân sự gần biên giới nước Nga" - ông Medvedev cho biết thêm.

Ngay sau tuyên bố trên của người đứng đầu Nhà nước Nga, báo chí phương Tây đã tỏ ra lo ngại cho quan hệ Nga - Mỹ, nhưng một số lại tỏ ra hoài nghi rằng Tổng thống Medvedev sẽ lấy đâu ra số tiền để hiện đại hóa quân đội trong khi tình hình kinh tế nước này cũng đang chịu ảnh hưởng nặng từ cuộc khủng hoảng chung của thế giới.

Một thực tế là trong thời gian gần đây, chi phí quân sự Nga đã tăng đều đặn. Hãng tin quốc tế RIA-Novosti, Nga, cho biết Moskva đã lên kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng hiện tại 40 tỉ USD lên 50% trong 3 năm tới. Còn giới chức quân đội Nga cho biết khoảng 25% trong số 43 tỉ USD chi cho việc mua vũ khí năm nay sẽ được dành để nâng cấp lực lượng hạt nhân đã lỗi thời.

Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng tuyên bố trên của Tổng thống Medvedev có thể chỉ là đòn ngoại giao nhằm vào nước Mỹ khi mà chỉ còn hơn 10 ngày nữa ông sẽ có cuộc gặp chính thức với Tổng thống Barack Obama.

Điều này cũng cùng bản chất với việc Nga tuyên bố triển khai hệ thống tên lửa Iskander tại vùng Kaliningrad sau khi Mỹ cố tình muốn xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại CH Séc và Ba Lan thời gian gần đây.

Nhưng sau khi ông Obama tuyên bố xem xét lại hệ thống phòng thủ trên hồi cuối tháng 1 vừa qua thì Nga cũng ra thông báo ngưng triển khai hệ thống tên lửa Iskander

Quốc Hùng (Tổng hợp)
.
.